Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải
1) VỤ ĐẮC LẮC: CÔNG AN CỘNG SẢN BẮT BA NGƯỜI BỊ TRUY NÃ ĐẶC BIỆT
Thêm ba người dân tộc thiểu số bị bắt với cáo buộc
tham gia vào cuộc tấn công trụ sở xã tại huyện Cư Kuin hôm 11/6 khiến 9 người
thiệt mạng.
Công an tỉnh Đắk Lắk loan tin, cả 3 đều là những người
trốn truy nã đặc biệt và bị bắt khi đang lẩn trốn tại một khu rẫy vắng thuộc
thôn 11 (xã Ea Lê, huyện Ea Súp).
Những người bị bắt giữ gồm:
Y Ju Niê (SN 1968, ngụ xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk),
Nay Yên (SN 1970, ngụ xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) và Nay Tam (SN 1974, ngụ xã
Cư Pơng, huyện Krông Búk). Cả ba bị cho là thuộc nhóm sáu người trực tiếp tham
gia vụ tấn công kể trên và bị Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định truy nã đặc biệt
về tội danh "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", quy định tại
Điều 113 Bộ luật hình sự.
Tính đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 90 người
với nhiều tội danh khác nhau, chủ yếu là cáo buộc “Khủng bố nhằm chống chính
quyền nhân dân”.
2)
BÀ NGUYỄN THỊ THANH NHÀN BỊ ĐỀ NGHỊ TRUY TỐ VỤ ÁN THỨ 3
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC, bị đề nghị
truy tố trong vụ án thứ ba với cáo buộc gây thiệt hại 50 tỷ đồng trong dự án đấu
thầu ở Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh từ năm 2014.
Cuối năm 2022, bà Nhàn bị kết án vắng mặt 30 năm tù
giam trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện
Đa khoa Đồng Nai.
Vào giữa tháng 4, nữ đại gia khét tiếng tiếp tục bị Bộ
Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh
học tại Sài Gòn.
Cùng bị đề nghị truy tố trong vụ án này còn có anh
trai bà Nhàn là ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc
Hưng và 14 người khác.
Cơ quan điều tra xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và
các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời gian xảy ra những sai phạm tại Quảng
Ninh, ông Phạm Minh Chính, đương kim Thủ tướng, đang là Bí thư tỉnh Quảng Ninh.
Trước khi có lệnh bắt tạm giam, bà Nguyễn Thị Thanh
Nhàn đã kịp bỏ trốn và hiện chưa rõ tung tích.
Bà Nhàn nổi tiếng với trò là người môi giới trong các
thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel từ hơn 10 năm qua.
3)
TỔ CHỨC THEO DÕI NHÂN QUYỀN LÊN ÁN BẢN ÁN 6 NĂM TÙ ĐỐI VỚI ÔNG TRƯƠNG VĂN DŨNG
Ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm tuyên y án 6 năm tù đối
với ông Trương Văn Dũng hôm 13/7, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã lên tiếng
phản đối và kêu gọi chính phủ VN phóng thích nhà hoạt động này.
Ông Trương Văn Dũng, 65 tuổi, bị cáo buộc “Tuyên truyền
chống nhà nước”. Bản cáo trạng nói rằng ông tàng trữ cuốn sách “Những mảnh đời
sau song sắt” của cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên, cuốn “Chính trị bình dân” của nhà
báo Phạm Đoan Trang cùng nhiều băng rôn, biểu ngữ có nội dung “chống nhà nước
CHXHCN Việt Nam”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của tổ chức
Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng “Điểm mấu chốt
là, tại Việt Nam, không có công lý tại các tòa án do chính phủ kiểm soát đối với
bất kỳ ai bị cáo buộc phạm tội chính trị”.
“Ông Trương Văn Dũng đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống suy thoái môi trường, chống chiếm đoạt đất đai và tham nhũng, đáng được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù”.
4)
TƯỚNG MARK MILLEY TUYÊN BỐ CẦN TĂNG TỐC GIAO VŨ KHÍ CHO ĐÀI LOAN
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng
liên quân Mỹ, nói với báo giới trong chuyến thăm Tokyo rằng “tốc độ mà Hoa Kỳ
hoặc các quốc gia khác hỗ trợ Đài Loan cải thiện khả năng phòng thủ có lẽ cần
phải tăng tốc trong những năm tới”. Việc Mỹ và đồng minh cần đẩy nhanh việc
cung cấp vũ khí cho Đài Loan được vị tướng này kêu gọi, nhằm giúp đảo quốc này
tự vệ trước mối đe dọa sử dụng vũ lực của Trung cộng.
Kể từ năm ngoái, Đài Loan đã phàn nàn về sự chậm trễ
trong việc chuyển giao vũ khí của Hoa Kỳ.
Đài Loan cho biết chi tiêu quốc phòng trong năm nay sẽ
tập trung vào việc chuẩn bị vũ khí và thiết bị cho một “cuộc phong tỏa toàn diện”
của Trung cộng, bao gồm các bộ phận của máy bay chiến đấu F-16 và bổ sung vũ
khí.
No comments:
Post a Comment