Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ VỤ NỔ SÚNG Ở ĐẮC LẮC: CÔNG AN TRUY NÃ ÔNG Y HUAL ÊBAN
Công an tỉnh Đắc Lắc vào hôm qua ra lệnh truy nã thêm ông Y Hual Êban 53
tuổi cư ngụ tại thị trấn Ea Pốk, huyện M’gar. Ông này được cho là có liên quan
đến vụ tấn công hai đồn công an tại huyện Cư Kuin vào rạng sáng ngày 11/6.
Trước đó, ông Y Huăl Êban đã bị truy tố với cáo buộc “khủng
bố chống nhà nước”.
Cần biết là vào ngày 1/7 vừa qua, công an tỉnh Đắc Lắc
thông báo truy nã đặc biệt 5 người là ông Y Khing Liêng 31 tuổi, Y Jũ Niê 55
tuổi, Nay Tam 49 tuổi, Nay Dương 55 tuổi và Nay Yên 53 tuổi. Că năm người này
cũng bị truy tố với cùng cáo buộc như ông Y Hual Êban.
Như tin đã loan, vào rạng sáng ngày 11/6 vừa qua hai nhóm
gồm khoảng 40 người có trang bị súng đạn và dao búa đã tấn công vào hai đồn
công an Ea Tiêu và Ea Ktur. Đây là nơi giáp ranh với tỉnh Mondulkiri của
Campuchia. Vụ tấn công đã khiến 9 người thiệt mạng, bao gồm 4 công an, hai quan
chức xã và 3 người dân.
Sau vụ nổ súng, công an đã được huy động để truy bắt những
người bị tình nghi có liên quan đến vụ việc. Những hình ảnh lan truyền trên
mạng xã hội cho thấy nhiều người Thượng bị trói, bị đánh đập đến thương tích
trong quá trình bị bắt.
Trong thông báo ngày 23/6, bộ công an VN tiếp tục khẳng định vụ tấn công có liên quan đến cá nhân và tổ chức ở nước ngoài.
2/ TRUNG CỘNG PHÁT LỆNH TRUY NÃ
CÁC NHÀ DÂN CHỦ HỒNG KÔNG
Cuộc săn lùng các nhà hoạt động dân
chủ ở Hồng Kông không giới hạn trong biên giới của Trung Cộng, với cảnh sát đặc
khu hành chính này đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với 8 nhà hoạt động dân chủ
Hồng Kông đang sống lưu vong tại một số nước.
Giới an ninh Hồng Kông vào hôm qua 4/7 đã phát lệnh truy nã
8 nhà hoạt động đang tị nạn tại Anh, Hoa Kỳ và Úc. Họ là các cựu dân biểu của nghị
viện và lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ tại Hồng Kông.
Những người này bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng luật an
ninh quốc gia, do Bắc Kinh áp đặt từ ngày 30/06 năm 2020, một năm sau khi xảy
ra các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông. Theo mỗi lệnh truy nã, cảnh
sát treo thưởng khoảng 120 ngàn Mỹ kim cho những ai cung cấp thông tin để bắt
được những người này.
Tổng đốc Hồng Kông, Lý Gia Siêu, vào hôm qua kêu gọi 8 nhà
hoạt động dân chủ bị truy nã hãy ra đầu thú nếu không muốn “sống trong sợ hãi”.
Cùng ngày, tòa đại sứ Trung Cộng tại Luân Đôn ra thông cáo chỉ trích nước Anh
đã “bảo vệ”
các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông mà Trung Cộng gọi là những kẻ “trốn chạy”,
đồng thời coi đó là hành động can thiệp vào nội bộ của Trung Cộng.
Cũng vào hôm qua, bộ ngoại giao Úc bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về
lệnh truy bắt nói trên của bạo quyền Hồng Kông. Hiện có 2 trong số 8 người bị
truy nã đang tị nạn tại Úc.
Về phần Washington, trong một thông cáo ra hôm qua, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Mỹ, tuyên bố “việc áp dụng ngoài lãnh thổ bộ luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân trên thế giới”.
3/ MOSCOW LẠI BỊ TẤN CÔNG BẰNG MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI
Bộ quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã
tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Moscow, buộc các
chuyến bay phải chuyển hướng sang phi trường quốc tế Vnukovo.
