Wednesday, February 26, 2020

Sài Gòn và ‘những ngày thấy khẩu trang trên mặt nhau

Chuyện Nước Non Mình

Một trong những hậu quả quan trọng của đại dịch Vũ Hán là nhắc nhở cho toàn dân Việt rằng tai họa lớn lao nhất cho dân tộc luôn đến từ “bọn Tàu” phương Bắc mà đảng CSVN luôn sùng bái.  Trong tiết mục CNNM hôm nay, mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của Trần Tiến Dũng với tựa đề: “Sài Gòn và ‘những ngày thấy khẩu trang trên mặt nhau” sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Sài Gòn những ngày đầu Tháng Hai, 2020. Mỗi ngày, người Sài Gòn đều nhìn thấy khẩu trang trên mặt nhau, không phải ở thời điểm bùng phát đại dịch 2019-nCoV này mà trước đó họ cũng đã đeo trong cái  đô thị luôn ngộp khói bụi.
Nhưng giờ đây trong tình trạng “khẩn cấp quốc gia dịch bệnh”; mọi gương mặt Sài Gòn khi ra đường đều hướng mặt mình về phía trước với cái khẩu trang. Một rừng người với khẩu trang đủ sắc màu, đủ loại, đều hướng về phía trước như để hỏi một câu hỏi không ai có thể trả lời cho mình và người thân được. Câu hỏi hướng về Thượng Đế, dù trong số họ có người không có đức tin hữu thần, rằng: Virus Corona đang ở đâu trong bầu trời Sài Gòn sau Tết Nguyên Đán-Giáp Tý này.
Ở quán cà phê hay trong tiệm ăn sáng, trong lúc chờ đợi đồ ăn thức uống, thực khách với khẩu trang che kín miệng, mũi như một thứ lá chắn phòng thủ cá nhân. Có thể quá đáng khi cho rằng từng cái khẩu trang trên mặt người là một thứ ba-re (barrier) quấn kẽm gai chống tấn công của một thời bom đạn chiến tranh. Nhưng vì cho nó có công dụng chống virus Corona, và vì vậy tình trạng đám đông phòng thủ, chống lại sự nguy hiểm sinh mạng mình, thì đâu gì quá đáng khi vài người lớn tuổi từng sống ở Sài Gòn liên tưởng đến việc virus Corona đang chuẩn bị một cuộc tấn công, như lúc đội quân Cộng Sản phía Bắc chuẩn bị cuộc tấn công quân sự Sài Gòn vào những ngày cuối Tháng Tư, 1975.
Có thể lúc này không có tiếng bom đạn từ xa vọng về nhưng chỉ cần một tiếng ho, một cái hắt hơi, khạc đờm sau lớp khẩu trang của bất kỳ ai, những tiếng động hết sức bình thường đó, những âm thanh phát ra từ sự sống hàng thiên niên kỷ của loài người, chỉ cần những tiếng động hiển lộ phản ứng sinh lý từ cơ thể sống, bất kể phát xuất từ không gian hẹp hay rộng, thì lập tức tạo hiệu ứng hoảng sợ xa lánh của đồng loại cùng dân tộc, cùng kiếp người.
Hãy tha thứ cho sự hoảng sợ và tìm cách xa lánh của ai đó với mình bởi họ sợ virus Corona Vũ Hán chủng mới, nhưng nó ở đâu? Người ta cho là họ có đủ thông tin từ mạng xã hội hay tin chính nguồn và biết nó ở đâu, lây bệnh bằng cách nào… để dựng cái khẩu trang-tự vệ ngay lên trên mặt mình, liệu có chắc là mình không bắn dịch mũi, dịch nước bọt về phía trước không!
Hẳn là ai đó sẽ nói không hoặc tìm đủ mọi phương cách đề phòng để không bao giờ phải bắn dịch từ mình khỏi cái khẩu trang, nhưng có khi chính đôi mắt sau lớp khẩu trang của họ, đôi mắt hoảng sợ, đôi mắt ham sống, bởi ham sống là cảm thức tối thượng của loài người lại đang thẫn thờ thừa nhận rằng, chính họ, đang ở giữa cái lằn ranh quá mỏng manh để bị virus Corna chủng mới giết chết và để là vật chủ lây virus Corona giết chết người khác.
Sài Gòn, lần đầu tiên trong suốt lịch sử, từ đầu Tháng Hai, 2020, đô thị hơn 13 triệu dân này trong tình trạng chống dịch bệnh truyền nhiễm đang rơi vô một khoảng trống chới với hoang mang. Người ta, ai cũng hiểu là đang thời chống virus Corona chủng mới thì đương nhiên phải vậy. Việt Nam được coi là quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc đối diện với nguy cơ rơi vào chết chóc vì đại dịch sưng phổi Vũ Hán.
Có thật là mọi người đang chuẩn bị chống dịch hay đang đè nén hoảng hốt để chờ thời điểm dịch bùng nổ? Nhưng chống dịch hay chờ dịch thì mỗi người đều có chung câu hỏi mà mọi kiến thức từ mọi thành tựu y học của nhân loại mà họ được biết, lúc này đều không thể xác định chính xác: Virus Corona chủng mới, nó đang ở đâu?
Ở đâu trong cái không gian Sài Gòn cao rộng, mà có khi lộng lẫy đang đe dọa từng giây phút sống quý giá mỗi người?
Ở một chúng cư nhỏ thuộc cư xá Lữ Gia, quận 11. Một người đàn ông đi trên hành lang chúng cư, ông để nguyên khẩu trang trên mặt nói với bà mẹ trẻ, rất trẻ rằng: “Sao cháu không mang khẩu trang cho con của cháu vậy?”
Người mẹ trẻ nói. “Dạ có, cháu mới tháo ra cho nó dễ thở chút, khẩu trang mua từ Nhật Bản đó ông.”
Người đàn ông kéo cái khẩu trang xuống khỏi miệng mình cười nói. “Tốt lắm cháu. Thứ đó có khi chống được virus Vũ Hán từ bọn Tàu đó con.” Nói xong, ông vội vã kéo cái khẩu trang y tế màu xanh nước biển lên che mặt, hấp tấp bước đi như thể ông không tin người mẹ trẻ đang đeo cái khẩu trang được cho là hàng Nhật Bản cản được virus Corona chủng mới.
Ai cũng có quyền không tin người quanh mình chưa nhiễm bệnh! Dù sau mỗi lần tiếp xúc giữa người và người, dù với ý tốt hay với ý không tốt, một khi bước đi, bước đi, bước đi… đều trấn an mình rằng vừa bỏ lại một nguy cơ lây bệnh, nhưng có thật vậy không?
Họ bỏ lại một con người, một cộng đồng ở lại thì đúng; nhưng đúng hơn họ mang theo nó, con virus Corona chủng mới tới không gian, thời gian phía trước họ; tới với nhịp sống bình thường hay tự cách ly, trong cả không gian tràn ngập dưỡng khí sinh tồn hiện giờ vẫn là có nó, loài virus Corona chủng mới luôn luôn ở ngay trên cái khẩu trang của họ.
Trần Tiến Dũng

No comments:

Post a Comment