Trong một chế độ pháp trị nghiêm minh, chính phủ cũng chỉ là một hữu thể pháp lý như bất cứ nạn nhân cá thể nào của vụ chuyến bay giải cứu, và có thể khởi kiện chính phủ đòi bồi thường thiệt hại.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Luật sư Lê Quốc Quân với tựa đề: “Vụ chuyến bay giải cứu: 200.000 nạn nhân nên khởi kiện chính phủ” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Lê Quốc Quân
Ngày 11/7/2023, toà án nhân dân Hà Nội đã mở phiên xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”. Có 105 luật sư tham gia bào chữa cho 54 bị cáo. Báo chí được tham dự và đưa tin khá thoải mái về các diễn biến phiên toà.
Đến ngày 17/7, trước khi Viện kiểm sát
công bố bản luận tội đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử tạm dừng phiên toà để
các bị cáo “nộp thêm chứng từ khắc phục hậu quả”.
Trong số 54 bị cáo thì có 21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”; 23 bị cáo tội “Đưa hối lộ”, 4 bị cáo tội “Môi giới hối lộ”; 4 bị cáo “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 2 bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Có 18 bị cáo bị truy tố theo Khoản 4, Điều 354 của BLHS Việt Nam với khung hình phạt ở mức cao nhất là tử hình nhưng khi luận tội, đại diện VKS chỉ đề nghị một án tử hình và các mức án từ 2-20 năm, rất nhẹ, vì theo luật hình sự thì chỉ cần nhận hối lộ lên đến 1 tỷ đồng là đã đối mặt với “20 năm, chung thân hoặc tử hình”.
Hai quan to nhất bị truy tố là cựu thứ trưởng
Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, bị đề nghị mức án 12-13 năm tù, Cựu phó giám đốc
công an TP Hà Nội: Nguyễn Anh Tuấn, bị đề nghị mức án 6-7 năm tù. Trước đó, 2
phó thủ thướng là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh đã bị kỷ luật buộc rời khỏi chức
vụ mà không chịu một trách nhiệm hình sự nào.
Đảng cộng sản hoạt động trên cơ sở “tập thể”
và có chi bộ, đảng bộ của mình, cho nên không thể nói một ai đó có thể “ăn mảnh”
được. Tất cả phải có đường dây và phải có sự đồng ý, dù công khai hay ngầm, của
đảng. Một người “giúp việc” không thể tách mình ăn riêng.
Thông thường các bản án về tội lừa đảo thì
số tiền lừa đảo sẽ được tuyên trao trả lại cho các nạn nhân. Nhưng tất cả các
bên đều biết tiền đó sẽ đến từ những người được “giải cứu”, thậm chí họ còn “bổ
đầu” số tiền trên lên từng người. Nạn nhân thực sự là hơn 200.000 người chứ
không phải chỉ có 2 người vốn là 2 tội phạm.
Những công dân đã bị “móc túi” có thể tập trung lại để làm một đơn kiện tập thể lên Chính phủ của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam theo các thủ tục dân sự, hành chính và cả hình sự.
Về dân sự thì có thể dựa vào điều 186 của Bộ Luật tố tụng dân sự để tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đòi lại tiền mình đã bị thiệt hại, phải chi trả không đúng với bản chất của sự việc, có thể trong hoặc ngoài hợp đồng.
Đối với tố cáo hình sự thì cần nhắm vào thủ tướng chính phủ để đảm bảo đúng nguyên tắc cá nhân hoá trách nhiệm hình sự. Cần tố cáo về “Các tội xâm phạm sở hữu” nằm tại Chương XVI của Bộ luật hình sự, với ít nhất một loạt tội danh như “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 172; tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174 BLHS và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 175 BHLS.
Các nạn nhân có thể dựa vào Quyết định
thành lập “Tổ công tác 5 bộ” cho phép tiến hành việc cấp phép các chuyến bay giải
cứu đưa công dân. Cá nhân này đã được chính phủ trao cho “quyền lực” và họ đã
“nhân danh quyền lực đã được chính phủ trao ban” để phân bổ tiền, chia theo
dây, theo chuỗi. Bản thân Chính phủ, mà cụ thể là thủ tướng chính phủ phải là
người chịu trách nhiệm cuối cùng về việc các thành viên của mình tổ chức, thực
hiện việc ăn tiền của các nạn nhân.
Về việc nộp đơn kiện thì các nạn nhân nên
uỷ quyền cho một số văn phòng luật sư ở nước ngoài tiến hành xem xét các đơn kiện.
Do hàng trăm ngàn người thì có hàng ngàn trăm tình tiết bị “móc túi” khác nhau,
cho nên các luật sư sẽ phải phân loại theo từng nhóm hành vi: khởi kiện dân sự,
hành chính hay tố cáo hình sự, khởi kiện ở trong nước hay ngoài nước, khởi kiện
chính phủ hay thủ tướng chính phủ.
Trước mắt, theo tôi để tránh hệ luỵ nguy hiểm xảy ra với Nhà nước CHXHCNVN, toà án cần lập ngay một quỹ riêng để dành các khoản tiền truy thu được mà chưa vội sung công quỹ. Điều này cũng tránh khả năng bị dân nói là “cướp của kẻ đi cướp”. Nếu Toà quyết định sung công quỹ ngay, rất có thể sẽ dẫn đến những hệ luỵ lớn hơn cho nhà nước sau này.
Xã hội nào cũng có người tốt người xấu, quốc gia nào cũng có tham nhũng. Thế nhưng, khi viết những dòng chữ này tôi cứ nhớ đến Chí Phèo với câu “ai cho tao làm người lương thiện”. Dù chưa được gặp 2 phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh nhưng một thời thấy họ trên truyền thông, tôi cũng có lòng yêu quý họ. Tôi tự nghĩ họ như những giọt nước trong, đã hoà tan vào trong lọ mực đen. Họ đã trở thành đen, trở thành tội phạm.
Hàng loạt các quan chức khác cũng vậy. Nếu muốn trở nên lương thiện, họ phải thoát ra khỏi cơ chế tội lỗi đã sản sinh và nuôi dưỡng họ. Không một ai có thể nắm được một chức vụ hành chính trung và cao cấp nếu không phải là đảng viên, không phải nằm trong “phe phái” thuộc “xâu chuỗi” nào đó, cùng ăn chia lợi ích với nhau.
Họ không thể trở nên một mình tử tế trong một tổ chức bất lương. Do học ngành luật, tôi cũng có nhiều bạn là thẩm phán. Họ tốt về mặt cá nhân nhưng cả hệ thống toà án Việt Nam đang hành xử như một cái chợ và họ đã trở thành một mắt xích trong đó. Họ dùng quyền lực nhà nước để mặc cả, trao đổi và hưởng lợi. Đối với các vụ án hình sự nhỏ thì xử theo quyền lợi cá nhân. Đối với các vụ án chính trị, vụ án điểm thì xử theo chỉ đạo của tổ chức, của phe phái mình.
Trong một cơ chế tù mù và đầy cạm bẫy, những
tham vọng cá nhân luôn luôn trỗi dậy và sinh sôi. Đó chính là nguồn gốc của mọi
loại tham nhũng. Bởi vậy, chỉ có một chính quyền thực sự dân chủ, tự do và có đối
trọng quyền lực mới ngăn chặn được phần nào tham nhũng và đảm bảo việc tham
nhũng bị truy đuổi đến tận cùng khi nó xảy ra.
No comments:
Post a Comment