Việt Nam là một chế độ cộng sản công an trị. Quốc Hội bù nhìn của Tô Lâm chỉ ra luật tăng cường quyền lực của các quan chức công an và giảm thiểu hoặc làm lơ các nhân quyền căn bản của người dân thấp cổ bé miệng.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Đình Trọng với tựa đề: “Quyền của quan và quyền của dân” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Phạm Đình Trọng
Quan đòi quyền gì đều được Quốc hội làm ngay luật về
quyền đó.
Dân đỏ mắt chờ luật bảo đảm những quyền tối thiểu của dân, suốt mấy chục năm Quốc hội vẫn làm ngơ.
Luật Công An Nhân Dân hiện hành mới có hiệu lực từ đầu năm 2019, bảo đảm cho lực lượng công an được quyền có tới 199 ông tướng. Nhưng lãnh đạo công an vẫn chưa thoả lòng, đòi Quốc hội phải sửa luật để công an có nhiều tướng hơn. Lập tức chiều 22.6.2023, Quốc hội liền sốt sắng thông qua luật sửa đổi, bổ xung một số điều của luật Công An Nhân Dân, tăng thêm 6 vị trí cấp tướng cho công an, để công an có tới 205 ông tướng đương quyền.
Ngân sách quốc gia eo hẹp. Quỹ phúc lợi xã hội đã ít ỏi lại dồn cho những đấng bậc trên cao. Chế độ thực dân, chế độ tư bản đều không có ban Bảo vệ Chăm sóc sức khoẻ cán bộ nhưng đều có nhà thương Làm Phúc chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Cử nhân văn chương, tổng bí thư đảng cầm quyền Nguyễn Phú Trọng vốn tốt nghiệp trường xã hội nhân văn nên rất hay nhắc đến từ nhân văn và quả thật nhà nước ta rất nhân văn với các quan, có hẳn ban Bảo vệ Chăm sóc sức khoẻ cán bộ ở cấp tỉnh và cấp trung ương nhưng không có cấp nào có nhà thương làm phúc cho dân.
Điều 14, Luật giáo dục 2019 ghi rành rành:
Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc và bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục là nhà nước bảo đảm đủ mọi điều kiện, gồng gánh mọi chi phí để những công dân tương lai đang ở tuổi mẫu giáo và tuổi trung học cơ sở đều được các trường nhà nước, các trường công lập đón vào học mà không phải trả, không phải đóng, không phải nộp bất cứ khoản tiền nào, kể cả tiền sách giáo khoa, vì “nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục”.
Lý tưởng đẹp đẽ, đúng đắn và cần thiết về giáo dục dù đã trở thành luật, nhà nước cũng không thực hiện được vì ngân sách quốc gia quá eo hẹp. Đứa trẻ đi học từ mẫu giáo, cha mẹ đã phải nộp cho nhà trường quá nhiều khoản tiền. Trẻ nhà nghèo ở độ tuổi được “nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.” không có tiền đóng cho các khoản thu của trường đành chịu thất học. Số trẻ ở tuổi đi học, nhà nghèo, không có tiền theo đuổi đèn sách, phải mang tuổi thơ thất học vào đời kiếm sống không phải là cá biệt, không phải là số ít.
Ngân sách quốc gia eo hẹp như vậy. Đất nước đang thời yên hàn. Lực lượng nước ngoài rình rập ở biên cương, quấy nhiễu ở biển Đông là việc của quân đội, không phải việc của công an. Dân lo làm ăn, chính quyền lo phát triển kinh tế, văn hoá là thời bình yên. Trong thời yên hàn, đội quân công an đã đông tới cả chục quân đoàn nhưng lãnh đạo công an vẫn muốn có thêm quân, có thêm sức mạnh liền trình ra Quốc hội luật Cảnh Sát Cơ Động và sáng 14.6.2022, Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ ba với 454 / 474 đại biểu tán thành, luật Cảnh Sát Cơ Động được thông qua mau lẹ.
Lấy cớ bảo vệ an ninh, trật tự, Bộ Công An liên tục đòi tăng tướng, tăng quân, tăng trang bị, tăng chi ngân sách nhà nước cho công an và đều được Quốc hội mau mắn đáp ứng. Nhưng có điều Quốc hội và những người có trách nhiệm gìn giữ bình yên cho xã hội, chăm lo cho sự an dân không nhận thức được là nhiều vụ việc gây bất ổn xã hội, làm bất an lòng dân lại từ công an.
Bộ Công An liên tục đòi Quốc hội làm luật cho công an có thêm quyền hạn. Quyền có nhiều tướng. Quyền có đông quân. Các luật này đều làm ngân sách nhà nước phải bội chi, làm cho chi ngân sách mất cân đối, làm hao hụt, teo tóp ngân sách dành cho an sinh xã hội.
Công an là công cụ bạo lực nhà nước. Bảo đảm an ninh trật tự xã hội không phải chỉ là bạo lực mà còn là chính sách xã hội mang lại sự an dân, còn là nền giáo dục phát triển nâng cao dân trí và đời sống văn hoá cao, nâng con người lên những giá trị văn hoá.
Những đòi hỏi dồn dập của công an, đòi hỏi sửa luật,
đòi hỏi ban hành luật mới cho công an có thêm tướng, thêm quân đều được Quốc hội
chấp thuận tắp lự. Trong khi tất cả năm bản Hiến pháp của nhà nước Việt Nam Xã
hội chủ nghĩa từ 1946 đến nay, Hiến pháp nào cũng xác nhận quyền tự do ngôn luận,
quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, lập hội, quyền biểu
tình của người dân. Đó là những quyền sơ đẳng, cơ bản, tối thiểu của con người,
của công dân. Có những quyền đó, con người mới thực sự là Người, mới khẳng định
được sự có mặt của những cá nhân con người, những nhân cách công dân trong cuộc
đời. Những bộ luật về tự do ngôn luận, luật lập hội, luật biểu tình ra đời,
ngân sách nhà nước không phải chi một xu, không hao hụt một cắc bạc cho người
dân thực hiện những quyền sơ đẳng của người dân. Nhưng suốt mấy chục năm qua,
Quốc hội lạnh lùng làm ngơ, không ngó ngàng đến xây dựng những bộ luật bảo đảm
cho người dân được thực sự làm Người, được có tư thế đàng hoàng, chính danh làm
bổn phận công dân./.
No comments:
Post a Comment