Friday, June 15, 2018

Luật Giữ mạng cho đảng

Đất Nước Đứng Lên

Liên tục chương trình, qua chuyên mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả Phạm Thanh Nghiên với tựa đề: “Luật Giữ Mạng Cho Đảng” sẽ được chính tác giả trình bày sau đây.

Ngày 12/6/2018, cái gọi là Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam đã “bấm nút” thông qua luật An ninh mạng, thực chất là luật Bịt mồm dân để củng cố vị trí độc tài toàn trị, để bảo toàn quyền lực, tài sản và “chủ trương lớn” bán nước của những tên chóp bu trong bộ máy cai trị từ lâu đã coi nhân dân là kẻ thù.

Bởi nếu không bịp mồm được dân thì sự thật bán nước sẽ ngày một phơi bày rõ rệt để không sớm thì muộn toàn dân sẽ đứng dậy, vì sự tồn vong của Tổ Quốc mà khai tử thế lực đã đưa đất nước từ đắm chìm trong đau khổ suốt nhiều năm ròng sang đến tình trạng bị xoá tên trên bản đồ. Ngày ấy là ngày đại đa số dân chúng đã hiểu được bộ mặt của chế độ và bước khỏi sự sợ hãi.
Mạng Internet mỗi ngày một phá vỡ bức tường bưng bít do đảng cộng sản dày công xây đắp từ khi còn chưa có mồ ma ông Hồ. Cho nên, không để toàn dân trở thành “thế lực thù địch”, “bọn phản động” thì tốt nhất là phải nhét giẻ rách vào mồm dân. Khỏi nghĩ cách, đã có luật An ninh mạng của quan thầy Tàu cộng, Việt cộng ta cứ ôm về mà áp dụng. Dĩ nhiên phải sửa tí tí cho có chút gọi là “bản sắc” đảng ta, chế độ ta. Làm như thế vẹn cả đôi đường, vừa không phải nát óc nghĩ cách, vừa được lòng tập đoàn họ Tập, lại khoá mồm dân rất hiệu quả.
Tất nhiên, chưa cần đến luật An ninh mạng, quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ quan điểm của người dân đã bị bóp nghẹt bởi các điều 79,88, 258… trong Bộ Luật hình sự. Chỉ một bộ phận rất nhỏ trong dân chúng dám vượt rào để nói lên tiếng nói của mình. Luật An ninh mạng không những là bức tường chắn khổng lồ, kiên cố tuyệt đối có thể vô hiệu hoá mọi nỗ lực “vượt rào” của những công dân “cứng đầu” nhất mà còn mở đường “bằng luật” để chế độ nắm trong tay toàn bộ những dữ kiện riêng tư nhất của người dân. Những quy định của luật này cho phép nhà cầm quyền đẩy bất cứ công dân nào vào tù với lý do sẽ được suy diễn rất tùy tiện: “xâm phạm an ninh quốc gia”.
Luật An ninh mạng không chỉ ưu tiên nhắm vào giới bất đồng chính kiến. Nó còn ngăn chặn mọi tiếng nói phản biện đến từ nhiều thành phần dân chúng mà số lượng này đang mỗi ngày một đông đảo. Nói cho chính xác, ra luật để bưng bít sự thật, che giấu tội ác của nhà cầm quyền.
Viện dẫn để bảo vệ “an ninh quốc gia”, bất cứ ai cũng có thể phạm tội dưới sự phán đoán của công an. Giả sử bạn lên FB viết rằng: “ây za, mai bỏ việc về nhà buôn chổi chít, bán chổi đót hoặc làm ruộng, chạy xe ôm để xây biệt phủ ở cho sướng”, bạn sẽ bị cho là đang chửi bóng gió mấy ông quan chức cỡ bự tham nhũng. Do vậy, rất dễ bị ghép tội “nói xấu lãnh đạo”, “làm ảnh hưởng uy tín” và vì thế… “xâm phạm an ninh quốc gia”.
