Thursday, February 13, 2020

Uất Ức Biển Ta Ơi(2)

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay, mời quý thính giả theo dõi phần cuối của bài viết Uất Ức Biển Ta Ơi của Phạm Thanh Nghiên, do chính tác giả trình bày sau đây
 Uất Ức Biển Ta Ơi (2)
Phạm Thanh Nghiên
Sau khi thực hiện tội ác, chúng trói những người còn sống lại và cho tám xác chết vào tám túi ni – lông. Anh Dũng kể thay cho Thái: “Lúc tàu Trung Quốc đuổi thì tôi cũng biết, nhưng đang ở dưới khoang thuyền. Khi tôi lên, cảnh tượng thật hãi hùng, người chết, người bị thương, người bị còng tay. Tôi là người cuối cùng bị còng”. Anh Dũng còn cho biết thêm: lên thuyền của các anh có bảy tên lính hải quân Trung Quốc cao lớn, tên nào tay cũng lăm lăm một khẩu súng. Buổi chiều, chúng đưa các anh về đảo Hải Nam, cho mỗi người một tô mì, sau đó nhốt mỗi người vào một buồng riêng biệt. Hai ngừơi bị thương thì chúng “làm sống”, tức là xử lý vết thương không dùng thuốc gây tê. Sau một vài phút để trấn tĩnh trở lại, Thái nói: “Chúng dùng dao khoét vào đùi em, lấy viên đạn ra; em bị bắn 2 phát, một phát vào đùi phải đau đớn vô cùng. Khi chúng khoét xong, cho em tô mì. Sáng hôm sau chúng lôi em đi lấy cung”.
Khoảng hai, ba hôm sau khi thuyền ngư dân Thanh Hoá bị tàu chiến Trung Quốc tấn công thì người của Bộ ngoại giao Việt Nam sang. Họ có hai người, không có nhà báo đi theo để đưa tin. Họ xin chính quyền Trung Quốc gặp các ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ và khuyên: “Các anh cố gắng ở lại cải tạo cho tốt, đừng cãi lời người ta. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa các anh về trước tết”. Những ngư dân này không hiểu họ phạm tội gì, tại sao lại “ cố gắng cải tạo cho tốt” ?
Chúng tôi gặng hỏi các nhân chứng xem phía Trung Quốc đã tra hỏi những gì, nhưng các anh nói không thể nhớ hết được. Sự việc đã trôi đi ba năm, đọng lại những gì bây giờ chỉ là nỗi sợ hãi. Họ chỉ nhớ những buổi đi cung bị bức bách, căng thẳng. Một, hai ngày đầu chúng đưa ngư phủ ta đi cung một đến hai lần, mỗi lần chừng một tiếng. Nhưng hai, ba ngày sau (khi có người của Bộ ngoại giao Việt Nam), chúng gọi họ đi cung nhiều hơn. Mỗi ngày hai đến ba lần, mỗi lần hai, ba tiếng. Có một người dịch sang tiếng Việt. Khi kết thúc buổi cung các ngư phủ chúng ta đều phải ký vào một biên bản bằng chữ Tàu mà không ai biết nội dung là gì..Anh Dũng nói: “ Chúng tôi không thể không ký vì chúng đã ép cung, tôi chậm ký bị chúng đánh liền”.
Cho đến bây giờ không ai trong số còn sống được biết: tại sao thuyền đánh cá của họ bị tàu chiến Trung Quốc tấn công. “ Chúng tôi đơn thuần chỉ đi đánh cá trên vùng biển quê hương mình! Từ khi đảng và nhà nước cho vay vốn để đóng thuyền lớn, khuyến khích đánh cá xa bờ, chúng tôi đã khai thác ngư trường này từ chục năm trước, bây giờ cũng vậy. Những tranh chấp vùng nào đó trên biển Đông giữa hai nhà nước chúng tôi đâu được thông báo!”
Sau ba mươi mốt ngày, những người còn sống được về Việt Nam, tám người khác phải trở về trong tám bình tro.
Nỗi đau của những người thân
Khi chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Hữu Biên, một thanh niên mới đi biển lần đầu đã bị tàu chiến Trung Quốc bắn chết, đau đớn và căm phẫn vẫn hằn rõ trên gương mặt bà nội và mẹ của Biên. Bà Lê Thị Tăm đem tấm hình của con trai ra cho chúng tôi xem. Biên còn trẻ quá, mới hai mươi tuổi. Cái hồn oan này đang lẩn quất ở đâu? Là oan hồn thứ bao nhiêu của dân tộc nối tiếp những oan hồn “lên rừng tìm ngà voi xuống biển mò ngọc trai”, mà sử sách Việt Nam đã ghi từ nghìn năm trước? Bà nội của Biên đã ngoài tám mươi, run rẩy lê từng bước tiễn chúng tôi ra cửa: “Trung Quốc có bao giờ thôi nghĩ đến chuyện xâm lược nước ta đâu, có bao giờ ngừng giết người Việt Nam ta đâu”.
