Saturday, June 30, 2018

Trinh Thục Công Chúa

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt đã ghi lại nhiều bậc anh thư, kiên cường chiến đấu trong tinh thần bất khuất như bà Trưng, bà Triệu, cô Giang, cô Bắc… họ đã trở nên bất tử với cái chết trung liệt được người đời sau kính trọng. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Trinh Thục Công Chúa” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh & Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Từ ngàn xưa, dân gian VN vẫn lưu truyền hai câu thơ lục bát, như là lời giáo huấn của cha ông:
“Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.”

Rất nhiều phụ nữ Việt Nam chẳng những gìn giữ tiết hạnh mà còn đặt nặng hai chữ trung hiếu đối với đất nước khi tổ quốc lâm nguy. Những tấm gương hào hùng của các anh thư được hậu thế kính phục cả về tài ba lẫn đức hạnh, trở thành những tấm gương sáng cho hậu thế, nhất là giới trẻ Việt Nam noi theo, điển hình như Trinh Thục công chúa.
Trinh Thục công chúa tên thật là Thục Nương, con của Hào trưởng Vũ Công Chất và bà Hoàng Thị Mầu, sinh sống tại châu Bạch Hạc. Thục Nương có nhan sắc như hoa Phù Dung, thông minh lanh lợi, năm 16 tuổi đã biết đi roi múa quyền, cưỡi ngựa săn bắn.
Nghe tiếng đồn, Phạm Lang (con một hào mục ở Nam Chân) tuổi ngoài hai mươi, tinh thông văn võ, đã đến cầu hôn và được gia đình Thục Nương chấp nhận. Sau ngày đính hôn, Thục Nương ở nhà lo thêu thùa, dệt vải, chờ mùa thu sẽ sang sông làm vợ Phạm Lang.
Thấy sắc đẹp của Thục Nương, Thái thú Tô Định ép Vũ Công Chất gả nàng cho hắn. Khi Vũ Công Chất từ chối, Tô Định nổi giận giết chết hai vợ chồng ông, sau đó còn giết luôn cả hai cha con Phạm Lang, đồng thời vây bắt Thục Nương để mang về phủ. Thục Nương phá vòng vây thoát ra khỏi Nam Chân, cải trang thành ni cô sống trong một ngôi chùa ở huyện Tiên La, chờ ngày trả thù nhà.
Thục Nương được dân chúng trong huyện thương mến, và với bản lãnh của mình, nàng đã giúp cho huyện Tiên La ngày càng phồn thịnh, chiêu mộ được hơn ngàn nghĩa binh đứng lên khởi nghĩa, xưng danh là Bát Nàn, và ngôi chùa cũng trở thành bản doanh chỉ huy của Thục Nương.
Cùng thời điểm này, tại huyện Mê Linh, hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị vì hận nước thù nhà cũng đứng lên dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ anh hùng hào kiệt đứng lên lật đổ ách thống trị bạo tàn của quân Nam Hán. Hai bà Trưng cảm phục khi nghe tin Bát Nàn thắng giặc nhiều trận, liền cho sứ giả đi mời gọi và được Bát Nàn về đầu quân dưới trướng. Bát Nàn được phong làm đại tướng quân thống lãnh quân tiền đạo.
Sau lễ nhận cờ lệnh tại Hát Môn, đoàn quân của Bát Nàn tiến đánh thành trì quân xâm lược và thắng nhiều trận liên tiếp khiến quân Nam Hán kinh hoàng mỗi khi thấy cờ hiệu của Bát Nàn đại tướng quân. Đại tướng Bát Nàn sau đó được Trưng Vương phong là Trinh Thục công chúa.
Cuộc khởi nghĩa năm 40 (Canh Tý) của Hai Bà Trưng đã làm rúng động cả triều đình nhà Hán. Hai năm sau, với tham vọng thôn tính Giao Chỉ một lần nữa, Mã Viện chỉ huy 2 vạn đại quân, từ Hồ Nam mở đường xẻ núi tiến đánh nước Nam.
Năm 43 (Quý Mẹo), sau khi đánh 4 mặt trận đẫm máu, đạo binh của Bát Nàn chém chết tướng giặc là Bình Hầu Hán Vũ tại địa danh Lãng Bạc. Nhưng sau đó, Hai Bà Trưng bị Mã Viện dùng thế gọng kềm mang quân vây hãm, nên phải lui binh về Kim Khê trấn thủ. Khi Mê Linh thất thủ, các nữ tướng chỉ huy đều nhảy xuống ngã ba sông Hồng và sông Hát tuẫn tiết, trong đó có Bát Nàn.
Để ghi nhớ công ơn của Bát Nàn, người dân lập đền thờ bà ở Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) và Tiên La (Quỳnh Phụ, Thái Bình).
* * *
Gần hai ngàn năm kể từ sau cuộc khởi nghĩa Mê Linh của Hai Bà Trưng, những dòng máu quật cường của dân tộc vẫn tiếp tục luân chảy trong giới anh thư nước Việt, điển hình như Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh của 200 năm sau và hàng loạt phụ nữ đang dấn thân vào cuộc đấu tranh tại VN hiện nay.
Có thể nói là dưới trướng của Hai Bà Trưng có hàng chục nữ tướng hào hùng và lẫm liệt, trong số đó có Trinh Thục công chúa. Tên tuổi của những bậc anh thư này đã mãi mãi đi vào dòng lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc trước các đạo quân binh hùng tướng mạnh đến từ phương Bắc. Mặc dù họ đã thất trận, đã tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc, nhưng ý chí quật cường và lòng yêu nước của họ vẫn là những tấm gương sáng chói cho đời sau.
Một trong những tấm gương đó là dù biết rằng mình “thế yếu sức nhỏ” nhưng vẫn kiên quyết vùng lên đánh đuổi lũ giặc xâm lược, khiến cho triều đình nhà Hán phải khiếp sợ. Chỉ một tấm gương này thôi cũng khiến cho thế hệ Việt tộc phải lấy làm xấu hổ trước thái độ khiếp nhược của tập đoàn cộng sản hiện nay trước sự hung hăng hiếu chiến của quân Tàu Cộng trên biển Đông.
Chưa bao giờ như lúc này, người dân Việt nhận thức rõ ràng là tập đoàn cộng sản VN đã và đang đưa đất nước vào thời kỳ Bắc thuộc mới. Hiểm họa mất nước về tay Tàu Cộng đang cận kề, cơn ác mộng của dân tộc sẽ trở thành hiện thực nếu con dân Việt không thể hiện tấm lòng yêu nước, không quyết tâm liên kết lại tạo thành một sức mạnh để giải thể chế độ độc tài đảng trị. Tương lai của đất nước sẽ tùy thuộc vào tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong giai đoạn “sinh tử tồn vong” hiện nay.
Việt Nam sẽ có đủ điều kiện để dựng lại nền độc lập tự chủ, người dân sẽ có đời sống ấm no, hạnh phúc sau khi loại bỏ chế độ cộng sản và giấc mộng “Hán hóa” VN của lũ giặc phương Bắc sẽ tan thành mây khói.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment