Monday, July 24, 2023

Tin Tức: Thứ Hai 24.07.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, Vân Hà & Hải Nguyên mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.

1/ THÁI LAN BIỂU TÌNH ỦNG HỘ THỦ LÃNH ĐẢNG TIẾN LÊN

Hàng trăm người ủng hộ nền dân chủ ở Thái Lan đã xuống đường biểu tình vào hôm qua 23/7 để ủng hộ ông Pita Limjaroenrat, thủ lãnh đảng Move Forward (Tiến Lên), sau khi ông này bị loại bỏ tư cách đại diện quốc hội.

Đảng Tiến Lên đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 5 sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ cho các chính sách chính trị, bao gồm cải cách quân đội, chấm dứt độc quyền kinh doanh và sửa đổi luật xúc phạm hoàng gia, bảo vệ chế độ quân chủ hùng mạnh khỏi bị chỉ trích.

Quốc hội đã hai lần ngăn chặn ông Pita 42 tuổi, tốt nghiệp đại học Harvard, trở thành thủ tướng. điều mà những người ủng hộ ông cho biết là các quy tắc không công bằng. Người biểu tình cho biết là sẽ tiếp tục đấu tranh trong khi đám đông hô vang “Pita! Pita”.

Các chính sách của đảng Tiến Lên đã khiến người ủng hộ lâm vào tình thế xung đột với quân đội bảo hoàng, giới giàu có và các thế lực bảo thủ của Thái Lan. Liên minh tám đảng bao gồm đảng dân túy Pheu Thai đã kiểm soát đa số hạ viện 500 ghế.

Theo hiến pháp do quân đội đặt ra, thủ tướng tiếp theo phải giành được hơn một nửa số phiếu bầu trong lưỡng viện quốc hội, bao gồm 249 thành viên thượng viện do tập đoàn quân phiệt bổ nhiệm sau cuộc đảo chánh vào năm 2014.

Một cuộc bỏ phiếu khác về chức vụ thủ tướng dự trù sẽ diễn ra vào thứ Năm 27/7 khi đảng Pheu Thai trong liên minh Tiến Lên sẽ đề nghị một ứng viên thủ tướng mà phần lớn được kỳ vọng là ông trùm bất động sản Srettha Thavisin.

2/ PHE HUN SEN TUYÊN BỐ THẮNG CỬ VÌ KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ

Gần 10 triệu cử tri Campuchea vào hôm qua 23/7 đã đi bầu 125 đại biểu quốc hội cho nhiệm kỳ 5 năm tới, với đảng cầm quyền Nhân dân Campuchea của ông Hun Sen đã tuyên bố thắng cử vì không có đảng đối lập nào được phép ra tranh cử.

Sau 38 năm điều hành đất nước, ông Hun Sen 70 tuổi sẽ lùi vào hậu trường nhường quyền lại cho người con trai cả là ông Hun Manet 45 tuổi. 

Các phòng phiếu tại Camphuchea đã đóng cửa vào 3 giờ chiều hôm qua và kết quả chính thức sẽ được công bố vào hôm nay. Ủy ban Tuyển cử Campuchea cho biết vào lúc 1 giờ chiều, đã có 74 % tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu, một tỷ lệ thấp hơn so với cuộc bầu cử lần trước vào năm 2018.

Ba ngày trước cuộc bầu cử, ông Hun Sen loan báo là trên nguyên tắc, chỉ vài tuần nữa thì người trưởng nam của ông sẽ trở thành thủ tướng Campuchea. Đây là lần đầu tiên mà ông Hun Manet ra tranh cử ghế dân biểu quốc hội để đủ tư cách trở thành thủ tướng.

Các cộng sự viên lâu đời của ông Hun Sen từ nhiều năm qua đã không che dấu là họ đang chuẩn bị cho một sự chuyển giao quyền lực theo kiểu “cha chuyền con nối” tại xứ Chùa Tháp.

Vào thứ Sáu tuần trước, ông Hun Sen đã nêu lên khả năng này. Trả lời một cơ quan truyền thông Trung Cộng, thủ tướng Campuchea tuyên bố ông Hun Manet, nếu như các điều kiện được hội đủ, có thể trở thành thủ tướng chỉ trong từ ba đến bốn tuần lễ nữa mà thôi.

