Sunday, August 28, 2011

TIN THẾ GIỚI NGÀY CHỦ NHẬT 28/08/2011

MIẾN ĐIỆN SẼ ÂN XÁ TOÀN BỘ TÙ NHÂN

Quốc hội Miến Điện, với một phần tư số dân biểu là quân nhân, vừa đưa ra đề nghị Tổng thống Thein Sein nên ban hành lệnh tổng ân xá trên toàn quốc.
Đề nghị này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi đặc sứ nhân quyền LHQ kết thúc chuyến viếng thăm xứ này và đưa ra lời kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị và lương tâm. Trong cuộc gặp gỡ với đặc sứ Tomas Quintana, bộ trưởng tư pháp Miến Điện khẳng định là "không còn tù nhân chính trị nào ở Miến Điện mà chỉ có tù hình sự".

Theo ghi nhận của các tổ chức nhân quyền và Ân xá Quốc tế thì hiện còn 2000 tù nhân chính trị đang bị cầm giữ trong các lao tù ở Miến Điện.

NĂM ỨNG VIÊN DỰ TRANH GHẾ THỦ TƯỚNG NHẬT  

Năm chính trị gia Nhật đã tuyên bố sẽ dự tranh chức thủ lãnh đảng Dân Chủ và thủ tướng Nhật trong phiên họp đảng vào ngày mai.
Đương kim thủ tướng Naoto Kan đã giữ lời hứa và từ chức thủ tướng sau 14 tháng cầm quyền. Ứng viên sáng giá nhất là Bộ trưởng Mậu dịch Banr Kaieda, nhưng dân chúng thì ưa thích ông Seiji Maehara, cựu bộ trưởng ngoại giao. Ông Kaieda năm nay 82 tuổi, tức người lớn tuổi nhất trong số năm ứng viên, trong khi ông Maehara 49 tuổi sẽ là thủ tướng trẻ nhất của Nhật nếu đắc cử. Ba ứng viên kia còn lại thì không nổi tiếng cho lắm nên ít có cơ hội chiến thắng.  

LIÊN HIỆP QUỐC KẾT LUẬN LÀ CÓ ĐÀN ÁP ĐẪM MÁU Ở SYRIA

Ủy ban điều tra nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã hoàn tất chuyến đi ở Syria với kết luận là hiện có “nhu cầu khẩn cấp để bảo vệ thường dân” trước chiến dịch đàn áp. Các nguồn tin không chính thức nói rằng hơn 2000 thường dân Syria bị hạ sát trong 5 tháng qua, nhưng chế độ Bashar al-Assad khăng khăng nói rằng không hề có khủng hoảng về nhân đạo và nhân quyền trong nước.
Ủy ban LHQ đã gặp nhiều trở ngại khi hoạt động ở Syria. Các nhân chứng bị đe dọa nên ít hợp tác với uỷ ban. Trong khi đó thì Hội đồng Bảo an đang họp bàn về vấn đề Syria vẫn chưa đưa ra được quyết định nào.

TRUNG CỘNG SẼ ĐƯA RA ĐẠO LUẬT PHI NHÂN QUYỀN  

Giới tranh đấu cho nhân quyền cho biết là nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ đưa ra một đạo luật mới có nội dung bắt giữ những người đối kháng một cách dễ dàng hơn.  
Bắc Kinh đang xem xét là có nên sửa luật nhằm cho phép công an bắt giữ bất cứ ai bị cáo buộc là có hoạt động phương hại đến nền an ninh quốc gia mà không cần phải loan báo. Cần biết là từ nhiều năm qua, việc quản thúc tại gia là hình thức đàn áp thông thường nhất ở Hoa Lục. Nhưng với đạo luật mới thì những người đối kháng có thể bị bắt mang đi. Trong mấy tháng qua, nhiều nhà đấu tranh đã bị mất tích ở Trung Quốc.  
Phát ngôn nhân Human Rights Watch nói rằng nếu được thông qua, đạo luật mới sẽ vi phạm các quy ước quốc tế về quyền làm người.

CHÍNH PHỦ ẤN NHƯỢNG BỘ TRONG VỀ ĐẠO LUẬT CHỐNG THAM NHŨNG

Nhà đấu tranh chống tham nhũng Anna Hazaré ở Ấn Độ đã đồng ý chấm dứt cuộc tuyệt thực sau khi nhận được lời hứa hẹn của quốc hội Ấn là sẽ điều chỉnh đạo luật chống tham nhũng.
Những đòi hỏi về mức độ khắt khe hơn trong đạo luật chống tham nhũng của ông Hazare đã nhận được sự ủng hộ của đa số dân biểu. Hiện người ta đang quan ngại cho sức khỏe của ông Hazare 74 tuổi. Ông hiện sụt ký quá nhanh và nếu chính phủ Ấn không chịu nhượng bộ thì ông có thể thiệt mạng, dẫn đến phong trào đối kháng dữ dội hơn trên toàn quốc.  

LIÊN HỢP QUỐC KÊU GỌI SỰ CHUYỂN GIAO QUYỀN HÀNH CÓ TRẬT TỰ Ở LIBYA

Tổng Thư Ký LHQ, Ông Ban-Ki Moon, hôm qua, đã kêu gọi cộng đồng thế giới trực tiếp giúp Libya qua được thời kỳ chuyển giao quyền hành một cách an bình. Kháng chiến quân cho biết họ đã kiểm soát được hầu như toàn bộ Tripoli, tuy thành phố hiện thiếu thốn nhiên liệu, thực phẩm và dược phẩm. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông Libya, nhất là vùng quanh Sirte. tức là quê hương của Muamar Gaddafi. Tripoli bị thiếu điện trầm trọng, nhưng cảnh sát đã xuất hiện trên đường phố và các cửa tiệm bắt đầu mở cửa trở lại. Lên tiếng sau một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở Nữu Ước, Ông Ban-Ki Moon nói rằng hiện có nhu cầu khẩn cấp chấm dứt cuộc xung đột, và tái lập trật tự cùng ổn định trong cả nước. Trước hết, cộng đồng thế giới cần giúp Libya nhiều viện trợ nhân đạo, nhất là thuốc men, thực phẩm và các phương tiện để tái lập việc cung cấp nhiên liệu, điện và nước, theo lới ông Ban-Ki Moon. Hội đồng Quốc Gia Lâm Thời Libya cũng loan báo rằng trọng tâm đầu tiên của họ là tái lập trật tự và tiếp tế khẩn cấp cho 2 tiệu dân Tripoli.

No comments:

Post a Comment