Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.
1/ EUROCHAM ĐỀ NGHỊ VN BỎ THỊ THỰC CHO DU KHÁCH ÂU CHÂU
Phòng thương mại Âu châu (EuroCham) đã gửi
thư đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, nội dung thúc giục Hà Nội mở rộng việc miễn
thị thực cho tất cả 27 nước thành viên khối Liên hiệp Âu châu. Cần biết là hiện tại, chỉ có công dân của 7
nước Âu châu gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, được
miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian 15 ngày.
Trong một thông cáo đưa ra vào hôm 16/7, EuroCham VN nói họ
đã đề nghị mở rộng miễn visa cho toàn bộ các nước thành viên Âu châu đến ông
Chính vì cho rằng việc này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cơ
hội thương mại và đầu tư giữa hai bên. Chủ tịch Gabor Fluit cho biết là việc mở
rộng sẽ thu hút một lượng lớn du khách Âu châu, vốn có dân số hơn 500 triệu
người.
EuroCham Vietnam cho biết với số lượng du khách lớn, ngày
lưu trú dài hơn và sức mua đáng kể, du khách từ châu Âu thực sự là một nhóm
khách hàng tiềm năng. Lời kêu gọi của EuroCham cũng được gửi tới các bộ ngoại
giao, văn hóa thể thao và bộ công an. Đề nghị này có 18 đại sứ Âu châu tại Việt
Nam và chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp Âu châu đồng ký tên và ủng hộ.
Hiện khách du lịch Á châu vẫn đứng đầu về số lượng du khách tới Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón hơn 4 triệu du khách từ Á châu trong khi chỉ có gần 700 ngàn du khách đến từ Âu châu, chỉ bằng một nửa so với con số trước đại dịch, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Việt Nam đang có mục tiêu đón khoảng 8 triệu du khách trong năm nay.
2/ NGOẠI TRƯỞNG
TRUNG CỘNG BỊ MẤT TÍCH HƠN 3 TUẦN QUA
Ngoại trưởng Tần Cương, cựu đại sứ Trung Cộng tại
Washington, đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn ba tuần qua, làm dấy
lên đồn đoán dữ dội ở quốc gia nổi tiếng về sự mờ ám chính trị.
Ông Tần Cương 57 tuổi là một nhà ngoại giao và là một phụ
tá đáng tin cậy của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Ông được thăng chức bộ
trưởng ngoại giao vào tháng 12, sau một thời gian ngắn làm đại sứ tại Hoa Kỳ.
Với tư cách là bộ trưởng ngoại giao, họ Tần đã đưa ra những
lời chỉ trích gay gắt đối với Hoa Kỳ trong thời gian qua. Họ Tần cũng đóng một
vai trò quan trọng trong những nỗ lực tiếp theo của cả hai bên nhằm ổn định mối
quan hệ rạn nứt và khôi phục liên lạc, bao gồm cả cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa
Kỳ Antony Blinken trong chuyến thăm Bắc Kinh vào giữa tháng Sáu.
Nhưng nhà ngoại giao này đã không xuất hiện trước công
chúng kể từ ngày 25/6, sau cuộc gặp gỡ các quan chức Sri Lanka, Việt Nam và Nga
tại Bắc Kinh. Trong lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng, họ Tần được nhìn
thấy đang tươi cười đi bên cạnh Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko.
Khi được hỏi về sự vắng mặt kéo dài của ông Tần trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai, một phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng cho biết là “không có thông tin để cung cấp”, đồng thời nói thêm là các hoạt động ngoại giao của Trung Cộng vẫn được tiến hành như bình thường.
3/ QUỐC HỘI THÁI LAN
BÁC BỎ TƯ CÁCH ỨNG VIÊN THỦ TƯỚNG CỦA ÔNG PITA
Vào hôm qua 19/7, chỉ vài giờ sau khi tòa Bảo hiến đình chỉ
chức dân biểu của ứng viên Pita Limjaroenrat, đến lượt quốc hội Thái Lan từ
chối cho phép vị thủ lãnh đảng Move Forward ứng cử lần thứ 2 chức thủ tướng.
Chủ tịch hạ viện Thái Lan nhấn mạnh là ông Pita không
thể được “chỉ định lần thứ nhì” trong ký họp quốc hội, chiểu theo điều 41 quy
định của hạ viện. Trước đó, ông Pita đã bị tòa Bảo hiến đình chỉ nhiệm kỳ dân
biểu trong thời gian điều tra vụ xung đột lợi ích.
Cần
biết ông Pita Limjaroenrat bị cáo buộc có cổ phần trong một công ty viễn thông
khi ra tranh cử quốc hội, điều mà luật pháp cấm đoán, mặc dù ông đã thông báo
điều này cho ủy ban tuyển cử và cho biết công ty này đã không hoạt động từ năm
2014.
Ông
Pita đã không huy động được đủ số phiếu của các thượng nghị sĩ vào thứ Năm tuần
trước, phần lớn do những lập trường cải cách của ông về vấn đề quân chủ.
Tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ phản ứng của giới trẻ Thái Lan, những người đã ào ạt bỏ phiếu ồ ạt cho đảng Move Forward. Lực lượng này sẽ quyết định xuống đường hay không sau khi ông Pita bị loại khỏi chính trường.
4/ TỔNG THỐNG NGA KHÔNG THAM GIA
HỘI NGHỊ Ở NAM PHI
Theo thông báo vào hôm qua 19/7 của
phủ tổng thống Nam Phi, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham gia thượng
đỉnh BRICS của khối 5 nước có nền kinh tế mới trỗi dậy là Nga, Trung Cộng, Ấn
Độ, Brazil và Nam Phi, dự trù diễn ra vào cuối tháng 8 tại Johannesbourg.
Quyết định nói trên là đến từ một thỏa thuận chung giữa ông
Putin với chính quyền Nam Phi, với việc tổng thống Nga không đến tham dự hội
nghị sẽ tránh cho Nam Phi tránh khỏi vấn đề khó xử.
Cần biết là vào tháng 3 vừa qua, tòa án Hình sự Quốc tế có
trụ sở tại La Haye, đã phát lệnh truy nã Tổng thống Putin về trách nhiệm trong việc để xảy các
tội ác chiến tranh kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, đặc biệt là các vụ đày đọa trẻ
em Ukraine sang Nga và các vùng bị Nga chiếm đóng. Theo chính phủ Kiev, hơn 16
ngàn trẻ em Ukraine đã bị đưa sang Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra vào ngày 24/2
năm ngoái.
Là thành viên tòa án Hình sự Quốc tế, trên nguyên tắc Nam
Phi phải tuân thủ lệnh của tòa và phải bắt giữ ông Putin nếu đặt chân đến lãnh
thổ nước này. Nhưng theo Tổng thống Cyril Ramaphosa, việc bắt giữ ông Putin tại
hội nghị này sẽ là một lời tuyên chiến với Nga, sẽ đẩy Nam Phi vào một cuộc
chiến tranh với Nga.
Nhận định nói trên được công bố hôm qua 18/7, tại cuộc thảo luận quốc gia về việc đón tiếp Tổng thống Putin tại thượng đỉnh BRICS.
5/ SỐ CA HỎA TÁNG TĂNG VỌT TẠI TỈNH CHIẾT GIANG Ở HOA LỤC
Số ca hỏa táng ở tỉnh Chiết Giang của Trung Cộng trong
3 tháng đầu năm nay đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của nhà
nước, một bước nhảy vọt chưa có lời giải thích trong lúc một đợt bùng phát dịch
Vũ Hán đang quét qua Hoa Lục.
Khoảng 171 ngàn ca hỏa táng được ghi tên tại Chiết Giang,
nơi chiếm khoảng 5% dân số Trung Cộng trong ba tháng đầu năm 2023, tăng so với
99 ngàn ca cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu trên trang mạng của cục dân sự tỉnh
Chiết Giang.
Tổ chức Y tế Thế giới cho hay Trung Cộng không báo cáo đầy
đủ số ca tử vong Vũ Hán là bao nhiêu sau khi nước này đột ngột từ bỏ các biện
pháp kiềm chế nghiêm ngặt vào tháng 12 năm ngoái.
Trung Cộng cho biết khoảng 80 ngàn người đã chết vì dịch Vũ
Hán tại các bệnh viện trong hai tháng đầu tiên sau khi các biện pháp hạn chế
được dỡ bỏ. Đây là khoảng thời gian mà các nhà tang lễ cho biết họ bị quá tải
với hàng dài xe tang chờ đợi bên ngoài lò hỏa táng.
Một số nhà dịch tễ học vào thời điểm đó ước tính có tới 2
triệu người có thể đã chết vì dịch Vũ Hán ở Hoa Lục. Dữ liệu của tỉnh Chiết
Giang, không nêu rõ nguyên nhân tử vong vì đã bị gỡ bỏ.
Trong ba năm đầu tiên kể từ cuối 2019 khi đại dịch bùng
phát, Trung Cộng đã kiểm soát dịch phần lớn bằng cách áp dụng chính sách nghiêm
ngặt “zero COVID” bao gồm các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt và xét nghiệm
hàng loạt. Nhưng đến cuối năm 2022, chính sách này bắt đầu thất bại khi biến
thể Omicron có khả năng lây truyền cao lan rộng.
Trung Cộng đột ngột thay đổi chiến thuật vào tháng 12 năm ngoái sau các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác. Vào tháng 1 năm nay, một nhà khoa học Trung Cộng ước tính rằng 80% trong dân số 1 tỷ 400 triệu dân của Hoa Lục đã bị nhiễm dịch Vũ Hán.
No comments:
Post a Comment