Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.
1/ PHÁI ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO PHÁP GẶP GỠ HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VN
Một phái đoàn bộ ngoại giao Pháp lần đầu tiên gặp gỡ Hội
đồng Liên Tôn Việt Nam tại chùa Giác Hoa ở Sài Gòn vào ngày 6/7 để tìm hiểu về
hoạt động của tổ chức độc lập này, vốn không nằm dưới sự điều hướng của hệ
thống tôn giáo của nhà cầm quyền CSVN.
Theo thông cáo của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, phái đoàn
gồm có Đại sứ Jean-Christophe Peaucelle, cố vấn các vấn đề tôn giáo của Âu châu,
bà Emmanuelle Pavillon-Grasser, tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn, và bà Candice
Ragot, thành viên tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội.
Nhiều thành viên chủ chốt của Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã
tham dự cuộc gặp mặt, ông Peaucelle bày tỏ mong muốn tìm hiểu về hội đồng và
tình hình tôn giáo tại Việt Nam, trong khi đại diện của phía Việt Nam trình bày
về thực trạng chung của tự do tôn giáo ở quốc gia độc đảng.
Ông Lê Quang Hiển, đại diện Phật giáo Hoà hảo và là thư ký
của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, cho biết đây là cuộc gặp mặt đầu tiên với phái
đoàn ngoại giao Pháp. Cách đây mấy năm hội đồng có gặp phái đoàn Liên hiệp Âu
châu nhưng không có nước Pháp. Theo ông Hiển, trong buổi chiều cùng ngày, phái
đoàn có gặp gỡ đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở chùa Từ Hiếu -
Sài Gòn.
Cần biết là Hội đồng Liên tôn Việt Nam là một tổ chức đấu tranh cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Thành viên của hội đồng là chức sắc cao cấp của nhóm tôn giáo độc lập như Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hội thánh Tin Lành, Phật giáo Hoà Hảo Chơn truyền, và Cao Đài 1926.
2/ HAI TỔ CHỨC QUỐC TẾ KÊU GỌI VN
TRẢ TỰ DO CHO TNLT TRƯƠNG VĂN DŨNG
Vào hôm qua 12/7, hai tổ chức quốc tế là Giám sát Nhân quyền và Ân xá
Quốc tế ra thông cáo kêu gọi bạo quyền VN hãy trả tự do cho nhà đấu tranh
Trương Văn Dũng, còn gọi là Trương Dũng, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay.
Cần biết là vào ngày 28/3 vừa qua, bạo quyền Hà Nội kết án
ông Trương Văn Dũng 6 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CSVN”.
Cáo trạng nói rằng ông Dũng trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài và tàng trữ
sách lậu.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Á châu của Giám
sát Nhân quyền, nhắc lại là nhà đấu tranh Trương Văn Dũng chỉ thực hiện các
quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa. Ông Dũng tham gia các cuộc
biểu tình về các chính sách của VN đối với Trung Cộng, hoạt động về các vấn đề
môi trường và đất đai, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải chấm dứt tham nhũng và tôn
trọng nhân quyền.
Ông Dũng cũng từng công khai tẩy chay những cuộc bầu cử vì
cho rằng không hề được tự do bầu cử cũng như không công bằng. Ông cũng giúp đỡ
về mặt tài chính và những hỗ trợ khác cho các tù chính trị, những người khiếu
kiện đất đai và gia đình họ…
Bản thân ông Trương Văn Dũng từng trải qua nhiều sách nhiễu
của công an, bị đe dọa, câu lưu và cấm đi lại nhiều lần.
Bà Ming Yu Hah, phó giám đốc khu vực Á châu của Ân xá Quốc
tế, cho rằng giới chức trách Việt Nam đã lạm dụng hệ thống tư pháp để đàn áp các
tiếng nói bất đồng. Hoạt động trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài không thể bị
án tù.
Nhóm công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp quốc cho rằng việc bắt giữ ông vi phạm các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết.
