Tuesday, July 4, 2023

Putin và bài học của bạo chúa

Bình Luận

Trong lịch sử của Nga, có rất nhiều tiền lệ chiến tranh bên ngoài đưa đến sự sụp đổ của chế độ. Cuộc chiến Ukraine cũng không ngoại lệ và sẽ đưa đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Putin. 

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận do Cù Tuấn biên dịch với tựa đề: “Putin và bài học của bạo chúa” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Cù Tuấn biên dịch

Cuộc khủng hoảng Wagner đã bộc lộ sự bất ổn tiềm ẩn của chế độ Putin và làm lung lay hào quang quyền lực của ông ta. Cuộc khủng hoảng này có thể tạo cơ hội cho một cuộc phản công của Ukraine mà cho đến nay mới chỉ nhích như rùa bò. Nếu quân Nga bị phân tâm do đấu đá nội bộ, Ukraine có thể có cơ hội giành được nhiều thành công hơn trên chiến trường. 

Putin học được điều mà rất nhiều bạo chúa đã học được trước ông ta: Khi bạn thả bầy chó dùng để gây chiến tranh, chúng có thể quay lại cắn trả. Khi cử binh sĩ Nga hành quân đến chiếm Kyiv, ông ta không bao giờ tưởng tượng được rằng 16 tháng sau, nhóm lính đánh thuê nổi loạn Wagner sẽ tiến quân đến Moscow. 

Nhưng khi đó Napoléon không bao giờ tưởng tượng được rằng việc xâm lược nước Nga sẽ dẫn đến việc ông ta bị lưu đày và khôi phục chế độ quân chủ ở Pháp. Hitler không bao giờ tưởng tượng rằng việc xâm lược Ba Lan sẽ dẫn đến việc ông ta phải tự sát và nước Đức bị chia cắt. Saddam Hussein không bao giờ tưởng tượng rằng việc xâm lược Kuwait cuối cùng sẽ dẫn đến việc lật đổ chế độ của ông ta và cái chết của chính ông ta. 

Giống như nhiều chế độ độc tài, chế độ của Putin hóa ra dễ bị tổn thương hơn nhiều so với vẻ cứng rắn bên ngoài. Putin luôn dựa vào kỹ năng của mình trong việc để cho các trung tâm quyền lực cạnh tranh nhau, khiến các đầu não chính trị (và các nhánh khác nhau của chính phủ Nga) chống lại nhau, để ông trở thành trọng tài cuối cùng trong việc ra quyết định. Mô hình đó đã hoạt động tốt trong hai thập kỷ nhưng đang bị phá vỡ do áp lực của một cuộc chiến thất bại đang nghiền nát và hủy hoại quân đội Nga. 

Là một tội phạm từng ngồi tù ở Liên Xô vào những năm 1980 vì tội cướp có vũ trang và các tội danh khác, Prigozhin đã mở một quầy bán xúc xích sau khi ra tù, và biến nó thành một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm thành công cho quân đội Nga. Điều đó dẫn đến một biệt danh mà Prigozhin rất ghét, đó là “Đầu bếp của Putin”. 

Wagner ban đầu không đi tiên phong trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm 2022, nhưng những thất bại của quân đội Nga đã tạo cơ hội cho Prigozhin giành lấy thị phần từ Bộ Quốc phòng Nga. Vị đầu bếp của Putin đã vạch ra một kế hoạch đặc biệt tàn nhẫn và táo bạo bằng cách tuyển dụng những người tù bị kết án từ các nhà tù Nga để sử dụng trong các cuộc tấn công bằng sóng người. Để giữ được bọn tội phạm trong quân đội, Prigozhin đã phát hành một bộ phim về một kẻ được cho là đào ngũ bị hành quyết bằng những nhát búa tạ vào đầu. 

Khi Prigozhin có quyền lực hơn, quyền lực đó dường như đã làm ông trở nên kiêu ngạo, và Prigozhin bắt đầu phát các video trong đó Prigozhin chế nhạo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tướng Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng, coi họ là những kẻ hèn nhát và tội phạm. Prigozhin cáo buộc họ không cung cấp đủ đạn pháo cho lực lượng của mình, phớt lờ thực tế rằng quân đội Nga có kho dự trữ khá hạn chế và thật dễ hiểu khi Bộ Quốc phòng Nga chỉ ưu tiên cấp đạn dược cho quân lính của mình. 

Nhưng trong những ngày gần đây, sự cạnh tranh giữa Wagner và Bộ Quốc phòng đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Đầu tháng này, binh lính của Prigozhin đã bắt được một sĩ quan Nga mà Prigozhin công khai cáo buộc đã nổ súng vào một đoàn xe của Wagner. Vào thứ Sáu 23/6, Prigozhin cáo buộc quân đội Nga đã tấn công một trại lính Wagner, dẫn đến nhiều thương vong, và ám chỉ Shoigu khi nói rằng: “Bọn cặn bã này sẽ bị chặn đứng!” Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã phản ứng vào cuối ngày thứ Sáu bằng cách ban hành lệnh bắt giữ Prigozhin vì tội “kích động nổi loạn vũ trang”. 

Prigozhin không chờ đợi đến khi bị bắt. Giống như Julius Caesar đã băng qua sông Rubicon, quân của Prigozhin hành quân đến Rostov-on-Don vào ngày thứ Bảy và chiếm trụ sở quân đội Nga ở đó mà không cần giao tranh. Cuối ngày, một đoàn xe của Wagner tiến đến Matxcơva trong bối cảnh có báo cáo rằng các con đường đến thủ đô đã bị phong tỏa. 

Để đối phó với mối đe dọa bất ngờ này, Putin đã đi xa đến mức viện dẫn cuộc Cách mạng Nga năm 1917, khi ông nói, “những âm mưu, tranh chấp và chính trị sau lưng quân đội và nhân dân đã dẫn đến một cú sốc lớn, sự hủy diệt của thế giới quân đội và sự sụp đổ của nhà nước.” Tất nhiên, ông đang ngầm so sánh mình với Sa hoàng Nicholas II, người đã đưa ra quyết định đen đủi là tham gia Thế chiến thứ nhất, và là người châm ngòi cho một cuộc binh biến bằng những thất bại trên chiến trường. 

Vào đêm thứ Bảy 24/6, sau khi có sự hòa giải của Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus, Prigozhin đã hủy cuộc tiến công của mình khi chỉ cách Matxcơva khoảng 200 km, vì vậy có vẻ như Putin đã có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng này. Là một phần của thỏa thuận hòa giải, các cáo buộc hình sự đối với Prigozhin sẽ được bãi bỏ và ông ta sẽ đến Belarus. Các thành viên của Tập đoàn Wagner không tham gia cuộc nổi dậy sẽ ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, nhưng số phận của công ty quân sự này vẫn chưa rõ ràng. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Wagner đã bộc lộ sự bất ổn tiềm ẩn của chế độ Putin và làm lung lay hào quang quyền lực của ông ta. Cuộc khủng hoảng này có thể tạo cơ hội cho một cuộc phản công của Ukraine mà cho đến nay mới chỉ nhích như rùa bò. Nếu quân Nga bị phân tâm do đấu đá nội bộ, Ukraine có thể có cơ hội giành được nhiều thành công hơn trên chiến trường – và điều đó đến lượt nó có thể làm suy yếu hơn nữa quyền lực của Putin. 

Ở đây có một bài học cho tất cả những bạo chúa trong tương lai khi nghĩ đến việc phát động các cuộc chiến tranh xâm lược. Tập Cận Bình, ông có đang nghe không đấy?

No comments:

Post a Comment