Tuesday, August 23, 2011

CHỐNG THAM NHŨNG KIỂU CHÍ PHÈO

HS: Quốc nạn tham nhũng VN đã đến giai đoạn vô phương cứu chữa, nhất là khi người dân cũng tiếp tay đẩy thêm tệ nạn bằng nhiều hình thức khác nhau. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết "Chống tham nhũng kiểu Chí Phèo" của Vương Trí Nhàn, qua sự trình bày của anh SongThập.

Trong các chương trình địa lý bọn tôi học những năm sau hòa bình 1954 thường có câu "đất nước mình rừng vàng bể bạc". Các vùng khoáng sản là cả một niềm tự hào. Tin tức về mỏ than in trang nhất trên các báo gây sôi nổi không chỉ với các đoàn xe và cần cẩu to lớn, mà còn hình ảnh những người thợ mỏ đi sâu vào lòng đất. Biểu tượng của một nền sản xuất hiện đại đấy!


Nhưng bây giờ thời của phát triển, nhớ đến các vùng mỏ là người ta nhớ tới lối khai thác theo kiểu thổ phỉ. Vài cái lều như lều vịt được dựng lên. Rồi từng bao tải con con được buộc sau xe đạp và chuyền tay từ xe nọ sang xe kia. Họ giống như những đứa trẻ nhân lúc bố mẹ đi vắng mở tủ lấy tiền ra phố chơi game, chúng ta ăn cắp ngay trên chính quê hương mình! 
Mùa hè năm 2004, có dịp đi chơi ở Sầm Sơn, tôi nghe một cậu xích lô giải thích về tình trạng đường xá ngổn ngang ổ gà khấp khểnh: “Đâu có gì lạ, ban ngày bên giao thông vừa đổ cát sỏi ra đường, thì đến đêm dân kéo ra hốt về xây nhà xây sân". Và ở Hải Phòng thì một cây cầu mới xây bị người dân tháo nậy cả ốc vít, bù loong để mang bán ve chai.  
Những hành động đó rõ ràng là phản xạ tự nhiên của người dân. Ở chỗ riêng tư, hãy nghe họ lý sự:
"Không ăn thì mấy ông chính quyền cũng ăn" hay "Các ông ấy ăn nhiều chứ mình được bao nhiêu!"  
Té ra họ cũng biết mình làm như thế là sai nhưng họ vẫn làm. Họ chống tham nhũng và điều hành kém bằng cách góp thêm một tay đẩy nhanh cái tiêu cực ấy. Mà đây không phải là những phản ứng nhất thời. Nó đang là một xu thế chi phối đời sống và nếp suy nghĩ của nhiều người.  
Vụ thi cử nào cũng dẫy đầy tai tiếng. Nhưng trong nhận thức của nhiều người, so với những vụ PMU 18 hoặc Vietnam Airlines thì những bê bối trong ngành giáo dục thường được xem là chả thấm thía gì. Nói chung, người ta dễ thông cảm với chuyện chính quyền địa phương dung dưỡng cho các trường “tùy nghi” trong thi cử. Người ta dễ dãi bỏ qua việc phụ huynh xông vào tận trường, thuê người giải bài rồi ném cho thí sinh.  
Nếu đặt các kỳ thi cử là các dấu mốc thì sẽ nhận ra là có một nỗ lực liên tục của các phụ huynh trong thời gian con cái đến trường. Nỗ lực này kéo dài từ chuyện quà cáp cho thầy cô để xin điểm từ các năm tiểu học, cho tới việc chạy đôn chạy đáo xoay sở và mua chỗ cho con ở các công sở sau khi con tốt nghiệp đại học.
Hình như trong muôn vàn thứ tội hối lộ, cái chuyện hối lộ để con cái có được mảnh bằng và chỗ làm việc là dễ tha thứ nhất.  
Tại sao cách định hướng tương lai theo kiểu đó đang trở thành phổ biến?  
Hãy nghĩ đến một lý do đơn giản. Với nhiều người dân, hiện tượng tham nhũng nay đã trong tình trạng bất khả kháng. Vậy chỉ có một cách tốt nhất để đỡ thiệt thòi là họ cũng phải tham dự vào cái bộ máy quan liêu đang hái ra tiền đó. Mà làm gì có phép mầu nào khác, ngoài cách kiếm cho con cái các loại bằng cấp. Sau đó chịu khó xuất ít vốn ra mua chức vụ, từ đó len dần vào bộ máy để có cơ hội tham nhũng.  
Bỏ vốn ra sẽ có lúc hoàn vốn, và nhiều người đã gặp nhau ở cái “ý tưởng lớn" đó.  
Đọc trên một số tờ báo, thấy nói các cuộc đình công đã lên đến con số hàng ngàn. Và trên diễn đàn quốc hội, khi bàn về luật lao động, các đại biểu có xu hướng muốn xem đình công là một phản ứng tự nhiên. Nếu có sự tranh chấp không thỏa đáng thì phải có đình công, không thể vì nhu cầu điều hành và ổn định mà xem cuộc đình công nào cũng là bất hợp pháp.  
So với phản ứng trực tiếp bằng đình công của giới công nhân, thì cái cách bà con “nhẫn nhục chung sống với bất công”, “lấy tham nhũng nhỏ để chống tham nhũng lớn” mà tôi miêu tả ở trên có vẻ không mấy thách thức, song chính ra nó đang mang lại những tai hại sâu xa và nặng nề hơn. Nói nôm na tức là cách “chống tiêu cực” ấy có vẻ Chí Phèo, và đang gây tai hại cho cả người trong cuộc, vì nó hạ thấp phẩm giá của mình.  
Trong y tế, một khi tình hình bệnh đang lây lan khắp nơi, người ta gọi đó là một trận dịch. Trong sức khỏe tinh thần cũng có hiện tượng tương tự.  

Vương Trí Nhàn

No comments:

Post a Comment