Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ MÃ LAI CÁO BUỘC NGƯ DÂN VIỆT TẤN CÔNG NÊN BẮN TRẢ
Một ngư dân Việt bị cáo buộc dùng mã tấu tấn
công làm một quan chức tuần duyên Mã Lai bị thương nặng, khiến lực lượng Mã Lai
phải bắn trả làm 4 ngư dân Việt bị thương.
Giới chức trách loan tin trên vào ngày hôm
qua 6/7 khi bị chất vấn về vụ này. Theo tường thuật của giới chức Mã Lai, vụ
tấn công trả đũa xảy ra vào hôm thứ Tư 5/7 khi một toán tuần tra Mã Lai bắt giữ
một tàu cá VN với cáo buộc xâm phạm vùng biển Mã Lai.
Vụ bắt giữ xảy ra vào khoảng 11 giờ rưởi sáng tại khu vực
ngoài khơi cách Kuala Terengganu 148 hải lý. Chiếc tàu cá Việt Nam với 16 ngư
dân đã phản ứng kịch liệt khi tấn công vị chỉ huy toán tuần tra Mã Lai khiến
người trưởng toán Shakir Zufayri Azizul bị thương nặng ở đầu. Lực lượng Mã Lai
đã bắn trả khiến thuyền trưởng tàu cá và 3 ngư dân Việt bị thương ở tay và đùi.
Tất cả những người bị thương, gồm trưởng toán tuần tra
Shakir Zufayri Azizul và các ngư dân Việt đều được máy bay đưa đến bệnh viện
Tengku Ampuan Afzan để cấp cứu.
Sau khi xảy ra vụ tấn công, tất cả những người còn lại trên
tàu cá Việt đã bị phía Mã Lai giam giữ và chuyển đến Terengganu để điều tra.
Thống kê của Văn phòng Hàng hải tiểu bang Terengganu ở miền đông Mã Lai cho thấy là kể từ tháng 4 đến nay có gần 370 trường hợp tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của Mã Lai tại các tiểu bang như Pahang, Terengganu và Kelantan. Trong số này có rất nhiều tàu cá Việt Nam.
2/ NGA TRỤC XUẤT 9 NHÀ NGOẠI GIAO PHẦN LAN
Vào hôm qua 6/7, Nga thông báo trục xuất 9 nhà ngoại giao
Phần Lan, nước láng giềng của họ và là thành viên mới nhất của NATO, trong một hành
động “ăn miếng trả miếng” vụ Phần Lan trục xuất 9 nhà ngoại giao Nga với cáo
buộc làm gián điệp.
Bộ ngoại giao Nga cho biết thêm là đã quyết định đóng cửa tòa
lãnh sự Phần Lan tại St. Petersburg, đồng thời cáo buộc Phần Lan theo đuổi
chính sách đối đầu với Moscow. Trong tuyên bố, bộ ngoại giao Nga lưu ý là việc
thảo luận giao nhập khối NATO của Phần Lan đã gây đe dọa cho nước Nga, và việc
khuyến khích chính phủ Ukraine tham chiến và ủng hộ vũ khí cho nước này là hành
động thù nghịch đối với nước Nga.
Tuyên bố cho biết là hành động này của chính quyền Phần Lan
là không thể tha thứ được. Tuy nhiên tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto gọi
hành động trả đũa của Nga là phản ứng gay gắt và không phù hợp với quyết định
trục xuất giới ngoại giao Nga.
Ông Niinisto cho biết Phần Lan đang chuẩn bị đóng cửa tòa lãnh sự Nga ở Turku.
3/ NGA ĐƯA RA 3 LỰA CHỌN CHO TẬP ĐOÀN ĐÁNH THUÊ WAGNER
Đại sứ Nga tại Indonesia vào hôm 5/7 cho biết là tập đoàn đánh thuê
đang trực diện với 3 lựa chọn mà Nga đưa ra sau vụ nổi loạn bất thành vào cuối
tháng 6 vừa qua.
