Sunday, November 22, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 22.11.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Hương Thu và Nguyên Khải

1/  MẠNG LƯỚI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM CÔNG BỐ GIẢI THƯỞNG NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 2020

Vào sáng Thứ Bảy ngày 21.11.2020, tại California, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam cho Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, giảng viên cao đẳng âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hoá.

Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam được trao hàng năm cho cho các cá nhân và tổ chức trong nước đã có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam. GNQVN còn là một cơ hội để người Việt ở hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những kẻ dấn thân vào cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ vì những quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam. Cho đến nay đã có 50 cá nhân và 4 tổ chức được tuyên dương và trao GNQVN.

Giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay được trao cho: Tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

2/  CỐ VẤN AN NINH QUỐC GIA HOA KỲ GẶP THỦ TƯỚNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Vào thứ Bảy ngày 21.11, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Robert O’Brien đã có cuộc gặp ông Nguyễn Xuân Phúc, để bàn về việc tăng cường quan hệ ngoại giao song phương trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh, quân sự, kinh tế đến thương mại, cùng việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng…

Ngoài ra, theo Thông tấn xã Việt Nam, Ông Phúc cũng nhắc lời cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, cũng như nỗ lực của Việt Nam giúp tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ.

Ông Phúc nói thêm hợp tác thương mại Việt – Mỹ là trọng tâm trong việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ và đề nghị hai bên duy trì đối thoại trên tinh thần xây dựng, tôn trọng lẫn nhau để đạt kết quả có lợi cho cả hai bên.

3/ GENERAL ELECTRIC KÝ BIÊN BẢN GHI NHỚ XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN KHÍ Ở VIỆT NAM

Vào thứ Bảy ngày 21.11, Công ty General Electric (GE) của Hoa Kỳ và Tổng công ty Phát điện 3 của Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ cho dự án lập một nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng tại Việt Nam, với sự chứng kiến của Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, người đang có chuyến thăm Hà Nội trong hai ngày 20-21.11.

Theo biên bản này, GE sẽ cung cấp công nghệ tuabin khí gồm các thiết bị, cùng dịch vụ khác ước tính hơn 1 tỉ Mỹ kim cho việc thành lập nhà máy trong suốt khoảng thời gian của dự án.

Đồng thời, GE cho biết nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ cung cấp nguồn điện từ 3.600-4.500 megawatt cho cả nước. Nhà máy sẽ sử dụng khí hóa lỏng nhập cảng từ Hoa Kỳ.

4/ LẦN ĐẦU TIÊN TRONG 60 NĂM, MỘT LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỊ TÂY TẠNG THĂM TÒA BẠCH ỐC

Theo Reuters, ông Lobsang Sangay- Chủ tịch của Chính quyền Trung ương Tây Tạng, gọi tắt là CTA (Central Tibetan Administration CTA), tức là chính phủ Tây Tạng lưu vong, đã được mời đến tòa Bạch ốc vào thứ Sáu ngày 20.11 để gặp ông Robert Destro, người điều phối đặc biệt mới được bổ nhiệm để phụ trách các vấn đề Tây Tạng.

Đây là chuyến viếng thăm tòa Bạch ốc đầu tiên trong 60 năm qua của một lãnh đạo của chính phủ Tây Tạng lưu vong, có trụ sở tại thành phố Dharamsala ở Ấn Độ. Sự kiện này có khả năng mở đường cho quan hệ sẽ mang tính chính thức giữa chính phủ lưu vong Tây Tạng và chính phủ Hoa Kỳ. 

Tây Tạng luôn là vấn đề tranh cãi giữa Hoa kỳ và Trung cộng. Hoa kỳ cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và ủng hộ “quyền tự trị có ý nghĩa” cho Tây Tạng. Phía Trung Cộng thì cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng Tây Tạng để cố gắng thúc đẩy “chủ nghĩa ly khai” ở Hoa Lục.

Trung Cộng chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1950. Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, hiện phải lưu vong, cho rằng chế độ cai trị của Bắc Kinh tương đương với “sự diệt chủng văn hóa”.

5/ NHẬT BẢN MUỐN MỞ RỘNG CPTPP VỚI SỰ THAM GIA CỦA TRUNG CỘNG VÀ ANH QUỐC

Reuters đưa tin Nhật Bản muốn mở rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của Anh Quốc và Trung Cộng, cho dù gần đây ASEAN và 5 quốc gia trong đó có Nhật Bản đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thứ Sáu ngày 20.11, Thủ tướng Yoshihide Suga nói rằng Nhật Bản mong muốn phát  triển Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc sớm hoàn tất RCEP, cũng như dần thực thi và mở rộng CPTPP trong năm 2021, mà Nhật Bản là Chủ tịch CPTPP.

Vào đầu năm 2020, Anh đã tuyên bố có ý định theo đuổi việc gia nhập vào CPTPP, còn Trung Cộng luôn cởi mở và tích cực đối với ý tưởng gia nhập khối này.

CPTPP được ký kết hồi tháng 3/2018 và có hiệu lực bắt đầu từ cuối tháng 12 năm 2018, với sự tham gia của 11 nước thành viên. CPTPP được cho là giúp giảm hàng rào thuế quan giữa 11 nền kinh tế, chiếm khoảng 13% tổng sản phẩm quốc nội của toàn cầu.

No comments:

Post a Comment