Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ TNLT VŨ QUANG THUẬN BỊ TRẠI TÙ TỪ CHỐI ĐƯA ĐI CHỮA BỆNH
Tù nhân lương tâm Vũ Quang Thuận đang bị nhiều chứng bệnh ngặt nghèo
nhưng đám cai tù trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam, đã từ chối thẳng thừng yêu cầu
đưa ông chữa bệnh ở bên ngoài.
Ông Vũ Quang Thuận, thành viên phong trào Chấn hưng Nước
Việt, bị bắt vào đầu tháng 3 năm 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước
CSVN”. Sau đó ông bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế vì các hoạt động cổ
súy dân chủ đa nguyên và nhân quyền.
Ông Thuận đang nhiễm nhiều bệnh do điều kiện sống hà khắc
trong tù và bị đối xử vô nhân đạo của trại giam, theo lời người mẹ là bà Nguyễn
Thị Nhiên, người vừa có chuyến đi thăm tù vào đầu tuần này. Theo lời bà Nhiên,
ông Thuận đang bị sốt ho và đi lại khó khăn, cộng với bệnh xuất huyết dạ dày.
Tuy nhiên ước muốn được đưa ông Thuận ra ngoài chữa bệnh
của gia đình đã bị đám cai tù từ chối thẳng thừng. Bà Nhiên, người từng bị tai
biến và không có lương hưu, cho biết gia đình bà không có điều kiện để tự chi
trả tiền chữa trị cho ông Thuận.
Gia đình ông Thuận cho biết trước khi bị bắt, sức khoẻ của
ông Thuận hoàn toàn bình thường. Kể từ khi bị chuyển đến thi hành án ở trại tù
Nam Hà vào năm 2018, ông nhiều lần bị kỷ luật biệt giam do đấu
tranh cho quyền lợi cho tù nhân. Cũng theo gia đình thì ông Thuận từng bị
biệt giam 14 tháng, từ tháng 3/2021 đến tháng 5/2022.
Hiện gia đình rất lo lắng cho tính mạng của ông Thuận nhất là khi đã có nhiều tù nhân lương tâm chết trong trại tù trong vài năm qua, như thầy giáo Đào Quang Thực, mục sư Đinh Diêm, ông Phan Thu, nhà báo công dân Đỗ Công Đương... chỉ vì không được chữa trị y tế kịp thời.
2/ NHÀ ĐẤU TRANH TRƯƠNG VĂN DŨNG
ĐẢ ĐẢO CỘNG SẢN TRƯỚC TÒA
Vào hôm qua 13/7, trong phiên phúc thẩm tại Hà
Nội, ông Trương Văn Dũng đã mạnh mẽ đả đảo chế độ cộng sản VN.
Đây là phiên tòa xét xử đơn kháng cáo bản án sơ
thẩm 6 năm tù giam đối với ông , với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước
CSVN”. Phiên tòa khai mạc vào lúc 9 giờ sáng và kết thúc lúc 1 giờ chiều vào
hôm qua. Gia đình ông Dũng chỉ có một người thân duy nhất là bà Nghiêm Thị Hợp,
vợ ông Dũng. Phía luật sư bào chữa có hai ông Lê Đình Việt và Nguyễn Tiến
Nghĩa.
Bà Hợp cho biết thêm rằng phía thẩm phán đã thẳng
thừng yêu cầu luật sư “nói ít thôi”, và liên tục cho thấy thái độ không muốn
tranh luận, không muốn lắng nghe ý kiến từ phía luật sư bào chữa.
Về phần ông Trương Văn Dũng, bà Hợp cho biết chồng
mình phản đối phiên tòa từ đầu tới cuối, ông không nhận mình là bị cáo và không
nhận mình có tội. Thậm chí ông Dũng 3 lần hô hào khẩu hiệu phản đối đảng cộng
sản VN
Trước phản ứng của ông Trương Văn Dũng, phía tòa
đã hai lần yêu cầu công an cưỡng chế và đưa nhà hoạt động này ra khỏi phòng xét
xử. Và chỉ cho phép ông quay trở lại sau khi đã hoàn tất thủ tục tranh tụng.
Bị bắt vào ngày 21/5 năm ngoái, theo cáo trạng ông
Trương Văn Dũng bị cáo buộc về “hành vi phạm tội” liên quan đến các bài đăng
trên mạng xã hội và các phát biểu của ông trên báo chí.
Trước phiên xử phúc thẩm, hai tổ chức Giám sát Nhân quyền và Ân xá Quốc tế kêu gọi bạo quyền Việt Nam phải trả tự do cho ông này vì những việc làm ôn hòa của ông chỉ thực hiện quyền căn bản của công dân.
