Kính thưa quý thính giả, moi móc hút máu dân là dễ nhất vì vậy chỉ cần tin tức mới hé lộ là người dân và các tổ chức cần lên tiếng kêu ngay, kêu to để bất cứ âm mưu nào cũng không thể thực hiện được. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết: “Chúng ta đang bị hút máu hàng ngày” của Ngô Anh Tuấn qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
Trong lúc đại đa số người dân đang oằn mình chống chọi lại khó khăn do dịch bệnh cúm Tàu gieo rắc lên thì ngày 02/11 vừa qua, lãnh đạo Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho hay, đơn vị này đã kiến nghị Chính phủ cho các dự án BOT điều chỉnh tăng phí theo lộ trình do đang gặp nhiều khó khăn. Họ cho rằng, việc chưa được tăng phí theo lộ trình thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với những cam kết trong hợp đồng đã ký.
Do đó, Hiệp hội này kiến nghị các cơ quan cho điều chỉnh phí. Bên cạnh đó, VARSI kiến nghị cơ quan nhà nước thực hiện cam kết với các dự án BOT vì một số dự án nhà nước cam kết bỏ vốn trợ giúp nhưng cho tới khi được đưa vào khai thác thì ngân sách mới rót nhỏ giọt một phần (Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, dự án hầm Đèo Cả…).
Theo thông tin viết trên Báo điện tử Vnexpress ngày 02/11, trong năm 2020 Bộ Giao thông Vận tải cũng đã hai lần kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí để giảm khó khăn cho doanh nghiệp BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019 và trong Covid-19. Còn trong trường hợp giữ nguyên mức phí như hiện nay và chỉ tăng theo lộ trình trong hợp đồng từ 2022 thì Nhà nước cần có khoảng 5 tỷ 080 triệu đồng để trợ giúp các dự án khi chưa được tăng phí.
Có vẻ như Bộ này quá quan tâm tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp BOT hay họ có được hưởng đôi chút quyền lợi gì từ việc đề nghị của mình. Cần cẩn thận đánh giá lại vai trò, trách nhiệm của những người lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải vì vốn dĩ qua vài đời lãnh đạo trước đây đều dính phốt như ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường đều đã đi tù, còn ông Nguyễn Văn Thể thì đang ngồi run cầm cập… Giá như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng hăng hái như Bộ Giao thông Vận tải thì các doanh nghiệp của mình mừng biết bao.
Đành rằng các doanh nghiệp VARSI gặp khó thì họ kêu than. Họ đòi nhà nước phải trả tiền cho họ cũng là hợp lý vì đã cam kết thì phải thực hiện. Chắc hẳn rằng khi dự toán ngân sách chi cho đầu tư thì nhà nước đã có nguồn nhưng có thể họ đã dùng sai mục đích khiến cho tới thời điểm hiện tại không có thể/chưa có thể trả cho nhà đầu tư. Nhà nước nợ thì VARSI tìm đúng con nợ mà đòi chứ không thể nghĩ ra kế moi thêm tiền của dân trong lúc khốn khó này.
Ai cũng biết, BOT lấy tiền của dân là dễ nhất, cứ có chính sách được phê duyệt, có dấu đỏ là có thể nghiễm nhiên “đếm xác” lấy tiền ngay. Cánh tài xế có kêu gào như gà bị cắt tiết thì cũng được mấy ngày, rồi đâu cũng sẽ vào đấy cả. Còn đứa nào cứng đầu cứng cổ quá, dám chống đối ra mặt thì báo công an theo dõi để ghép tội hình sự là kẻ khác sẽ mềm như cọng bún gặp nước sôi liền…
Điểm qua vài tin trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cái đích hướng tới của VARSI là thông qua Bộ Giao thông Vận tải để thọc tay vào túi tiền người dân chứ chuyện chờ trợ giúp của Chính phủ thì còn mút mùa vì tiền cam kết trợ giúp, đầu tư từ nhiều năm trước còn chưa trả xong, nói gì bỏ thêm tiền mới (tất nhiên cũng không loại trừ một cơ quan trợ giúp đặc biệt nào đó).
Nếu người dân, đại biểu quốc hội không kêu, báo chí không kêu thì khi người dân biết được thì sự việc cũng đã được đặt vào tình thế đã rồi, không sao thay đổi được. Thế nên, cần lắm phải có sự lên tiếng đồng loạt của nhiều người để những quy định kiểu “cưỡng bức”, vì quyền lợi của thiểu số mà gây khó khăn thêm cho bao người, không thể được ban hành thậm chí có được thông qua rồi cũng không thực hiện được trên thực tế.
Đừng để khi bị rút hết máu rồi mới kêu la mà hãy phản ứng ngay từ khi kẻ khác châm kim vào người, trừ khi bạn tự nguyện hiến máu…
Moi móc hút máu dân là dễ nhất vì vậy chỉ cần tin tức mới hé lộ là người dân và các tổ chức cần lên tiếng kêu ngay, kêu to để bất cứ âm mưu nào cũng không thể thực hiện được.
Ngô Anh Tuấn
No comments:
Post a Comment