Kính thưa quý thính giả, ngoài là một chế độ đảng trị, Việt Nam còn là một chế độ công an trị hà khắc. Gần đây, quốc hội bù nhìn CSVN có nhiều dấu hiệu tranh giành quyền lực giữa công an và quân đội. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trân Văn với tựa đề: “Vì sao công an được thời và đắc thế?”_ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Khóa 14 vừa kết thúc với một sự kiện hiếm có: Đa số đại biểu bác bỏ việc xem xét 3 dự luật do chính phủ đề nghị và đã được các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội thẩm tra. Cả 3 cùng liên quan tới việc tăng thẩm quyền cho công an.
Việc sửa Luật GTĐB hiện hành vốn nằm trong chương trình làm luật của Quốc hội khóa 14 nhưng sáng kiến tách Luật GTĐB thành 2 bộ luật riêng biệt, một về GTĐB và một về Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB chỉ nhằm để thỏa mãn yêu cầu của Bộ Công an.
Bộ Công an muốn giành việc quản lý đào tạo – sát hạch – cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ tay Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) với lý do… tai nạn giao thông cao và cần… xử lý vấn nạn GPLX giả. Đáng ngạc nhiên là chính phủ chấp nhận yêu cầu đó!
Có 302 đại biểu (62,7%) không tán thành tách Luật GTĐB mới làm đôi. 321 đại biểu (66,7%) bác bỏ việc giao cho công an quản lý đào tạo – sát hạch – cấp GPLX (3). Có đại biểu đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật do đã “tham mưu tách luật”.
Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm đáng chú ý nhất. Góp ý của hai ông tướng quân đội, cùng là đại biểu Quốc hội, mới đáng bận tâm. Tướng Sùng Thìn Cò (Phó Tư lệnh Quân khu 2), Ủy viên UB/QPAN của Quốc hội, nhắc ông Tô Lâm rằng: Lực lượng công an đã quá đông. Mỗi tỉnh ít nhất cũng có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa! Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?
Tướng Nguyễn Mai Bộ (Phó Chánh án Tòa Quân sự Trung ương), cũng là Ủy viên UB/QPAN của Quốc hội nói thêm, theo ông, thống nhất 3 lực lượng không những không thể giảm 500.000 người mà còn khiến ngân sách phải gánh thêm lương cho chừng 800.000 người (126.000 công an xã bán chuyên trách, 70.000 bảo vệ phường – xã, 500.000 phòng cháy chữa cháy), chưa kể chi phí cho trụ sở, hoạt động… và các địa phương sẽ không còn tiền đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội.
Tuy phải đóng thuế nuôi cả quân đội lẫn công an nhưng người Việt chưa bao giờ được biết tổng số quân nhân và công an mà trước nay mình vẫn nuôi là bao nhiêu, tổng chi phí để duy trì hoạt động của lực lượng vũ trang là bao nhiêu? Hợp lý hay không?
Dựa vào một số nguồn khác nhau, Wikipedia cho biết, quân đội Việt Nam có khoảng một triệu người (lục quân khoảng 800.000, hải quân khoảng 70.000, phòng không – không quân khoảng 60.000, biên phòng khoảng 50.000, cảnh sát biển khoảng 30.000…).
Song, chẳng có nguồn nào cho biết công an Việt Nam có bao nhiêu người. Dựa vào một vài dữ liệu từ phát biểu của tướng Sùng Thìn Cò hôm 17 tháng 11 về Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có thể ước đoán, lực lượng công an các tỉnh, thành không dưới 200.000 người. Đó là chưa kể nhân sự của các cục chính trị, tình báo, an ninh, cảnh sát, hậu cần – kỹ thuật, thi hành án hình sự – hỗ trợ tư pháp, các trung đoàn cảnh sát cơ động… trực thuộc Bộ Công an.
Nếu được thông qua, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ góp thêm cho công an Việt Nam 800.000 người. Sáng kiến này sẽ giúp công an Việt Nam vượt qua quân đội Việt Nam về nhân lực, trở thành lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật… đông nhất thế giới! Chẳng phải đến bây giờ, công an Việt Nam mới được ưu ái như vậy. Cứ dùng Google để tìm và đối chiếu trang, thiết bị dành cho quân nhân với công an, đặc biệt là cảnh sát cơ động, ắt sẽ thấy bên nào trọng, bên nào khinh!
Không phải tự nhiên mà Bộ Công an Việt Nam hết sức tự tin khi ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCA Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc cung cấp đầy đủ các loại vũ khí cá nhân (súng ngắn, súng trường, tiểu liên) cho công an xã. Hướng tới cung cấp những vũ khi có mức độ hủy diệt cao như súng chống tăng, những phương tiện mà các đơn vị quân đội cấp quân đoàn mới có như trực thăng… cho công an huyện!..
Vì sao quốc phòng lại trở thành thứ yếu, răn đe – ngăn ngừa bạo loạn, lật đổ mới là chính yếu?
Chỉ có một câu trả lời, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xem đồng bào của mình là đối tượng bị trị nên phải… đầu tư thích đáng để có thể duy trì quyền thống trị!
Trân Văn
No comments:
Post a Comment