Wednesday, November 11, 2020

Nhớ câu “ nhất phá sơn lâm”…lâm tặc hoành hành

Đất Nước Đứng Lên

Vấn đề phá rừng nhân danh xây thủy điện thật ra chỉ là cái vỏ để có cớ cho lâm tặc và những kẻ có quyền thế làm giàu, làm sang; mà không cần biết đến hậu quả khủng khiếp như thế nào. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết: “Nhớ câu “ nhất phá sơn lâm”…lâm tặc hoành hành” của Trúc Nguyễn qua sự trình bày của Nguyên Khải.

Việt Nam vốn là nước thuần nông, ông cha mình ngày xưa đa phần ít học, làm ruộng trồng vườn, vậy mà kinh nghiệm, vốn sống, điều răn còn lưu lại, trong những hoàn cảnh cụ thể nào cũng thể hiện giá trị ứng xử sâu sắc. Câu “nhất phá sơn lâm”… là một đúc kết có tính chân lý, phù hợp để chiêm nghiệm trong thảm nạn mùa bão lũ năm nay.

Theo tác giả Hoàng Tuấn Công: “Sở dĩ xếp tội ‘phá sơn lâm’ vào hạng ‘nhất’ vì rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, quan trọng như lá phổi xanh của trái đất, điều hòa khí hậu, chống lũ cuốn, lũ quét; ‘sơn lâm’ còn hiểu là muôn loài cỏ cây trên mặt đất, tựa cái bể chứa khổng lồ lưu giữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước ngầm cho ao hồ, sông biển. ‘Phá sơn lâm’ là hành động gián tiếp ‘đâm hà bá’, tức cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước … ”

Nguy hại khó lường trên quy mô nhưng hiện tượng “phá sơn lâm” ngày nay đang xảy ra ngang nhiên, công khai.

Tối 30/3/2018 Trạm CSGT Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế phát giác 3 xe chở cây có dấu hiệu vi phạm và cho ngừng xe để kiểm tra: tất cả đều vi phạm 3 lỗi: quá chiều dài, quá chiều cao, quá tải cầu đường từ 20-50%…Các tài xế khai rằng mình chở cây cho Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Ngay tại thời điểm này, khi Quốc Hội đang họp bàn về vấn nạn phá rừng, thủy điện gây ra bão, lũ dẫn đến cả trăm người chết và mất tích, nỗi đau chạm vào lương tri đồng bào, thì tại tỉnh Lâm Đồng hàng chục hecta đất rừng đang bị xẻ thịt.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT 89% rừng khai phá phục vụ mục đích các dự án, chỉ 11% do lâm tặc (7). “Các dự án” của thống kê nhằm đến chủ yếu là dự án làm thủy điện. Chưa nói đến có tiêu cực hay không, làm thủy điện cho dù mang danh phục vụ phát triển đất nước nhưng làm một cách nôn nóng, tính toán sai, thiếu cơ sở khoa học, sang tay giấy phép… cũng là “phá sơn lâm”.

Tại Quốc hội, Đại biểu Trần Thị Dung, đoàn Điện Biên, nêu thực trạng: “Việc xây dựng 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 hecta rừng của 26.000 hộ dân hoặc hồ chứa, đập thủy điện đã gây ra động đất. Tháng 1/2017 đến tháng 8/2018 tại tỉnh Quảng Nam đã có 69 trận động đất cường độ từ 2,5 đến 3,9 độ richter…”

Và dẫn lời Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ một tỉnh: “Người ta xây dựng thủy điện với lý do điều tiết nước nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lời từ cây rừng bị chặt phá là chính rồi sau đó là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình trung, khi họ phá rừng cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước” (8).

Thủy điện nhiều đến độ những con sông lớn hết chỗ thì người ta tấn công các con suối. Thủy điện Dak Ru có công suất rất nhỏ (chỉ 7,5MW) nhưng Công ty N&S đã phải phá hàng trăm hecta rừng dọc suối Dak Ru, đào xới, làm đảo lộn cảnh quan cả một vùng rừng núi thâm u để xây dựng đập ngăn hồ chứa và hệ thống kênh dẫn dòng dài hơn 5km .…

Trường hợp vận chuyển cây khủng, Bộ GTVT khẳng định không thấy có hành vi bao che cho phương tiện chở cây quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ. Các cây khủng bị ách lại ở tỉnh Thừa thiên, Huế sau vài tuần người ta đã trưng ra được hồ sơ mua bán cây có chứng nhận của chính quyền địa phương, như vậy là hợp lý hóa quy trình “đưa rừng về phố” của một chủ nhân có địa chỉ cư trú ở Hà Nội. Hàng đã về với chủ, sau đó mọi việc chìm vào im lặng không ai bị hề hấn gì. Chủ nhân những cây khủng phải là những người có quyền miễn trừ mới ngang nhiên việc làm gây rúng động núi rừng, nhiễu loạn quốc pháp như vậy được!?

Báo chí, mạng xã hội đã cung cấp những hình ảnh đồ gỗ khủng được xây cất, trưng bày tại các tư gia cán bộ, nhà đại gia, chùa chiền và cơ sở tôn giáo, cho thấy một trào lưu chơi cây cổ thụ, chơi đồ gỗ quý của bọn trọc phú đang thịnh hành trong xã hội, đấy là một trào lưu nhiều tội lỗi cần phải được thanh tra, khai tử.

Đỉnh núi Fanxipan nghìn năm trầm mặt, Bà Nà hill long mạch xứ đàng trong, Lũng cú, núi Chín khúc, Hòn xện… thời cha ông kinh tế không phát triển như bây giờ nhưng đã được gìn giữ, bảo tồn nghiêm mật, chúng đang chịu đối xử thô bạo, bị cạo trọc đầu, bê tông hóa, kinh doanh bán vé.

Dù nhân danh phát triển hay xây khu tâm linh để khai phát một đạo giáo cao siêu nào mà “nhất phá sơn lâm”, biến của công thành tư là phạm pháp, đi ngược lại lợi ích bền vững của quốc gia và dân tộc, trực tiếp và gián tiếp gây thảm nạn chết chóc lên người dân.

Trúc Nguyễn

No comments:

Post a Comment