Saturday, November 28, 2020

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, hơn 300 năm trước có một vị tướng biết dùng tài đức để an dân, người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam, lập chủ quyền cho người Việt tại vùng Đồng Nai – Gia Định và bảo vệ các vùng đất này trước ý đồ xâm lăng của quân Chiêm Thành. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

“Công Lễ Thành Hầu đi mở đất

Nghìn năm con cháu mãi còn ghi”

Đó là 2 câu thơ dân gian để vinh danh Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Thuở nhỏ Nguyễn Hữu Cảnh tên là Nguyễn Hữu Lễ. Ông sinh năm 1650 tại thôn Phước Long, huyện Phong Lộc, nay thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là con thứ 3 của Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, người đã góp nhiều công sức trong cuộc chiến chống chúa Trịnh. Tổ tiên của Nguyễn Hữu Cảnh là Đinh quốc công Nguyễn Bặc, một vị tướng tài ba được xem là khai quốc công thần thời nhà Đinh. Nguyễn Hữu Cảnh cũng là cháu đời thứ 9 của đức Nguyễn Trãi.

Lớn lên trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hữu Cảnh chuyên tâm luyện tập võ nghệ để theo cha đi chinh chiến. Tuy còn tuổi còn trẻ, nhưng ông đã lập được nhiều chiến công và được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ, một chức võ quan cao cấp.

Năm 1681, cha mất, ông cùng người anh ruột là Nguyễn Hữu Hào tiếp nối nghiệp cha và nhờ luôn cẩn trọng trong việc xử thế nên ông được mọi người thương mến.

Trong khoảng từ năm 1690 đến năm 1691, tình hình biên giới Việt – Chiêm căng thẳng. Vua Chiêm là Kế Bà Tranh đem quân vượt biên giới giết hại người Việt ở Diên Ninh (Phú Yên).

Đầu năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu phong ông làm Thống Binh cùng với Tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân bình định biên cương và giao cho ông trấn thủ vùng đất mới được đặt tên là trấn Thuận Thành.

Ông chỉ huy quân lính khai khẩn đất hoang, giữ an ninh trật tự và giúp ổn định cuộc sống cho dân chúng trong vùng, nên trấn Thuận Thành ngày càng phát triển về nhân số.

Mấy năm sau, chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử ông làm Thống Suất vào Nam kinh lược và thiết lập công quyền, đặt nền pháp trị và xác định cương thổ quốc gia.

Theo đường biển, quân của ông đi ngược dòng sông Đồng Nai đến Cù lao Phố, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, đổi xứ Đồng Nai thành huyện Phước Long, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn và đặt 2 đơn vị hành chính đầu tiên là huyện Phước Long và Tân Bình dưới quyền Gia Định phủ.

Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí ghi: Đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ.

Ngoài ra, ông còn cất đặt các quan viên trông coi các công việc như: Ký lục (lo về hành chính, thuế khóa), Lưu thủ (lo về quân sự) và Cai bộ (lo về tư pháp).

Đối với người Hoa, ông tập hợp họ vào khu hành chánh riêng như xã Thành Hà (Trấn Biên), xã Minh Hương (Phiên Trấn). Một mặt, ông chiêu mộ dân di cư đi khẩn hoang lập ấp.
Đại Nam liệt truyện ghi chép: “Ông đã chiêu mộ dân phiêu tán từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) trở vào Nam vào đất ấy (tức là đất Trấn Biên và Phiên Trấn), rồi đặt xã thôn, phường ấp, định ngạch tô thuế và lập sổ đinh.

Năm 1700, ông cầm quân tiến xuống vùng biên giới Tây Nam. Nhờ uy danh, ông đã nhanh chóng giải quyết tình hình bất an trong vùng. Nhưng sau đó vì bị bệnh nặng ông qua đời lúc vừa tròn 50 tuổi. Để tưởng nhớ công đức, dân chúng nhiều nơi ở miền Nam lập đền thờ và tên của ông cũng được đặt cho nhiều đường phố và trường học.
Hiện nay, đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn tồn tại ở nhiều địa phương. Trong đó, lớn nhất là ở An Giang, Đồng Nai và Quảng Bình. Đặt biệt, ở Nam Vang cũng có đền thờ ông.

Văn thơ ca ngợi công đức của ông còn lưu giữ khá nhiều, điển hình là bài thơ trong đền Lễ Công tại Châu Đốc như sau:

Từ ngày vâng lệnh trấn Bình Khương,

Bờ cõi mở thêm mấy dặm trường.

Vun bón cột nền nơi tổ phụ,

Dãi dầu tên đạn giúp quân vương.

Giặc ngoài vừa nép bên màn hổ,

Sao tướng liền sa giữa giọt tương!

*****

Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người đóng góp công sức rất lớn trong công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam, không chỉ vùng đất Đồng Nai – Gia Định mà còn ở các vùng Bình Thuận, Cần Thơ, Vĩnh Long và An Giang. Đặc biệt, lịch sử đánh giá cuộc kinh lược của ông mở lãnh thổ mới cho đất nước không phải bằng chiến tranh hay bạo lực mà bằng uy đức và diễn ra trong hòa bình. Do đó, ông được hậu thế xem là một trong những nhân vật lịch sử được người dân miền Nam thờ phượng, đến nay vẫn còn nhắc tên ông cùng với tấm lòng thương mến và kính trọng. Ông là tấm gương sáng về tinh thần trung quân ái quốc để các thế hệ trẻ noi theo.

Đất nước Việt Nam đang cần có những vị quan tài ba và đức độ như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chứ không cần những kẻ “mua danh bán chức” trong tập đoàn lãnh đạo CSVN mà thực chất chỉ là những con “sâu dân, mọt nước” đang đẩy cả dân tộc vào vòng nô lệ mới của Tàu Cộng phương Bắc!

No comments:

Post a Comment