3/ NGA OANH KÍCH NHÀ THỜ CHÍNH THỐNG GIÁO Ở CẢNG ODESSA

Hải cảng Odessa thuộc miền nam Ukraine tiếp tục bị oanh kích vào đêm 22 rạng sáng 23/7, với nhà thờ Chính thống giáo, một di sản của UNESCO, đã bị phá hủy. Nga khẳng định đã nhắm vào các mục tiêu đang “chuẩn bị tiến hành khủng bố chống lại nước Nga”.

Theo thống kê của bộ nội vụ Ukraine, trong đêm đó Nga đã bắn 19 phi đạn nhắm vào hải cảng Odessa làm hai người chết, 22 người khác bị thương, trong đó có 4 em nhỏ. Nhà thờ lớn Spaso Preobrazhenskyi được đặt dưới sự bảo trợ của UNESCO, đã bị oanh kích.

Tổng thống Zelensky lên ánquân khủng bố Nga, nhắm vào một thành phố yên bình, vào những khu chung cư và nhà thờ”. Đây là đợt oanh kích thứ nhì nhắm vào Odessa trong 24 giờ qua.

Tại bán đảo Crimea cũng ở khu vực miền nam Ukraine, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định đây là một mục tiêu phản công, quân đội Ukraine xác nhận đã tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào một kho đạn Nga. Dân cư chung quanh khu vực này đã phải di tản, giao thông trên cây cầu Kerch nối Nga với bán đảo Crimea, bị gián đoạn trong vài giờ. 

Cây cầu Kerc bị tấn công, sau đó đến lượt một kho xăng và kho đạn dược. Đấy là chưa kể đến một vụ hỏa hoạn đã bùng lên tại một căn cứ quân sự của Nga. Tuy không lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng quân đội Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào rất sâu vào hậu phương của Nga.

Về mặt quân sự, các đợt tấn công tại Crimea nhằm chận đường tiếp vận của quân đội Nga cho các mặt trận ở miền nam Ukraine. Chiến lược đó đến nay đã đem lại một số thành công, nhưng chưa cho phép chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga.

Trong bối cảnh Ukraine đang gặp khó khăn trong việc chiếm lại các lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng, nhiều tiếng nói kêu gọi mở cuộc đàm phán. Nhưng Ukraine liên tục khẳng định hòa bình chỉ được vãn hồi, một khi toàn bộ lãnh thổ Ukraine được giải phóng, kể cả bán đảo Crimea bị Moscow chiếm đoạt từ năm 2014.

4/ KHỦNG HOẢNG IRAN – THỤY ĐIỂN VÌ VỤ ĐỐT KINH KORAN

Trong thông cáo đưa ra vào hôm thứ Bảy 22/7, Giáo chủ Ali Khamenei của Iran tuyên bố thu hẹp bang giao với chính phủ Thụy Điển vì vụ đốt kinh Koran ở thủ đô Stockholm.

Nhà lãnh đạo tối cao Iran lên án Thụy Điển đã dung túng kẻ xúc phạm đến kinh Koran và đòi Thụy Điển trao trả “tội nhân” này cho một quốc gia Hồi giáo xét xử.

Giáo chủ Ali Khamenei, trong một thông cáo khẳng định người tỵ nạn Iraq đã báng bổ kinh Koran, xứng đáng để chịu hình phạt nghiêm ngặt nhất'. Ông đòi trao trả kẻ này cho một quốc gia Hồi giáo để xét xử. Thậm chí Giáo chủ Iran còn đi xa hơn khi lên án thái độ của chính quyền Thụy Điển, mà theo ông là 'ủng hộ tội ác' khi Thụy Điển giữ thái độ thù nghịch với thế giới Hồi giáo.

Cần biết là mối bang giao phức tạp giữa Thụy Điển và Iran xuất phát từ vụ một công dân Iran Hamid Nouri bị kết án chung thân do tham gia vào các vụ hành quyết đối lập Iran khi chiến tranh giữa Iran và Iraq kết thúc. Vụ đốt kinh Koran lần này chắc chắn lại càng khiến quan hệ với Thụy Điển và các nước phương Tây càng tồi tệ thêm.

Quan hệ giữa Iran và phương Tây vốn gặp khó khăn vì các chương trình hạt nhân, phi đạn và chế tạo máy bay không người lái tiếp tay cho Nga trong cuộc chiến Ukraine.

Iran cũng đang bắt giữ khoảng 20 công dân châu Âu và nhiều người song tịch về đủ cáo buộc.

 

No comments:

Post a Comment