Năm chiếc drone đã được xử dụng trong
cuộc tấn công vào hôm thứ Ba 3/7 và cũng nhắm mục tiêu vào các địa điểm trong
khu vực rộng lớn hơn xung quanh thủ đô Moscow,
Bộ quốc phòng Nga cho biết tất cả các máy
bay không người lái đã bị bắn hạ và không có thương vong hay thiệt hại. Ukraine
đã không nhận trách nhiệm về vụ tấn công bị cáo buộc.
Các hạn chế tại phi trường Vnukovo, một
trong ba phi trường quốc tế của Moscow, hiện đã được dỡ bỏ. Các chuyến bay từ
Thổ Nhĩ Kỳ, Tiểu vương Ả Rập Thống nhất và Ai Cập nằm trong số những chuyến bay
bị ảnh hưởng.
Theo bộ quốc phòng Nga, bốn trong số các
drone đang bay trong khu vực Moscow đã bị hệ thống phòng không bắn hạ. Một
drone thứ năm đã bị trục trặc kỹ thuật trước khi bị rơi.
Giới truyền thông Nga cho biết một trong
những drone đã bị rơi ở thị trấn Kubinka, cách phi trường Vnukovo ở phía tây
nam khoảng 36 cây số. Một chiếc khác được cho là bị bắn rơi gần làng Valuevo,
cũng gần phi trường.
Đây không phải là cuộc tấn công bằng máy bay
không người lái đầu tiên nhằm vào Moscow. Vào tháng 5 vừa qua, Nga cho biết ít
nhất 8 máy bay không người lái đã gây ra thiệt hại nhỏ.
Đây là lần đầu tiên thành phố bị nhiều
drone nhắm tới kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và xảy ra
sau khi Moscow đổ lỗi cho Kiev về một cuộc tấn công bằng drone vào điện
Kremlin. Ukraine từ chối trách nhiệm cho cả hai vụ việc.
Trong khi đó số người chết trong cuộc tấn công bằng drone của Nga vào thành phố Sumy ở miền bắc Ukraine vào hôm thứ Hai 3/7 đã tăng lên ba người.
4/ NATO GIA HẠN THÊM NHIỆM KỲ CỦA
ÔNG JENS STOLTENBERG
Khối NATO vào hôm thứ Ba 4/7
đã quyết định gia hạn nhiệm kỳ tổng thư ký của ông Jens Stoltenberg thêm một
năm nữa trong lúc chiến tranh đang diễn ra ngay ngưỡng cửa của liên minh thay
vì mất công tìm người kế nhiệm vào lúc này.
Ông Stoltenberg, cựu thủ
tướng Na Uy, là người cầm đầu khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm
2014 và nhiệm kỳ của ông đã được gia hạn ba lần trước đó. Quyết định này có
nghĩa là sự tiếp tục ở cấp cao nhất của NATO khi 31 thành viên của tổ chức này
phải chật vật hỗ trợ Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Moscow, đồng thời tránh xung
đột trực tiếp giữa lực lượng NATO và Nga.
Ông Stoltenberg 64 tuổi
được xem là một nhà lãnh đạo kiên định và kiên nhẫn xây dựng sự đồng thuận.
Quyết định gia hạn nhiệm kỳ của ông đến ngày 1/10 năm 2024 được đưa ra trước
thềm hội nghị thượng đỉnh của khối NATO tại thủ đô Vilnius của Litvia vào tuần
tới.
Ông Stoltenberg cho biết
ông rất vinh dự trước quyết định này. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và giới lãnh đạo các quốc gia
NATO khác cũng hoan nghênh quyết định này.
Giới ngoại giao đánh giá
cao ông Stoltenberg vì đã giữ khối NATO đoàn kết với nhau trong vấn đề Ukraine,
tạo sự cân bằng giữa những người yêu cầu hỗ trợ tối đa cho Kiev và những người
khác kêu gọi thận trọng hơn vì sợ gây ra xung đột toàn cầu.
Ngoại trưởng Ukraine
Dmytro Kuleba nói việc gia hạn của ông Stoltenberg là "một tin tuyệt vời”.
Ông cho biết ở thời điểm khó khăn cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ và Jens
Stoltenberg đã chứng minh điều đó.
Trong số những người được coi là người kế nhiệm tiềm năng của ông Stoltenberg có Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.
No comments:
Post a Comment