Theo tuyên bố của ông Lyudmila Vorobieva, các lựa chọn này
gồm có việc ký kết hợp đồng và trở thành một thành viên của bộ quốc phòng Nga,
đổi lại thì ông trùm Yevgeny Prigozhin phải chuyển đến cộng hòa Belarus hoặc về
hưu.
Đại sứ Vorobieva tái khẳng định là nước Nga sẽ không trừng
phạt hay bắt giam các thành viên của Wagner bởi vì đa số bọn họ không biết
chuyện gì đã xảy ra.
Theo bà Vorobieva, sở dĩ Nga đưa ra các lựa chọn đó cho
Wagner là bởi vì Moscow đánh giá cao những đóng góp của họ trong chiến dịch xâm
lược tại Ukraine.
Mặt khác bà cũng lên án hành động nổi loạn. Nhà ngoại giao
Nga nhấn mạnh vụ nổi loạn là một tình huống rất nguy hiểm, bởi vì bất cứ một vụ
nổi loạn vũ trang nào đều kéo theo những đau khổ và bi kịch cho đất nước.
Bà cho biết vụ nổi loạn của Wagner nhanh chóng bị dập tắt,
một phần là vì đa số thành viên của lực lượng này không ủng hộ một diễn biến
như vậy.
Cần biết là vào tối 23/6, ông trùm Prigozhin bất ngờ cáo
buộc quân đội Nga tập kích phi đạn vào các trại dã chiến của họ ở Ukraine,
khiến nhiều thành viên của lực lượng này thiệt mạng. Khi đó ông tuyên bố sẽ chỉ
huy 25 ngàn binh sĩ Wagner từ chiến trường Ukraine, vượt qua biên giới vào vùng
Rostov ở miền nam nước Nga trong "cuộc tuần hành vì công lý".
Sau khi tấn chiếm các cơ sở quân sự quan trọng của Nga ở
Rostov, lực lượng Wagner tiếp tục hướng đến thủ đô Moscow, buộc Moscow phải ban
bố các biện pháp chống khủng bố. Nhưng đến tối 24/6, ông Prigozhin ra lệnh cho
lực lượng Wagner ngưng tiến quân, rút khỏi các cơ sở quân sự chiếm đóng và quay
trở về căn cứ.
Đến nay hành tung của ông trùm Prigozhin vẫn rất bí ẩn.
Truyền thông Nga loan tin là vào ngày 4/7, ông này đã từ Belarus trở về thành
phố St.Petersburg để nhận lại vũ khí bị
tịch thu trong một cuộc đột kích trụ sở Wagner trước đó.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào hôm qua cũng xác nhận là ông Prigozhin đang ở St. Petersburg.
4/ MƯA LỚN Ở TRÙNG KHÁNH KHIẾN HÀNG CHỤC NGƯỜI CHẾT
Tính đến cuối ngày 5/7, các trận mưa như trút
nước kể từ ngày 3/7 đã khiến ít nhất 20 người chết và mất tích ở thành phố
Trùng Khánh.
Những trận mưa lớn trong tuần qua đã gây ra
lũ lụt kinh hoàng và thảm họa địa chất, gây gián đoạn cuộc sống của hàng triệu
người ở các quận huyện và làm hư hại hàng chục ngàn mẫu hoa màu.
Mưa lớn còn khiến 50 ngôi nhà bị sập và 112 ngôi nhà bị hư
hỏng, với mức thiệt hại kinh tế lên đến vài chục triệu Mỹ kim.
Ngoài ra tại tỉnh Tứ Xuyên, nhà cầm quyền cho hay gần nửa
triệu người đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn trong tháng này. Giới chức cho biết
khoảng 85 ngàn người đã phải di tản do
mưa lớn, với lũ quét ở các khu vực miền núi và lở đất có thể xảy ra ở một số
khu vực" của Hoa Lục trong tuần này.
Bộ tài nguyên Trung Cộng cũng đưa ra các biện pháp ứng phó lũ lụt khẩn cấp cho khu vực Nội Mông và các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Chủ tịch Tập Cận Bình vào hôm 5/7 đã ra lệnh nhà cầm quyền các cấp ưu tiên cho việc bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.
No comments:
Post a Comment