Kính thưa quý thính giả,
Một người con chí
hiếu nổi tiếng về đạo
đức và là vị quan thanh liêm mẫn
cán, thương dân, thường hay giúp đỡ và bênh vực người nghèo khó. Ngài dốc lòng
tu học đạo và sáng lập Cao Đài Giáo.
Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Quan Phủ Ngô Văn Chiêu” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chiêu, Kỳ, Trung, độ dẫn Hoài sanh,
Bản đạo khai Sang, Quý, Giảng thành.
Hậu, Đức, Tắc, Cư thiên địa cảnh,
Hườn, Minh, Mân đáo thủ đài danh.
Đó là 4 câu thơ
do Đức Chí Tôn ban cho Quan Phủ Ngô Văn Chiêu.
Mười ba vị đệ tử đầu tiên của Đức Chí
Tôn là các ông: Ngô Văn Chiêu, Vương Quang Kỳ,
Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Hoài, Đoàn Văn Bản, Võ Văn Sang, Cao Hoài Sang, Lý Trọng
Quý, Lê Văn Giảng, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Phạm Công Tắc và Cao Quỳnh
Cư.
***
Ngô Văn Chiêu
sinh ngày 28/2/1878 tại quận Bình Tây, Chợ Lớn. Thân phụ là ông Ngô Văn Xuân và
thân mẫu là bà Lâm Thị Quý. Năm 12 tuổi, học tại trường College Mỹ Tho, sau đó
lên Sài Gòn học ở trường Chasseloup Laubat. Năm 21 tuổi đậu bằng Thành Chung.
-Năm 1899, làm
thư ký tại Sở Di Trú, Sài Gòn.
-Năm 1909, đổi
về Tòa Hành Chánh Tân An.
-Năm 1917, thi
đậu ngạch Tri Huyện.
-Năm 1919, trấn
nhậm Hà Tiên. Lập đàn Cơ, thỉnh Tiên về xin thuốc và học đạo.
-Năm 1920, trấn
nhậm Phú Quốc.
Một buổi sáng, trong khi đang
ngồi trên một chiếc võng sau dinh quận Dương Đông, bỗng nhiên ông thấy xuất hiện trước mặt “con mắt” thật lớn, hào quang chói sáng như mặt trời. Ông sợ hãi vội nhắm mắt lại,
không dám nhìn lâu. Một lúc sau, khi ông mở mắt ra thì “con mắt” vẫn chưa biến mất, mà có phần
chói sáng hơn. Ông chợt hiểu là Tiên Ông cho hình tượng để tôn thờ. Ông quỳ xuống chắp tay lạy tạ, “con mắt” tự nhiên lu dần rồi biến mất. Ít
lâu sau, chưa kịp vẽ hình “con mắt” để thờ, ông lại thấy “con mắt” xuất hiện lần thứ hai, nên ông vội vẽ Thiên Nhãn để thờ phượng. Khi đó, Tiên Ông mới xưng là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”.
-Năm 1921, Ngô
Văn Chiêu bắt đầu ăn chay trường và tiếp tục học đạo qua Cơ giáng.
-Năm 1924, ông được
thăng lên ngạch Tri Phủ, về làm việc tại Phòng Thương Mại trong dinh Thống Đốc
Nam Kỳ.
-Năm 1925, Cơ giáng chỉ dạy ông phải truyền đạo.
-Năm 1926, ngày 7 tháng 10, 28 người đại diện cho
247 tín đồ đạo Cao Đài ký tên vào Tờ Khai Đạo gửi cho chính quyền. Đến
giữa tháng 11 năm 1926, các Chức Sắc tổ chức Lễ Khai Đạo tại Gò Kén, Tây Ninh,
chính thức ra mắt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Về sau, khi tách rời khỏi nhóm Phổ Độ, Quan phủ Chiêu lập ra Cơ Tuyển Độ Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, gọi tắt
là Chiếu Minh Vô Vi. Ông đặt trụ sở Thánh Đức Tổ Đình tại phường Hưng Lợi, quận
Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Khi lập Chi phái này, ông đổi chữ lót Văn thành chữ
Minh, nên bổn đạo gọi ông là Ngô Minh Chiêu.
Chi phái Chiếu Minh Vô
Vi chuyên lo về Nội giáo Vô Vi và Tâm pháp Bí
truyền, nên phái nầy lựa chọn và thu nhận rất ít tín đồ, hoạt động hạn hẹp ở 3
nơi: Cần Thơ, Phú Quốc và Sài Gòn.
-Năm 1928, ông xin nghỉ 6 tháng để đi vân du vùng
núi Tà Lơn và Đế Thiên Đế Thích.
-Năm 1931, ông xin nghỉ luôn để dưỡng bệnh.
Quan phủ Ngô Minh Chiêu
thường nói với tín đồ rằng, Đức Chí Tôn định cho ông liễu đạo trên sông Cửu
Long nên mới ban cho 2 câu:
Giờ nầy, thầy điểm thâm công,
Ngày sau, con sẽ cỡi rồng hồi
nguyên.
-Sáng ngày
14/8/1932, ông quyết định về lại Tân An. Trên đường đi từ Cần Thơ, lúc xe chở ông xuống bến phà Mỹ Thuận,
phà chạy gần nửa sông thì ông xuất thần,
thoát xác một cách êm ái. Lúc đó là 3 giờ chiều ngày 14/8/1932. Hưởng dương 55 tuổi.
****
Ngày 19/11/1926, nhằm
ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần, là ngày Hội Thánh đầu tiên của nền Đại Đạo Tam
Kỳ Phổ Độ ra mắt nhơn sinh, đông đảo tín đồ tứ phương tụ về Thánh Thất Gò Kén.
Lễ Khai Đạo không những là danh dự riêng cho tín đồ Cao Đài, mà còn là niềm
hãnh diện chung của cả dân tộc, vì Việt Nam có một tôn giáo khai nguyên từ đất
nước mình.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ có nghĩa là con đường lớn, tôn giáo lớn, khai sáng lần thứ 3, để cứu rỗi
chúng sinh không phân biệt màu da, sắc tộc (với đấng Chí Tôn tất cả chúng sinh
là con một cha, được cứu rỗi như nhau).
Thượng Đế lập ra đạo
Cao Đài với phương châm: Công bình, Bác ái và Từ bi để tái tạo lại đời Thượng
Ngươn Thánh Đức. Tôn chỉ của đạo là Quy Tam Giáo, Hiệp Ngũ Chi. Tín đồ phải
luôn lấy tình thương, lấy sự thuận hòa để làm khuôn mẫu và phải thực hiện được
2 điều này để làm chủ cái Tâm, đưa con người đến Chân, Thiện, Mỹ.
Tính đến nay, Cao
Đài Giáo có khoảng 5 triệu tín đồ (kể cả trong và ngoài nước). Cao Đài Hội
Thánh (Chùa Cao) hiện vẫn còn phiến đá lớn, có khắc 2 chữ “Huyện Chiêu”. Phiến
đá này được xem như thánh tích khai đạo và cũng như để nhắc nhớ đến người sáng
lập là Ngô Văn Chiêu. Ngài xứng đáng được vinh danh để lưu truyền hậu thế.
No comments:
Post a Comment