Thưa quý thính giả, bao lâu mà độc tài đảng trị CSVN còn tồn tại trên đất nước thì những sự thiệt hại vì lũ lụt của người dân miền Trung hằng năm sẽ càng lúc nghiêm trọng hơn. Qua chuyên mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Song Chi với tựa đề: “Vì sao lũ lụt cứ càng năm càng nặng nề hơn và những thiệt hại không giảm đi?”_ sẽ được Khánh Ngọc trình bày để tiếp nối chương trình.
Năm nào cũng vậy, VN cũng phải gánh chịu những trận lũ lụt, và thường là miền Trung chịu nặng nhất do yếu tố địa hình phức tạp vừa có vùng ven biển, vừa có đồng bằng, trung du, đồi núi trọc, núi cao và dốc đứng…
Năm nào cũng vậy, những hình ảnh tương tự cứ lặp lại: những ngôi nhà chìm trong biển nước mênh mông ngập tới mái, đồ đạc gia súc mùa màng trôi theo lũ, người dân tuyệt vọng trèo lên mái nhà ngồi chờ cứu viện, chèo xuồng đi nhận cứu trợ-những gói mì tôm, những ký gạo, cân đường, thuốc men…Tin tức về những cái chết oan uổng, thảm thương của dân lành do lũ lụt, sạt lở…gây ra tiếp tục được đăng tải, những chiếc quan tài phải treo tạm lên cao trong nhà do chưa thể đi chôn, nước mắt người lớn nhỏ xuống cùng những thiệt hại về người về của trong lúc nước mắt trẻ thơ rơi theo những cuốn tập, sách vở bị nước làm nhòe, hư hết v.v…
Nghệ sĩ, người nổi tiếng, báo chí lại vào cuộc kêu gọi đồng bào chia sẻ với người dân vùng lũ theo tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách gói lá nát”. Và rồi báo chí dư luận lại đặt câu hỏi: lũ lụt-thiên tai hay nhân họa, lại đề cập đến nạn phá rừng, thủy điện xả nước vào mùa mưa v.v…
Nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đó, khi mùa lũ qua đi, hàng vạn hàng triệu gia đình lại phải bắt tay vào làm bù lại những tài sản hoa màu bị mất, cố quên đi những cái chết của người thân, trẻ em lại lầm lụi đến trường…Để rồi năm sau lũ lại tới, lại mất mát tang thương…
Cái vòng luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại cũng vài chục năm nay.
Đành rằng cơn lũ năm nay có phần dữ dội hơn, báo chí còn dùng đến những cụm từ “cơn lũ lịch sử”, nhưng đây không phải lần đầu VN đối diện với lũ lụt và càng không phải lần cuối. Song sự chuẩn bị, ngăn ngừa, đối phó, cứu hộ cho dân…vẫn không khá hơn, ngược lại bão lũ mỗi năm càng dữ dội, sự mất mát về người và của cũng nặng nề hơn.
Nhà cầm quyền VN nói nguyên nhân của bão lũ là do biến đổi khí hậu, nhưng như báo chí cũng đã nêu lên, thiên tai chỉ một phần, còn chín phần là do nhân họa.
Thứ nhất là nạn phá rừng, khi nhìn vào Google Map chúng ta sẽ thấy diện tích rừng của VN đã bị tàn phá kinh hoàng như thế nào trong 20 năm qua. Có cầu thì mới có cung, chính ý thích thích xây nhà, xây biệt phủ toàn bằng gỗ, đồ nội thất trong nhà cũng bằng các loại gỗ quý của một số đại gia, quan từ trung ương đến địa phương…đã góp phần khuyến khích lâm tặc phá rừng để bán lấy tiền. Nhìn những ngôi biệt phủ hoàng tráng, những chiếc bàn, sập gụ nguy nga chạm khắc tỉ mỉ mà những ông bà chủ “trọc phú”, “tư bản đỏ” thời nay ung dung hả hê phô ra, mà cứ thấy phía sau đó là hình ảnh lũ lụt, máu và cái chết của bao người…
Thứ hai, nạn thủy điện-nhất là thủy điện vừa và nhỏ mọc lên bừa bãi khắp nơi, ồ ạt xả nước vào mùa mưa khiến “lũ chồng lũ”, lợi thì ít mà hại thì nhiều.
Lẽ ra nhà cầm quyền VN phải có những biện pháp thật mạnh tay với những vấn nạn này, hạn chế tối đa việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, về lâu dài chuyển sang tiêu thụ điện mặt trời, điện gió chẳng hạn, phạt thật nặng nạn phá rừng bất kể đó là ai, lâm tặc hay quan chức tiêu thụ gỗ quý, đồng thời cho rà soát những vùng đất, núi có khả năng sạt lở để có biện pháp phòng ngừa, thường xuyên và liên tục cho trồng rừng, be bờ.
Rồi năm sau, năm sau nữa, những cảnh này vẫn tiếp tục lặp lại…Khi những nguyên nhân gốc rễ không được giải quyết, khi một nhà cầm quyền luôn tự cho mình là nhà nước “của dân, do dân, vì dân” nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Chỉ có người dân tiếp tục hỗ trợ cho nhau theo truyền thống nghĩa tình bao đời của người VN.
Thiên tai là điều bất khả kháng, nhưng nhân họa thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa, hạn chế, trong một mô hình thể chế chính trị minh bạch hơn, với một cơ chế có thể kiểm soát, phân tán quyền lực, có thể ngăn chặn tham nhũng một cách hiệu quả, một cơ chế cho phép các tổ chức dân sự có thể hoạt động hỗ trợ, cứu hộ dân công khai thay vì chỉ là những cá nhân tự phát như hiện nay, còn các tổ chức thuộc nhà nước thì không tạo được lòng tin cậy của người dân để họ có thể gửi gắm những đồng tiền, phương tiện hỗ trợ cho đồng bào khi cần; cuối cùng là một cơ chế cho phép những tiếng nói chỉ trích chính quyền mạnh mẽ từ truyền thông độc lập và quyền của người dân được lên tiếng, được biểu tình phản đối nếu chính quyền làm sai…Chỉ có trong một thể chế như vậy may ra mới ngăn ngừa, giảm thiểu được phần nào lũ lụt và những thiệt hại từ đó mà thôi.
Song Chi
No comments:
Post a Comment