Luật An ninh mạng cho phép côn an không còn cần phải xông vào nhà kiểm tra máy tính của công dân. Mọi dữ kiện đã nằm trong tay của chế độ khi máy chủ đặt ở VN. Bất cứ lúc nào bạn sẽ bị còng tay giải vào đồn, hoặc vào tù tạm giam nếu bị cơ quan công an cho là dùng mạng Internet để “nói xấu chế độ”, “bôi nhọ lãnh đạo”, hoặc nói xấu đảng, phủ nhận vai trò cách mạng… vì “hồ sơ phạm tội” của bạn đã được lên khuôn nhiều ngày, nhiều tháng trước đó mà bạn không hề biết. Khỏi cần vào nhà bạn lục soát, khỏi cần toà án, bạn đã bị kết tội. Và dù có toà án chăng nữa, thì cũng chẳng được tích sự gì trong cái chế độ côn an trị này.
Mạng Internet của bạn có thể bị cắt cái… rụp mà nhà mạng không cần báo trước, cũng không bồi thường vì “vi phạm hợp đồng”. Trong khi nếu bạn chậm đóng tiền sử dụng dịch vụ Internet, nhà bạn sẽ bị ngắt đường truyền, hoặc nếu bạn đơn phương ngừng giao dịch (do phải chuyển nhà chẳng hạn), bạn phải bồi thường tiền “phá hợp đồng”. Tức là bạn phải tự hiểu, lên FB (lên mạng nói chung) là chỉ được nói chuyện tào lao như khoe quần áo, phấn son, đi chơi, ăn nhậu, giải trí… tức là những câu chuyện không vô bổ cũng tẻ nhạt. Tuyệt đối không nói chuyện chính trị, nhân quyền, dân chủ, chuyện thời sự, kể cả chuyện bạn bị cảnh sát giao thông phạt tiền khi không phạm luật. Kể chuyện ấy ra là bôi xấu chế độ, xuyên tạc về các chiến sĩ côn an nhân dân vì ở Việt Nam “không có chuyện CSGT vòi tiền”.
Đấy, liệt kê ra thì nhiều tội lắm. Tóm lại, bạn phải tự biết. Dù cho phía nhà nước chưa bao giờ đưa ra được các định nghĩa thế nào là: chống nhà nước, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, làm ảnh hưởng uy tín tập thể, cá nhân… Phạm các “tội” ấy là đi tù mọt gông. Bạn sẽ bị kết án không điều 79 “lật đổ chính quyền” thì cũng điều 88 “chống nhà nước CHXHCNVN”. Mà hơn 90 triệu dân trong nước, kể cả ban lãnh đạo cộng sản lẫn mấy triệu người Việt hải ngoại đều không biết cái nhà nước CHXHCN mồm ngang mũi dọc ra sao, nó là cái khỉ khô gì. Bởi chính ông trùm đảng CSVN còn than thở “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Đấy, cho nên dân ta cứ bị buộc tội chống cái thứ không có thật, chống ma chống quỷ vậy thôi. Khỏi cần chờ đến lúc luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực, người ta đã nhìn thấy trước những cơn giông tố kinh hoàng sẽ đổ xuống đầu những người yêu nước. Chúng ta đang sống trong một chế độ mà người dân đã phải dùng đến mạng xã hội để bày tỏ nỗi oan khiên, giãi bày hoàn cảnh éo le khốn đốn với mong mỏi nhận được sự đồng cảm và sẻ chia từ cộng đồng, thậm chí để phân định đúng sai, phải trái. Bởi vì “công lý chỉ là một anh hề”. Do vậy, người ta cũng hình dung phần nào những oan khiên ngút trời người dân phải gánh chịu. Mạng xã hội còn đó, nhưng không ai biết người dân Bình Thuận giờ ra sao, hàng trăm con người bị bắt sau ngày biểu tình ôn hoà 3 hôm trước giờ thế nào?
Một đất nước không bao giờ phát triển và văn minh nếu người dân không được tự do mở miệng. Ban hành luật An ninh mạng, giới chóp bu cộng sản vừa thực hiện một bước đại nhảy vọt theo hướng giật lùi. Dưới sự cai trị của đảng cộng sản, Việt Nam (dường như) ngày một gần hơn với thời trung cổ. Song, suy cho cùng, chúng làm thế để giữ mạng thôi. Tội ác gây ra cho dân tộc kinh khủng quá, lớn quá. Nên phải ra luật siết họng dân để giữ mạng cho đảng.
Phạm Thanh Nghiên
14.06.2018

No comments:

Post a Comment