Sunday, June 3, 2018

Tin Tức Chủ Nhật, 03.06.2018

Tin Tức


Nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an tạm giữ trước phiên tòa phúc thẩm Hội Anh Em Dân Chủ
Đêm 1/6, khi từ Sài Gòn về đến Hà Nội, nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị công an bắt đưa về nhà riêng của cô ở chung cư Lê Đức Thọ và cho người canh gác chung cư này suốt đêm. Vào 8 giờ sáng ngày 2/6, cô bị công an ép đi làm việc trong nhiều giờ đồng hồ khiến gia đình và bạn bè không biết cô ở đâu. Trang facebook Trịnh Kim Tiến cho biết: nhà báo Đoan Trang về Hà Nội để thăm mẹ và cũng để tham dự phiên tòa phúc thẩm xử các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ vào ngày 4/6 tới. Đây là lần thứ 3 nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an bắt cóc đi thẩm vấn trong năm nay.

Cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” sẽ bắt đầu cuối tháng 6

Thứ tư, 30/05, Hải quân Mỹ chính thức thông báo Cuộc tập trận hải quân quốc tế mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” gọi tắt là RIMPAC 2018 kéo dài hơn một tháng sẽ bắt đầu từ ngày 27/06 đến ngày 02/08 tới đây tại Hawai, với tổng cộng 26 nước tham gia, trong đó có Việt Nam được mời tham gia lần đầu tiên. Đây là cuộc thao diễn hải quân lớn nhất thế giới diễn ra 2 năm một lần để các quốc gia ven Thái Bình Dương hợp tác, thao dợt chung. Cuộc diễn tập lần này có 47 chiến hạm, 5 tàu ngầm, hơn 200 phi cơ, với lực lượng bộ binh của 18 quốc gia, và gồm 25.000 quân nhân.
Sự kiện nổi bật là Mỹ quyết định không mời Trung Quốc tham gia như đã từng mời nhiều lần trước đây, để “trừng phạt” Bắc Kinh về tội tăng cường quân sự hóa Biển Đông, và vì việc leo thang quân sự hóa của Trung Quốc đi ngược lại nguyên tắc và mục tiêu cuộc tập trận RIMPAC.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc đe doạ các nước láng giềng ở Biển Đông
Thứ bảy, 2/6, tại hội nghị Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis, lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về những hành động nhằm đe doạ và xâm lấn các nước láng giềng. Ông Mattis đã liệt kê một loạt những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua như việc lắp đặt các hệ thống hỏa tiễn chống chiến hạm và phòng không, hệ thống gây nhiễu điện tử trên những đảo nhân tạo vốn đã có những cơ sở quân sự kiên cố được xây dựng trước đó, kể cả phi đạo mà oanh tạc cơ có thể đáp xuống được. Ông cũng nói Tổng thống Hoa Kỳ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng nếu cần cũng sẵn sàng đối phó mạnh mẽ với Trung Quốc. Trong bài diễn văn, ông Mattis cũng nêu ra chiến lược rộng lớn của Mỹ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Nam và Bắc Hàn đồng ý thương thuyết về quân sự và đoàn tụ gia đình
Hôm 1/6, cuộc họp cấp cao giữa Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Nam Hàn và Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình quốc gia của Bắc Hàn đã diễn ra tại Bàn Môn Điếm. Hai bên đã đồng ý sẽ tổ chức các cuộc thương thảo vào ngày 14 và 18 tháng 6 này cũng tại Bàn Môn Điếm để bàn về các vấn đề quân sự và việc đoàn tụ của những gia đình bị chia cắt từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Cả hai miền cũng sẽ sớm thành lập văn phòng liên kết tại thành phố Kaesong ở biên giới Bắc Hàn, nơi trước đó có một khu nhà máy đã bị đóng cửa vì căng thẳng vào năm 2016.
Hai miền Nam và Bắc Triều Tiên đang tìm cách cải thiện các mối quan hệ của họ sau 2 cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In và Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un lần đầu vào ngày 27/4, lần thứ hai vào ngày 26/5 vừa qua.
Đòi phục hồi danh dự cho các nạn nhân Thiên An Môn
Hôm qua, 02/08, hãng AFP đưa tin: nhân dịp kỷ niệm 29 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, gia đình các nạn nhân đòi hỏi chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình phải phục hồi danh dự cho những người bị sát hại. Cuộc thảm sát Thiên An Môn luôn luôn là một chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc, không bao giờ được nhắc đến trong sách báo, sách giáo khoa, phim ảnh, và những phương tiện truyền thông. Vì đây là một tội ác rất lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị quốc tế lên án và những người biểu tình Thiên An Môn luôn luôn bị đảng cộng sản Trung Quốc coi là «một thiểu số gây rối phản cách mạng».
Hiệp hội mang tên «Những bà mẹ Thiên An Môn», gồm những bậc cha mẹ đã bị mất con trong cuộc đàn áp Thiên An Môn 29 năm về trước, đã gửi thư ngỏ cho ông Tập Cận Bình. Thư này được tổ chức phi chính phủ Human Rights in China công bố, trong đó viết: «Là nhà lãnh đạo một nước lớn, chắc chắn là ông không vô cảm trước vụ thảm sát xảy ra cách đây 29 năm… Chúng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó trước khi chúng tôi chết đi, những người thân chúng tôi được phục hồi danh dự. Chúng tôi luôn luôn có ba yêu sách là: sự thật, bồi thường và truy cứu trách nhiệm».
Chính quyền Venezuela trả tự do cho 40 nhà đối lập.
Ngày 01/06, theo quyết định của tổng thống Maduro, Chính quyền Venezuela đã trả tự do cho 40 tù nhân bị giam giữ với những tội danh chính trị. Quyết định này được xem là do thiện chí hòa giải của Tổng thống Maduro khi Venezuela đang phải đối phó với những sức ép ngày càng gia tăng từ bên ngoài, với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử và sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở trong nước. Trong số những người được thả có tướng hồi hưu Angel Vivas, nổi tiếng vì chống ông Maduro, và ông Daniel Ceballos, cựu thị trưởng thành phố San Cristobal, bị bắt hồi tháng Ba 2014 trong những cuộc biểu tình chống chính quyền.

No comments:

Post a Comment