Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ TNLT TRẦN HUỲNH DUY THỨC TIẾP TỤC ĐÒI TRẢ TỰ DO
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người
đã ở tù 14 năm sau bản án 16 năm tù, tiếp tục gửi đơn yêu cầu giảm miễn hình
phạt còn lại. Đơn mới nhất được gửi đi sau khi ông nhận được thư trả lời của
tòa án tối cao sau 5 năm kiện cáo.
Tin trên được người em Trần Huỳnh Duy Tân, cho biết vào hôm
qua 18/7, ba ngày sau khi gia đình thăm ông Thức ở trại tù số 6 tỉnh Nghệ An. Ông
Tân cho biết là ông Thức ngày 12/7 nhận được văn thư với nội dung bác bỏ các
khiếu nại của ông Thức trong thời gian qua.
Ông Tân cho biết là ông Thức yêu cầu trả tự do cho ông theo
bộ luật hình sự năm 2015. Bộ luật này yêu cầu miễn hình phạt còn lại cho những
người bị kết án “chuẩn bị phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chế độ”.
Ông Tân cho biết gia đình sẽ tiếp tục gửi đơn đến tòa án tối
cao và các giới chức hữu trách để yêu cầu thượng tôn pháp luật nhằm trả tự do
cho ông Thức.
Ông Thức 57 tuổi là một doanh nhân thành đạt về viễn thông.
Năm 2009, ông bị bắt cùng với các ông Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Lê
Công Định với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”. Theo cáo trạng, ông đã
thành lập tổ chức chống nhà nước CSVN có tên là “Nhóm nghiên cứu Chấn” và tham
gia vào tổ chức có tên là “đảng Dân chủ VN”.
Năm 2010, ông bị kết án 16 năm tù, 3 người còn lại bị kết
án từ năm năm đến bảy năm.
Theo Luật sư Ngô Ngọc Trai, việc kết án ông Thức là chưa
chính xác vì kết quả điều tra cho thấy ông Thức chưa gia nhập một tổ chức nào
và ông cũng mới chỉ thành lập một nhóm có tên gọi là "Nhóm nghiên cứu
Chấn", chỉ gồm năm người trong đó có ông Thức và ba nữ nhân viên, người
cuối cùng đã sớm rời nhóm này trước khi vụ án bị khởi tố.
Theo luật sư Trai, cáo trạng xoáy vào nhóm nghiên cứu nói trên và quy kết đó là tổ chức chống nhà cầm quyền, nhưng thực ra đó không phải là tổ chức. Nhóm này chỉ có vài người, không có điều lệ nội quy tổ chức và không có phân cấp trên dưới.
2/ VN SẼ BUỘC NGƯỜI DÙNG CÓ PHÉP
MỚI ĐƯỢC LIVE STREAM
Bộ thông tin truyền thông, tức bộ 4T, vừa đề nghị bổ sung quy định về
việc cấp phép cho người xử dụng mạng xã hội muốn phát video trực tuyến (live
stream).
Đề nghị này được đưa ra trong dự thảo thay thế 2 quy định
hiện hành, theo báo chí lề đảng loan tin vào hôm qua 18/7. Theo đó bộ 4T lưu ý
là chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được
phát video trực tuyến hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới
mọi hình thức.
Bộ này cho rằng hình thức thông tin trực tuyến theo thời
gian có tác động ảnh hưởng nhanh đến xã hội. Trên các mạng xã hội nước ngoài
như Facebook, YouTube, TikTok... có những thông tin bị cho là “giả, xấu độc,
bôi nhọ, xúc phạm uy tín nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị
đoan; các nội dung vi phạm bản quyền” gây ảnh hưởng đến nhiều người.
Thực tế cho thấy là nhiều chủ trang cả trong và ngoài nước
Việt Nam lâu nay xử dụng hình thức phát video trực tuyến để bày tỏ quan điểm,
trình bày những hoạt động thường nhật.
Cần biết là nhiều nhà hoạt động xử dụng công cụ này để thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do ngôn luận đã được hiến pháp VN quy định. Thế nhưng họ đã bị bắt rồi bị án tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ chống phá nhà nước”.
3/ HƠN 30 NGÀN CÔNG TY TẠM NGƯNG
HOẠT ĐỘNG TRONG 6 THÁNG QUA
Vào hôm 17/7, Hiệp hội Doanh nghiệp Sài Gòn cho biết là có
tới 51% công ty tại thành phố Sài Gòn có doanh thu sụt giảm, 62% công ty cho
biết mức hàng hóa tồn kho tăng lên 41% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo số liệu thống kê từ hiệp hội này, có khoảng18 ngàn
công ty tạm ngưng hoạt động, tăng gần 25% so với cùng kỳ, và gần 2 ngàn công ty
hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch hiệp hội, cho biết các doanh
nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thị trường, vốn đầu tư, pháp lý
và thủ tục hành chính. Do đó, khoảng 30% công ty đánh giá tình hình kinh
doanh sẽ vẫn còn tiếp tục suy giảm.
Cần biết là vào cuối tháng 6 vừa qua, theo số liệu từ Tổng
cục Thống kê, số công ty tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60 ngàn doanh
nghiệp, 31 ngàn công ty ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, gần 9 ngàn công
ty hoàn tất thủ tục giải thể.
Như vậy sau nửa đầu năm 2023 đã có 100 ngàn doanh nghiệp đóng cửa, tức mức trung bình gần 17 ngàn công ty đóng cửa mỗi tháng.
4/ VN VÀ HOA LỤC
DI TẢN HÀNG TRĂM NGÀN DÂN ĐỂ TRÁNH BÃO TALIM
Cơn bão Talim, cơn bão đầu tiên trong năm này, vào hôm qua
18/7 đã đổ bộ vào Việt Nam sau đó đi qua Trung Cộng và suy yếu dần, nhưng hàng
trăm ngàn người dân ở hai nước đã nhận lệnh di tản trước cơn bão mà Việt Nam
nói là mạnh nhất trong những năm trở lại đây.
Sau khi đổ bộ ở tỉnh Quảng Tây của Trung Cộng, bão Talim
tiến vào biên giới Việt - Hoa với cường độ giảm dần so với dự báo trước đó.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Việt Nam cho biết cơn bão Talim,
được gọi là bão số 1 ở Việt Nam, đổ bộ vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây hôm
18/7 và tâm bão cách thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh 60 cây số về hướng
đông bắc.
Trước đó một ngày, VN đã ra lệnh di tản gần 30 ngàn người
dân tại 5 tỉnh ven biển miền bắc, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, trước nguy cơ
bão Talim gây mưa lớn và gió mạnh. Ba phi trường chịu ảnh hưởng của bão Talim
là Vân Đồn ở Quảng Ninh, Cát Bi ở Hải Phòng và Nội Bài của Hà Nội đang bị đóng
cửa.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã vào hôm qua cho biết là gần 230 ngàn người dân Hoa Lục đã được di tản ở tỉnh Quảng Đông. Trung tâm dự báo Trung Cộng cho biết là tỉnh Quảng Tây tiếp tục có gió mạnh và mưa lớn cho đến ngày 19/7.
No comments:
Post a Comment