Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1) HÒA THƯỢNG THÍCH VĨNH PHƯỚC BỊ CÔNG AN SÁCH NHIỄU
Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, trụ chì chùa Phước Bửu
(huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) bị công an tỉnh này mời đi làm việc
hôm 13/7 vì các bài viết đăng trên trang FB cá nhân. Hòa thượng cho biết đây là
lần thứ 3 chỉ trong vài ngày qua, ông bị mời lên trụ sở công an làm việc với lý
do “để trao đổi một số vấn đề về phát ngôn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên
không gian mạng.”
Cụ thể, công an Bà Rịa -Vũng Tàu yêu cầu vị Hòa thượng
này chấm dứt việc chỉ trích nhà cầm quyền địa phương bằng cách ký vào bản cam kết
mà họ đã soạn sẵn. Tuy nhiên Hòa thượng đã từ chối và tuyên bố vẫn tiếp tục bày
tỏ quyền tự do ngôn luận của mình một cách công khai trên mạng xã hội. Trong buổi
làm việc hôm 13/7, công an cũng cáo buộc ông có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi
trả lời phỏng vấn đài Đáp Lời Sông Núi và đài Á Châu Tự Do.
Trong nhiều năm qua, tu sĩ và các Phật tự chùa Phước Bửu
liên tục bị nhà cầm quyền sách nhiễu nhằm ép buộc gia nhập Giáo hội Phật giáo
Việt Nam- tổ chức tôn giáo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quản lý.
Vào tuần trước, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu
TNLT tại Hải Phòng cũng bị công an thành phố này mời đi làm việc liên quan đến
quyền bảy tỏ quan điểm trên mạng xã hội.
2)
TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ ZING NEWS BỊ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG 3 THÁNG
Tạp chí điện tử Zing News sẽ tạm dừng hoạt động trong
ba tháng bắt đầu từ ngày 14/7 sau kết luận thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền
thông Việt Nam. Lý do được đưa ra là tạp chí này đã không thực hiện không đúng
tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, gây ảnh hưởng nghiêm
trọng. Tờ báo này đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính với tổng số
tiền 243,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí được cấp
năm 2020.
Bộ Thông tin và Truyền thông kết luận Zing News đã
“đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng và quy kết tội
danh khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, “cải
chính, xin lỗi không đúng thời điểm quy định trên một số bài viết”, “đồng thời
không xây dựng chuyên mục riêng tại trang chủ của Tạp chí điện tử để thực hiện
cải chính, xin lỗi”.
Đây không phải là lần tiên một cơ quan báo chí quốc
doanh bị tạm đình bản tại Việt Nam.
Hiện chưa rõ nguyên nhân chính dẫn đến việc trang tin
điện tử này bị đình bản. Một số nguồn tin cho rằng, Zing News bị răn đe vì có
lúc không ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga trong phần tin bình luận quốc tế.
Việt Nam hiện đang xếp hạng 178 trong số 180 quốc gia
về tự do báo chí năm 2023 theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), chỉ
trên Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Theo Bộ TT&TT, tính đến tháng 5/2022, Việt Nam có
815 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 677 tạp chí, trong đó 29 cơ quan chỉ hoạt
động ở định dạng điện tử.
Tất cả các cơ quan báo chí của Việt Nam đều chịu quản
lý, chỉ đạo của Nhà nước và mục đích chính là tuyên truyền cho chế độ.
3)
ĐẠI ÁN CHUYẾN BAY GIẢI CỨU: CỰU PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG AN HÀ NỘI KHAI NHẬN MÔI GIỚI
HỐI LỘ VÌ “THƯƠNG NGƯỜI”
Sáng 13-7, hội đồng xét xử phiên tòa vụ án “chuyến bay
giải cứu” bắt đầu thẩm vấn nhóm bị cáo liên quan kế hoạch “chạy án” hơn 2 triệu
Mỹ kim. Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị cáo buộc “Môi giới hối
lộ”, nhận 42,8 tỉ đồng để "chạy án" cho hai người trong vụ chuyến bay
giải cứu. Ông này khai nhận đã nhiều lần chuyển tiền cho Hoàng Văn Hưng, cựu
Trưởng phòng Điều tra, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an "chạy án"
giúp nữ doanh nghiệp thoát tội.
Điều đáng nói là sếp trùm công an Hà Nội thừa nhận
hành vi môi giới hối lộ nhưng lý giải rằng do tình cảm “yêu người, thương người”
nên mới nhận chạy án. Viên tướng này khóc nức nở tại tòa và xin giảm nhẹ hình
phạt vì “đã 62 tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư thực quản”.
Phiên tòa sơ thẩm vụ Đại án “chuyến bay giải cứu” được bắt đầu từ hôm 11/7, tại Hà Nội. Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài một tháng. Có 54 bị cáo, trong đó hơn một nửa là cựu quan chức cao cấp của bảy bộ ngành và địa phương bị đưa ra xét xử.
4)
UKRAINE ĐƯỢC MIỄN ÁP DỤNG “KẾ HOẠCH HÀNH
ĐỘNG THÀNH VIÊN” ĐỂ CHUẨN BỊ GIA NHẬP NATO
Các thành viên NATO ra một thông cáo chung tại hội nghị
thượng đỉnh ở Vilnius, Litva, để miễn áp dụng “Kế hoạch Hành động Thành viên”
(MAP) cho Ukraine, vốn là một bước chuẩn bị chính thức trước khi gia nhập liên
minh. Tuyên bố công nhận “tiến bộ đáng kể” mà Ukraine đạt được trong việc ban
hành các cải cách dân chủ và quân sự. Bỏ qua MAP có nghĩa là Ukraine có thể gia
nhập NATO “khi các Đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng.”
Thông cáo cũng nói “các chính sách mang tính cưỡng ép” của Trung cộng thách thức an ninh của các nước NATO, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Khi các quốc gia cam kết tăng hỗ trợ cho Ukraine, tuyên bố cũng nhắc lại cam kết đầu tư 2% GDP hàng năm cho quốc phòng. Tổng thư ký Jens Stoltenberg ca ngợi các kế hoạch phòng thủ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh là kế hoạch “toàn diện” nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.
No comments:
Post a Comment