3/ GIỚI QUAN CHỨC ĐÒI TIỀN HỐI LỘ NHÂN CHUYẾN BAY GIẢI CỨU
Các bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu khai trước tòa về
hành vi vòi tiền và chung tiền cho mỗi chuyến bay được phê duyệt với mức giá
được tính trên mỗi đầu hành khách, nếu không việc giải cứu công dân sẽ bị làm
khó dễ.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án chuyến bay giải cứu đã bắt
đầu từ ngày 11/7 và dự trù sẽ kéo dài trong một tháng. Tổng cộng có 54 bị cáo
phải ra tòa trong lần này, chủ yếu là các quan chức nhà nước từ các bộ ngoại
giao, y tế và công an… Quan chức cao nhất là cựu thứ trưởng ngoại giao Tô Anh
Dũng.
Để được đáp máy bay giải cứu trong đại dịch Vũ Hán, các công
ty phải xin phép một loạt các cơ quan từ bộ y tế sang đến bộ ngoại giao và bộ công
an. Ông Đào Minh Dương, chủ tịch Vijasun, một trong những công ty được cấp phép
thực hiện 17 chuyến bay giải cứu, khẳng định trước tòa là ông bị các quan chức
làm khó dễ để vòi tiền.
Ông Dương tố cáo trước tòa rằng trong giai đoạn người dân
bị điêu đứng vì dịch bệnh, cục lãnh sự “không phải bảo vệ công dân mà là hành
dân”. Ông Dương khai là các công ty bị yêu cầu phải nộp số tiền 150 triệu đồng
ở phòng họp bộ y tế.
Theo lời khai của các chủ nhân công ty trước tòa thì họ bị
đòi tiền từ các cơ quan có trách nhiệm trong vụ chuyến bay giải cứu, từ cơ quan
lãnh sự VN ở nước ngoài phê duyệt danh sách hành khách cho đến các quan chức
trung ương cấp phép chuyến bay và quan chức địa phương cấp phép cách ly. Các
quan chức còn ra giá cụ thể cho mỗi đầu hành khách được bay.
Ông Đào Minh Dương cho biết phải chi cho ông Vũ Ngọc Minh, đại sứ Việt Nam tại Angola, 3 triệu đồng cho mỗi hành khách.
Trước tòa, bà Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng cục lãnh sự, thừa nhận đã nhận
hối lộ 32 lần với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng.
Để được đi trên các chuyến bay giải cứu về nước, các công dân Việt Nam bị kẹt ở
nước ngoài đã bị nhóm tổ chức chuyến bay đòi số tiền cắt cổ từ hàng chục đến cả
trăm triệu đồng mỗi người.
4/ TƯỚNG NGA Ở UKRAINE BỊ SA THẢI SAU KHI CHỈ TRÍCH LÃNH ĐẠO
Một vị tướng hàng đầu của Nga cho biết ông đã
bị cách chức ở Ukraine sau khi nói với các chỉ huy về tình hình khốc liệt nơi
tiền tuyến.
Thiếu tướng Ivan Popov là chỉ huy quân
đoàn 58, chiến đấu ở khu vực phía nam thành phố Zaporizhzhia. Trong một tin nhắn,
Thiếu tướng Popov cho biết ông đã nêu những câu hỏi về tỷ lệ thương vong cao và
tình trạng thiếu yểm trợ của pháo binh.
Ông cho biết là phải lựa chọn giữa việc
giữ im lặng một cách hèn nhát, hai phải nói ra theo đúng sự thật. Vì vậy ông
không thể nói dối trước cái chết của những đồng đội.
Tin nhắn đã được đăng lên mạng bởi thượng
nghị sĩ Nga Andrei Gurulyov, cựu chỉ huy quân sự và là nhà bình luận thường
xuyên trên truyền hình nhà nước. Không rõ tin nhắn được ghi lại khi nào.
Trong số các vấn đề mà Thiếu tướng Popov
nói rằng ông đã nhấn mạnh với cấp trên của mình, gồm có việc thiếu các hệ thống
phản công phù hợp để giúp đẩy lùi các cuộc tấn công bằng pháo binh của Ukraine,
cũng như việc thiếu thông tin tình báo quân sự.
Ông Popov cho biết việc sa thải ông là do
các chỉ huy cấp cao yêu cầu, tức những người mà ông cáo buộc tội phản quốc. Một
nguồn tin cho biết là tướng Popov bị sa thải bởi người cầm đầu lực lượng Nga,
tướng Valery Gerasimov.
Zaporizhzhia và khu vực Donetsk ở miền
đông đã trở thành tâm điểm của cuộc phản công của Ukraine, được phát động hơn
một tháng trước. Tuy nhiên Ukraine đã vấp phải khó khăn trong việc xuyên thủng
các tuyến phòng thủ vững chắc của Nga.
Trong khi đó, một tướng cấp cao khác của Nga, Trung tướng Oleg Tsokov, bị xem là đã thiệt mạng trong một cuộc không kích ở bờ biển phía nam của Ukraine trong tuần này, mặc dù cái chết của ông chưa được bộ quốc phòng Nga chính thức xác nhận.
No comments:
Post a Comment