3/ HOA KỲ LẠI KÊU GỌI TRUNG CỘNG
NGỪNG QUẤY RỐI Ở BIỂN ĐÔNG
Hoa Kỳ lại kêu gọi Trung Cộng ngừng các hành vi quấy rối các tàu thuyền
ngoại quốc ở Biển Đông, tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với phán quyết
trọng tài quốc tế vào năm 2016 mà Trung Cộng không công nhận.
Cần biết phán quyết do tòa án Trọng tài Quốc tế ở The Hague
đưa ra vào 7 năm trước, nội dung kết luận là tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông, nơi hàng
hóa vận chuyển bằng đường biển có trị giá khoảng 3 ngàn tỷ đôla lưu thông mỗi
năm, là hoàn toàn vô căn cứ.
Trong một tuyên bố hôm 11/7, phát ngôn nhân bộ ngoại giao
Hoa Kỳ Matthew Miller nói rằng phán quyết đó là cuối cùng và ràng buộc về mặt
pháp lý đối với Philippines và Trung Cộng, đồng thời kêu gọi Trung Cộng phải tuân
thủ các yêu sách hàng hải của mình theo luật pháp quốc tế.
Ông Miller cũng kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hành vi cản
trở chủ quyền của các quốc gia trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản
lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời chấm dứt sự can thiệp của họ đối với quyền
tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực.
Tuy nhiên phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng tuyên bố
trong một cuộc họp báo thường kỳ là với phán quyết của mình, tòa quốc tế đã vi
phạm nguyên tắc được sự đồng ý của nhà nước, vượt quá thẩm quyền xét xử vụ việc
và làm sai luật.
Để đánh dấu ngày phán quyết của trọng tài tròn 7 năm, bộ ngoại
giao Philippines hôm 12/7 đã ra mắt một trang mạng chuyển tải những thông tin
chính thức về chiến thắng pháp lý của Manila trước Bắc Kinh.
Thứ trưởng ngoại giao Phi Theresa Lazaro phát biểu tại một diễn đàn về Biển Đông là nước Phi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực cố tình làm suy giảm hiệu lực pháp lý của phán quyết trong luật pháp quốc tế. Bà Lazaro nói thêm là phán quyết đó không còn có thể tranh cãi và không thể thỏa hiệp.
4/ BẮC HÀN PHÓNG PHI ĐẠN LIÊN LỤC ĐỊA SAU KHI ĐE DỌA HOA KỲ
Giới
chức Nhật Bản và Nam Hàn vào hôm qua cho biết Bắc Hàn đã bắn một phi đạn liên
lục địa, bay hơn một tiếng đồng hồ trước khi rơi xuống vùng biển nước Nhật.
Vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn diễn ra sau
khi nước này đe dọa trả đũa các cáo buộc là các máy bay dọ thám Hoa Kỳ đã xâm
phạm lãnh thổ gần đây của họ. Vào đầu tuần này, Bắc Hàn lên tiếng sẽ bắn hạ
những máy bay này.
Hoa Kỳ lập tức bác bỏ các cáo buộc nói trên
và nói rằng các cuộc tuần tra quân sự của họ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Những lo ngại về an ninh đã gia tăng trên
bán đảo Triều Tiên trong năm nay, sau khi Bắc Hàn thử nghiệm vũ khí mới. Bắc
Hàn cũng tiến hành một lượng kỷ lục các vụ phóng phi đạn trong năm 2022, gồm cả
những phi đạn có khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ.
Để đáp trả, Hoa Kỳ và Nam Hàn đã tăng
cường các cuộc tập trận quân sự chung quanh bán đảo Triều Tiên.
Cho đến nay, bất chấp các nghị quyết lên
án của LHQ, Bắc Hàn vẫn tiếp tục các vụ phóng phi đạn, với vụ phóng vào tháng 4
vừa qua mà Bắc Hàn mô tả là “phi đạn mạnh nhất" cho đến nay.
Giới chức Nam Hàn và Hoa Kỳ đã gặp nhau ngay sau vụ phóng phi đạn hôm thứ Tư, đưa ra tuyên bố theo đó nhắc lại việc phòng thủ chung được tăng cường của hai nước. Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol từ Lithuania, nơi ông đang tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp hội đồng an ninh quốc gia.
No comments:
Post a Comment