Thursday, November 5, 2020

Tin Tức: Thứ Năm 05.11.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân KhanhMiên Dương trình bày sau đây.

1)  DÂN MIỀN TRUNG LẠI LO ĐỐI PHÓ TIẾP CƠN BÃO SỐ 10

Trong hai ngày qua, người dân miền trung lại hối hả gia cố nhà cửa nhằm chống chọi cơn bão số 10, với tên gọi quốc tế là Goni.

Từ chiều tối hôm qua đến sáng hôm nay, thứ Năm 5/11, những cơn mưa lớn đã trút xuống các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và trên tây nguyên. Trước những đợt sóng to gió lớn, nhà cầm quyền các tỉnh miền trung đã ra lệnh cấm ra biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Người dân ở các nơi có nguy cơ bị sạt lở hay lũ lụt một lần nữa lại được di tản đến các nơi tạm cư.

Tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, hơn 3 ngàn gia đình chăn nuôi hải sản đã được yêu cầu lên bờ tránh bão. Trong khi đó tại tỉnh Khánh Hòa, nhà cầm quyền cũng kêu gọi di tản hơn 15 ngàn người ở các nơi có nguy cơ đồi núi sẽ bị sạt lở.

2)  BỘ TRƯỞNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐỔ TỘI CHO MỸ VỀ TÌNH TRẠNG SẠT LỞ ĐẤT 

Trong một cáo buộc gây tranh cãi gay gắt ở Quốc hội và trong dư luận, ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng bộ Nông nghiệp Việt Nam, đổ tội cho việc mất rừng dẫn đến sạt lở đồi núi là do quân đội Mỹ rải chất hóa học trong cuộc chiến quốc cộng vào nửa thế kỷ trước.

Giải thích tại Quốc hội vào hôm thứ Ba 3/11, ông Cường khẳng định là các khu rừng thiên nhiên không thể phục hồi là vì quân đội Mỹ đã trút xuống 77 triệu lít hóa chất, hủy diệt 2 triệu mẫu rừng ở miền trung, vì thế dẫn đến thảm cảnh lũ lụt và sạt lở khắp nơi. Điều mâu thuẫn là ông Cường lên tiếng trước đó rằng tổng diện tích rừng tại Việt Nam đã tăng từ 9 triệu mẫu lên đến 14 triệu rưởi mẫu trong vòng 40 năm qua.

Nhưng theo ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng  Bộ Công Thương, lại thừa nhận nguyên nhân mất rừng và sạt lở đất và núi là đến từ việc xây dựng tràn lan các đập thủy điện ở miền trung. Ông Anh cho biết, Việt Nam hiện có 429 đập thủy điện, và gần 700 dự án lớn nhỏ khác đang chờ đợi cấp phép xây dựng.

3)  MƯA NGỪNG GẦN MỘT TUẦN NHƯNG NGHỆ AN VẪN NGẬP LỤT Ở NHIỀU NƠI

Gần một tuần không còn mưa nhưng nước lũ đổ về từ thượng nguồn tiếp tục gây ngập lụt tại nhiều nơi ở tỉnh Nghệ An khiến nhiều thôn làng vẫn còn bị cô lập.

Nơi bị ngập nặng là huyện Hưng Nguyên, với nhiều thôn làng bị bao vây xung quanh bởi biển nước sâu hơn nửa thước. Một tuần trước đó, một số xã ở huyện này ngập sâu hơn một thước nước. Mặc dù  không còn mưa đã gần một tuần lễ, nhưng nước rút rất chậm nên các tuyến đường giao thông vẫn chìm trong nước.

Vào trưa hôm qua, một trận sạt lở đất khiến hàng ngàn thước khối đất đá vùi lấp một đoạn đường trên quốc lộ 7A, gây gián đoạn giao thông suốt nhiều tiếng đồng hồ.

4)  HAI DÂN BIỂU GỐC VIỆT TÁI ĐẮC CỬ TRONG CUỘC BẦU CỬ Ở MỸ

Hai nữ dân biểu gốc Việt đã tái đắc cử vào hạ viện tiểu bang Massachusetts và Florida theo kết quả kiểm phiếu.

Hai phụ nữ là Luật sư Trâm Nguyễn và bà Đặng Thị Ngọc Dung, tên Anh ngữ là Stephanie Murphy. Cả hai đều thuyền nhân Việt tỵ nạn tại Mỹ và gia nhập đảng Dân Chủ. Bà Dung trở nên nổi tiếng vào năm 2016 khi trở thành nữ dân biểu Việt đầu tiên đắc cử vào quốc hội tiểu bang Florida. Đây là lần thứ ba, bà Murphy đắc cử ghế dân biểu tại tiểu bang này.

Riêng bà Trâm là người được Tổng thống Barack Obama ủng hộ trong cuộc tranh cử vào năm 2018. Từng làm việc cho bộ quốc phòng Mỹ, bà tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và sẽ nỗ lực vận động quốc hội Massachusetts công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ chính thức của cộng đồng gốc Việt tại Mỹ.

5)  TRUNG CỘNG CẤM NHẬP CẢNG NHIỀU LOẠI HÀNG HÓA CỦA ÚC

Để cảnh báo liên minh 4 nước Mỹ – Nhật – Ấn – Úc, Trung Cộng đã ra lệnh cấm nhập cảng nhiều loại hàng hóa của Úc, vì nước này lệ thuộc vào Trung Cộng nhiều hơn so với 3 nước kia.

Sau khi tẩy chay thịt bò và lúa mì Úc với lý do thiếu vệ sinh, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm nhập cảng thêm một số hàng hóa của Úc, gồm than đá, đồng, gỗ, lúa mạch, đường, rượu vang và tôm hùm. Tuy nhiên, quặng sắt, vật liệu mà Trung Cộng nhập cảng nhiều nhất từ Úc, không nằm trong danh sách cấm nói trên.

Lệnh cấm này chưa chính thức áp dụng nhưng các công ty Trung Cộng đã nhận được yêu cầu ngừng nhập cảng các loại hàng hóa nói trên. Kể từ tháng 9 vừa qua, các tập đoàn Trung Cộng đã giảm dần lượng than đá nhập cảng từ Úc.

Từ nhiều năm nay, nước Úc bán hơn 27% lượng than đá Úc cho Trung Cộng mỗi năm, với tổng trị giá hơn 50 tỷ Mỹ kim vào năm ngoái. Kế đó là quặng sắt, với trị giá hơn 39 tỷ Mỹ kim.

No comments:

Post a Comment