Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục Chân Dung Người Tù Lương Tâm Nguyễn Năng Tĩnh do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
“Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc; lo lắng cho môi trường sống của nhân dân bị đầu độc. Tôi không thể vô cảm và cam tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc”.
Đấy là những tuyên bố, còn được gọi là “lời nói cuối cùng tại tòa” của thầy giáo yêu nước Nguyễn Năng Tĩnh trong phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 11/2019, cách nay tròn 1 năm. Phiên phúc thẩm được cái gọi là “Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội” diễn ra sáng 20/4/2020 tại Nghệ An, đã tuyên y án 11 năm tù giam và quản chế 5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù với thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Được biết, phiên tòa cộng sản này chỉ diễn ra trong hơn 2 giờ đồng hồ và được luật sư Đặng Đình Mạnh miêu tả là “Tôi có cảm giác là họ muốn làm cho xong việc của họ thôi, chứ không phải để tìm ra sự thật.”
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976, cư trú tại xóm 6, xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, là giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Nhắc đến Nguyễn Năng Tĩnh, nhiều người ấn tượng với những clip dạy học trò các bài hát yêu nước nhưng bị cấm kỵ tại Việt Nam như “Trả lại cho dân”, “Việt Nam tôi đâu”…
Ông Tĩnh bị bắt ngày 27/5/2019 với cáo buộc vi phạm điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước”. Các hành vi “phạm tội” của ông Tĩnh được báo chí lề đảng mô tả là “dùng mạng xã hội để chống nhà nước”… Thực chất những việc làm của thầy giáo Tĩnh là cổ vũ cho quyền làm người, góp phần đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ, chống sự xâm lược của Tàu cộng, bảo vệ môi trường, dạy học trò về lòng yêu nước, về ý thức trách nhiệm với Tổ quốc…
Bà Nguyễn Thị Tình, vợ thầy Tĩnh cho hay, trong thời gian còn bị tạm giam ở nhà tù Nghi Kim, Nghệ An, chồng bà đã tuyệt thực 46 ngày, bắt đầu từ ngày 3/03/2020 đến 17/04/2020. Cuộc tuyệt thực diễn ra suốt 46 ngày và chỉ kết thúc 03 ngày trước khi ông bị đưa ra phiên tòa phúc thẩm. Ông Tĩnh tuyệt thực để phản đối việc ông bị bắt giữ trái luật và bị kết án bất công, phản đối sự ngược đãi mà ông phải chịu đựng trong tù. Thực tế nhiều năm nay cho thấy, Nhà nước cộng sản Việt Nam một mặt duy trì quyền lực độc tài, một mặt phải ve vuốt chính phủ các nước dân chủ để được nhận những lợi nhuận về thương mại, kinh tế hầu làm giàu cho giới lãnh đạo chóp bu. Trong số những lợi nhuận mà chế độ độc tài được thụ hưởng bao gồm cả những mặc cả về vấn đề nhân quyền và TNLT. Có thể nói, chính sách của nhà cầm quyền đối với những người bất đồng chính kiến, đặc biệt đối với các TNLT phản ảnh phần nào mối quan hệ của họ với những quốc gia văn minh vốn coi trọng vấn đề nhân quyền.
Việc TNLT Nguyễn Năng Tĩnh phải tuyệt thực trong một thời gian dài và vẫn bị đưa ra kết án trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ vì bị ngược đãi và mới trải qua cuộc tuyệt thực dài ngày, không chỉ một lần nữa khẳng định bản chất tàn ác của nhà cầm quyền, mà còn cho thấy chế độ này ngày càng coi rẻ sinh mạng người dân Việt Nam, coi thường công luận trong và ngoài nước. Một cựu TNLT giấu tên đưa ra nhận định rằng: “Trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang mải gồng mình chống đại dịch Vũ Hán thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ra sức bắt bớ, đàn áp và gia tăng áp lực đối với các tù nhân chính trị. Họ nghĩ rằng các nước Âu- Mỹ đang mải dồn sức lo cho các vấn đề quốc nội của họ, không mặn mà gì vấn đề nhân quyền ở các nước độc tài nên sẽ không phải đối mặt với chỉ trích. Mặc khác, phải tranh thủ bắt để làm vốn, làm của sau này đem ra mặc cả với quốc tế để đổi lấy các lợi ích về thương mại. Vừa được tiếng là nhân đạo, vừa được thu lợi mà vẫn bảo đảm sự độc tôn quyền lực vì duy trì được sự sợ hãi trong dân chúng. Đấy là chưa kể công luận cả trong và ngoài nước đều đổ dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong khi lại khá dè dặt khi nói về các vấn đề “nhạy cảm” của Việt Nam nhất là trong bối cảnh sắp diễn ra đại hội đảng và sự đe dọa của Luật An ninh mạng là rất khủng khiếp. Tôi thấy xót xa cho các tù nhân chính trị, cho những người đấu tranh đang chịu cảnh tù đày”.
Không phải ngẫu nhiên chúng tôi trích dẫn nhận định có vẻ bi quan trên trong chuyên mục ngày hôm nay. Dù không hoàn toàn đồng tình nhưng phải thừa nhận những nhận định trên rất thẳng thắng và khá thực tế. Tâm sự của cựu TNLT này càng làm cho chúng ta hiểu và trân quý hơn những con người dám dấn cho lẽ phải, cho tự do, công lý và dân chủ.
Nhưng những con người ấy không cô đơn vì bên cạnh họ vẫn còn nhiều người đồng hành và tiếp bước. Ngày mai, trong mỗi bước chân tự do sẽ in những dấu chân tù đày của ngày hôm nay.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment