Saturday, February 8, 2020

Tin Tức: Thứ Bảy, 08.02.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý vị cùng theo dõi phần Tin Tức với Bảo TrânHướng Dương.

1) VIỆT NAM PHẢN ĐỐI SLOVAKIA TRỤC XUẤT NHÂN VIÊN TOÀ ĐẠI SỨ
Vào thứ Năm ngày 06/02, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã lên tiếng phản đối Slovakia  trục xuất một nhân viên ngoại giao thuộc Toà Đại sứ Việt Nam tại Bratislava vì bị cho là có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017.
Trước đó, vào ngày 05/2, Bộ Ngoại giao Slovakia đã trao công hàm cho đại sứ Việt Nam tại Bratislava, với nội dung là một nhân viên ngoại giao trong toà đại sứ không được “hoan nghênh” và người này phải rời khỏi Slovakia trong vòng 48 tiếng. Phía Slovakia cho rằng chế độ cộng sản Việt Nam đã lạm dụng lòng hiếu khách của quốc gia Đông Âu này.
Phía Hà Nội cho rằng phản ứng của Bratislava không phản ánh mối “quan hệ hữu nghị truyền thống” giữa hai hai nước. 
2) VỀ LÀM BÍ THƯ HÀ NỘI, VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHUẨN BỊ CHO VỊ TRÍ THỦ TƯỚNG?
Vào thứ Sáu ngày 07/2, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam điều động uỷ viên bộ chính trị Vương Đình Huệ về làm bí thư thành uỷ Hà Nội thay thế cho Hoàng Trung Hải, người bị điều chuyển về làm phó ban soạn thảo văn kiện đại hội đảng lần thứ 13.
Ông Huệ, hiện đang là phó thủ tướng, là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ thủ tướng trong nhiệm kỳ tới 2021-2026. Việc điều chuyển này có lẽ nằm trong kế hoạch chuẩn bị tiếp quản vị trí của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người rất có thể sẽ làm tổng bí thư đảng hoặc chủ tịch nước.
Ông Huệ, người Nghệ An, từng làm phó hiệu trưởng trường đại học tài chính kế toán và tổng kiểm toán nhà nước trước khi được bổ nhiệm vào ghế bộ trưởng tài chính rồi phó thủ tướng. Ông được coi là người được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, trong thời gian làm tổng kiểm toán nhà nước, ông không báo cáo hay có biện pháp gì để ngăn chặn các tổng công ty nhà nước như Vinashin hay Vinalines khỏi tình trạng đầu tư tràn lan và thua lỗ khiến ngân sách nhà nước cạn kiệt.
Trong khi đó, uỷ viên bộ chính trị Hoàng Trung Hải thôi giữ chức bí thư thành uỷ Hà Nội để giữ vị trí phó trưởng tiểu ban văn kiện đại hội 13 của đảng cộng sản- một dạng “ngồi chơi xơi nước” để “hạ cánh an toàn” sau khi bị kỷ luật vì những chỉ đạo sai lầm trong dự án mở rộng nhà máy Thép Thái Nguyên.
3) VIỆT NAM TĂNG CƯỜNG TRẤN ÁP TRỰC TUYẾN TRONG ĐỐI PHÓ VỚI CORONAVIRUS
Thay vì áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc dịch bệnh coronavirus, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại tăng cường trấn áp trực tuyến, phạt tiền và điều tra hình sự đối với hàng trăm Facebooker đưa tin về dịch coronavirus.
Vào thứ Sáu ngày 07/2, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã xử 21 người và phạt tổng cộng 105 triệu đồng vì đã đăng tải thông tin bị cho là không đúng sự thật về dịch bệnh này trên mạng xã hội. Công an còn buộc họ phải bóc gỡ những bài viết được xác định ‘không đúng sự thật’ đã đăng trên mạng xã hội.
Cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông Sài Gòn làm việc với diễn viên Ngô Thanh Vân liên quan đến việc cô đã đăng tải trên trang người hâm mộ rằng “nghe bạn nói … vẫn có những chuyến bay từ Vũ Hán đáp vào Việt Nam.” Nữ diễn viên đòi phải chặn những chuyến bay này để bảo vệ “người dân và con em chúng ta.” Diễn viên Ngô Thanh Vân có thể sẽ chịu mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng/
Truyền thông nhà nước cộng sản loan tin công an Việt Nam đã triệu tập hơn 170 người để điều tra, và đang xem xét phạt hình sự 41 người vì bị cáo buộc “đăng tải thông tin không đúng sự thực về coronavirus.
4) GẦN 150 NGƯỜI NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP TỪ TRUNG CỘNG VÀO VIỆT NAM
Lực lượng biên phòng Việt Nam bắt giữ hơn 131 người Việt Nam và 37 người Hoa Lục nhập cảnh trái phép từ Trung Cộng vào Việt Nam qua đường mòn biên giới, gần khu vực cửa khẩu Lý Vạn thuộc xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng trong tuần đầu của tháng 2.
Theo truyền thông nhà nước, số người nhập cảnh trái phép đi thành nhiều nhóm, nhóm đông nhất là 28 người. Trong số này có 107 người Việt Nam và tất cả được Trung tâm y tế huyện Hạ Lang đưa đi cách ly 14 ngày để kiểm tra virus corona theo quy định. Đây là những người sang biên giới làm thuê và họ trở về nước vì không có việc làm và cũng lo sợ dịch bệnh virus corona ở Trung Cộng. Trong khi đó, 31 người Hoa Lục bị buộc phải quay trở lại nước mình.
Trong một diễn biến khác, Việt Nam tiếp nhận 70 công dân của mình vượt biên sang Trung Cộng làm thuê bị lực lượng chức năng địa phương bắt giữ và trao trả. Số người này được cho là đã làm thuê tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và tỉnh Phúc Kiến. Hiện họ được đưa về doanh trại quân đội thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn để cách ly 14 ngày.
5) VIỆT NAM PHÂN LẬP THÀNH CÔNG CORONAVIRUS
Vào thứ Sáu ngày 07/02, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã thành công trong việc nuôi cấy và phân lập chủng coronavirus mới, việc này cho phép xét nghiệm nhanh các trường hợp bị hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm.
Với thành công trên, Bộ Y Tế hy vọng có thể nghiên cứu và phát triển vac-xin chống viêm phổi do siêu vi chủng mới gây nên.
Nhà cầm quyền Việt Nam cho biết vừa phát hiện thêm hai ca dương tính mới tại tỉnh Vĩnh Phúc, nâng tổng số người bị lây nhiễm lên thành 12.
Dịch viêm phổi, xuất phát từ Vũ Hán – Trung Cộng bắt đầu tác động đến ngành du lịch Việt Nam. Truyền thông trong nước cho biết thiệt hại trong ba tháng sắp tới ước tính lên tới từ 5,9 đến 7,7 tỷ Mỹ kim. Năm 2019, trong số 18 triệu du khách đến Việt Nam, một phần ba trong số đó là người Tàu.
6) HOA KỲ MUỐN ĐẦU TƯ CHO ERICSSON VÀ NOKIA ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI HOA VI
Chính phủ Hoa Kỳ có dự định đầu tư cho hai nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông Nokia và Ericsson với mục tiên chặn công nghệ 5G của công ty Hoa Vi – Trung Cộng)
Trong một cuộc hội thảo tại Washington gần đây về những nguy hiểm từ Trung Cộng, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr nhấn mạnh Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển –  hiện là hai công ty duy nhất có khả năng cạnh tranh với Hoa Vi, nhưng cả hai không có quy mô tầm cỡ như Hoa Vi và cũng không được một cường quốc nào hỗ trợ.
Ông  Barr nêu  một số gợi ý là Hoa Kỳ “nắm quyền kiểm soát Nokia và Ericsson, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua một tổ hợp doanh nghiệp tư của Hoa Kỳ  và đồng minh.”   Washington từng nêu ý định giúp đỡ tài chính cho  hai tập đoàn trên, nhưng vấn đề kiểm soát vốn chưa bao giờ được công khai đề cập. Ý tưởng này nằm trong chiến lược thuyết phục các nước đồng minh của Hoa Kỳ loại Hoa Vi khỏi thị trường 5G được chính phủ Mỹ tiến hành từ nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, Anh Quốc, tiếp theo là Liên hiệp Châu Âu, đã không đi theo khuyến cáo của Hoa Kỳ khi quyết định mở cửa một phần thị trường 5G cho Hoa Vi, với một loạt khuyến cáo không mang tính ràng buộc nhằm ngăn ngừa nguy cơ gián điệp và phá hoại mạng 5G.

No comments:

Post a Comment