Ôi! Một cụ già nhà quê ngoài tám mươi tuổi còn nhận biết ra được cái sự thật này, các vị lãnh đạo đảng và Nhà Nước chẳng lẽ lại không biết ư? Phúc hay là họa cho dân tộc chúng ta đây?
Giấy báo tử ngày 4.2.2005 báo về cho gia đình có xác nhận ngày chết cuả các nạn nhân là 8.1.2005 (tức là gần một tháng sau mới cớ giấy báo tử về nhà). Giấy báo tử được ký tên và đóng dấu bởi bà Lãnh sự Bùi Thị Tuyết Minh. Tuy nhiên, trong phần nguyên nhân chết thì để trống, trong khi sự thực các anh bị tàu Trung Quốc tấn công, bắn giết. Điều này đã được xác định, và chính quyền xã khi đến báo tin cho các gia đình cũng khẳng định.
Lẽ ra, vụ việc này đã phải trở thành một sự kiện nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế, cần phải làm sáng tỏ. Nhưng do chính quyền bưng bít thông tin, nên đã hơn ba năm trôi qua, hầu hết người dân vẫn không hay biết.
Chúng tôi đến nhà anh Lê Xuân Trọng. Vợ anh đã qua đời trong một cơn bạo bệnh khi sinh bé Lê Thị Thuỳ Trang được tám tháng tuổi. Bé Trang được mười ba tháng tuổi thì anh Trọng bị cướp mất mạng sống. Nghe nhắc đến bố mẹ, bé Trang oà khóc. Tôi ôm nó vào lòng, nước mắt trào theo. Có thể, ngoài cảm nhận sự côi cút vô lý này, bé không thể hiểu điều gì vượt quá tầm của một đứa trẻ mới hơn bốn tuổi. Nỗi đau dồn hết vào lòng ông bà nội.
Sau khi anh Trọng bị bắn chết, ông bà nội cháu đề nghị chính quyền cho bé Trang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bắt đầu từ năm 2006, bé được hưởng trợ cấp hai trăm ngàn đồng mỗi tháng, (năm 2005 không được gì vì còn phải làm thủ tục). Cuối năm vừa rồi, ông trưởng thôn nói với ông bà Kính rằng, cần đề nghị “lên trên” để tăng tiền trợ cấp cho bé. Chưa kịp mừng thì đã… chưng hửng, số tiền bé Trang nhận được tháng đầu tiên năm 2008 đã bị cắt giảm xuống còn một trăm hai mươi ngàn đồng. Bà Kính than vãn: “Không hiếu sao lại thế. Đấy, chúng tôi vừa nhận một trăm hai mươi ngàn đó cô.”
Ông Kính chua chát: “Không đủ tiền ăn sáng cho cháu cô chú ạ”. Ông bà mời chúng tôi ở lại dùng bữa tối và nghỉ qua đêm. Chúng tôi cảm ơn và từ chối vì đã nhận lời bà Thao. Ông Kính hẹn sáng hôm sau sẽ đưa chúng tôi sang Hoà Lộc, gặp những người còn lại. Quả thật, nếu không có cháu Tùng con anh Tòng dẫn đường, chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Đồi núi, trời tối, đường vắng và thưa người qua lại. Chúng tôi lãnh nhận sự nguy hiểm đang đe doạ hai thanh niên trẻ muốn biết sự thật và mong có cơ hội nói lên sự thật ở một môi trường thông tin vì sự thật.
Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại nhà ông Kính. Ông có chuyến đi biển gấp nên không thể thực hiện lời hẹn. Từ Hoằng Trường đến Hoà Lộc không có đường bộ, phải đi bằng đò. Ông đưa chúng tôi đến bến sông. Chủ đò nấn ná, chờ thêm khách cho đủ chuyến. Ông Kính thì thầm với chủ đò, chúng tôi được sang sông. Đây là bãi sông Hoằng Trường (còn có tên gọi khác là Lạch Trường).
Sang đến Hoà Lộc, hai chúng tôi lại tiếp tục cuốc bộ theo một hướng đạo già. Ông tên là Nguyễn Văn Nhiễm, ngoài sáu mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn. Ông là cán bộ Chi hội Nông dân thôn Hoà Phú, cũng là một đảng viên. Dám đấu tranh chống tiêu cực nên cũng bị… ghét. Trên đường đi, Ông nói: “các cháu làm thế là rất đúng. Tặng quà, giúp đỡ cho ai thì cứ trao tận tay họ. Đừng có qua chính quyền xã hay thôn làm gì, nhiêu khê, rườm rà. Mà có khi người dân chẳng nhận được gì”.

No comments:

Post a Comment