Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Vân Hà & Hải Nguyên
1) SINH VIÊN TRẦN HOÀNG PHÚC RA TÙ
Theo tin từ bà Huỳnh
Thị Út, con trai bà là sinh viên Trần Hoàng Phúc đã về tới nhà vào sáng ngày
1/7/2023, sau 6 năm tù giam. Xe của cán bộ Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương)
chở Phúc từ nhà tù tới UBND phường 3, quận Tân Bình, Sài Gòn để “bàn giao”,
trước khi chở về nhà vì Phúc còn 4 năm quản chế. Đây là hình thức giam lỏng tại
nhà nhằm tiếp tục khủng bố, cầm tù những người đấu tranh đòi dân chủ, một thứ
luật pháp chỉ có ở những chế độ độc tài.
Trần Hoàng Phúc bị bắt
năm 2017 cùng hai nhà hoạt động nhân quyền khác là Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn
Điển. Cả ba bị kết án vào năm 2018 trong một phiên tòa chóng vánh, với cáo buộc
“Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Ông Vũ Quang Thuận bị kết án 8
năm tù giam, 5 năm quản chế; Trần Hoàng Phúc bị kết án 6 năm tù giam, 4 năm
quản chế và Nguyễn Văn Điển bị kết án 6 năm 6 tháng tù giam, 4 năm quản chế vì
các hoạt động tranh đấu cho tự do, dân chủ.
Khi bị bắt, Trần Hoàng
Phúc đang là sinh viên trường Đại học Luật tại Sài Gòn và là thành viên của
YSEALI (Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á) một tổ chức do Tổng Thống Obama
thành lập. Anh là một trong những nhà bất đồng chính kiến được Tổng thống Obama
mời tham dự buổi gặp mặt nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 /2016 nhưng đã
bị an ninh CSVN bắt cóc, ngăn chặn.
2) TNLT VŨ QUANG THUẬN MẮC BỆNH TRONG TÙ
Thông tin đài ĐLSN
nhận được cho hay ông Vũ Quang Thuận, người nổi tiếng với biệt hiệu Võ Phù
Đổng, hiện đang mắc bệnh lao trong tù. Ông Thuận không được Trại giam đưa đến
bệnh viện thăm khám hay chữa trị. Theo quy định của pháp luật hiện hành, mỗi
tháng, tù nhân được thăm gặp một lần và được gọi điện thoại về nhà ít nhất là 5
phút. Tuy nhiên, ông Thuận chỉ được gọi điện thoại về nhà mỗi tháng một lần và
chỉ vỏn vẹn trong 2 phút.
Ông Vũ Quang Thuận, 57
tuổi, bị bắt năm 2017 và bị kết án 8 năm tù giam, 4 năm quản chế vào năm 2018
cùng với hai nhà hoạt động nhân quyền khác là Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng
Phúc. Ông Vũ Quang Thuận là đồng sáng lập phong trào Chấn Hưng Nước Việt với
mục tiêu vận động ôn hòa cho thể chế dân chủ đa đảng tại Việt Nam. Hiện cả hai
anh Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đều đã ra tù.
Trong thời gian làm
việc ở Malaysia, cả Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển có nhiều hoạt động bảo vệ
quyền lợi cho công nhân người Việt xuất khẩu lao động tại đất nước này. Cả hai
từng bị đưa ra tòa xét xử và sau đó bị trục xuất về Việt Nam năm 2011.
Được biết, hoàn cảnh
gia đình ông Vũ Quang Thuận rất éo le. Mẹ ông Vũ Quang Thuận đã ngoài 80 tuổi
và hiện đang sống trong một căn phòng trọ tại Hà Nội với một người con trai
khác. Em trai ông Thuận là một lao động tự do, công việc không ổn định nên kinh
tế gia đình khó khăn, việc thăm nuôi ông Thuận rất hạn chế.
3) NĂM NGƯỜI BỊ “TRUY NÃ ĐẶC BIỆT” LIÊN QUAN
VỤ NỔ SÚNG TẠI ĐẮK LẮK
Công an tỉnh Đắk Lắk
đã ra quyết định “truy nã đặc biệt” năm người bị tình nghi tấn công trụ sở Uỷ
ban nhân dân hai xã Ea Ktur, Ea Tiêu vào sáng 11/6.
Cả năm người đều bị
khởi tố với tội danh cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, theo
điều 113 - Bộ luật hình sự. Những người bị “truy nã đặc biệt” gồm Y Khing Liêng
(31 tuổi, trú xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk); Y Jũ Niê (55 tuổi,
trú Buôn Kang, Ea Knuêc, Krông Pắk, Đắk Lắk); Nay Tam (49 tuổi), Nay Dương (55
tuổi), Nay Yên (53 tuổi), cùng trú xã Cư Pơng (Krông Búk, Đắk Lắk).
Tính đến ngày 23/6, có
86 người bị bắt giam và khởi tố trong đó có 75 người bị cáo buộc tội danh
“khủng bố chống chính quyền nhân dân”. Các tin tức được truyền thông quốc doanh
loan tải đều cho thấy những người bị bắt đều là người Thượng. Bộ Công an CSVN
khẳng định đây là vụ khủng bố có liên quan đến một tổ chức tại Mỹ nhưng không
nêu đích danh tên của tổ chức nào.
Trả lời phỏng vấn các
cơ quan truyền thông độc lập, các tổ chức của người Thượng đều phủ nhận sự liên
quan đến vụ tấn công trên và bày tỏ quan điểm lên án bạo lực.
4) TỔNG THỐNG MACRON
HỦY CHUYẾN THĂM ĐỨC VÌ BẠO LOẠN TRONG NƯỚC
Tổng thống Macron đã
phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, dự kiến bắt đầu vào Chủ nhật vì các
cuộc biểu tình đã trở thành bạo loạn làm rung chuyển nước Pháp.
Làn sóng biểu tình tại
Pháp được khơi mào sau cái chết của một thiếu niên gốc Algérie và Ma-rốc. Nạn
nhân là Nahel, 17 tuổi, đã bị cảnh sát bắn khi bị chặn xe để kiểm tra hôm thứ
Ba (27/6) ở khu ngoại ô Nanterre của Paris. Hình ảnh được video ghi lại.
Cảnh sát Pháp bị cáo
buộc “phân biệt chủng tộc” và Tổng thống đã phủ nhận có sự phân biệt chủng tộc
có hệ thống trong các cơ quan thực thi pháp luật của Pháp.
Hàng chục cửa hàng bị
cướp phá, hôi của, và 2.000 xe cộ bị đốt cháy kể từ khi các cuộc bạo loạn bắt
đầu và lan sang các thành phố như Marseille, Lyon, Toulouse, Strasbourg và
Lille.
Ít nhất 1.311 người đã
bị bắt trong đêm 30/6, mặc dù theo như Bộ Nội vụ Pháp nói “cường độ bạo lực có
thấp hơn" so với đêm trước đó, khi có 875 người bị bắt giữ.
No comments:
Post a Comment