Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Bá Cơ trình bày sau đây.
CỰU CHỦ TỊCH HÀ NỘI BỊ CÁO BUỘC “CHỦ MƯU ĐÁNH CẮP BÍ MẬT QUỐC GIA”
Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên thiếu tướng công an và nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội, có thể lãnh án từ 10 đến 15 năm tù nếu bị kết tội “chủ mưu đánh cắp tài liệu bí mật quốc gia”.
Vào hôm qua, thứ Năm 26/11, viện Kiểm sát Tối cao VN ra cáo trạng truy tố ông Chung cùng 3 người khác về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Ba người cùng bị truy tố trong vụ án này là Phạm Quang Dũng, cán bộ thuộc Cục Cảnh sát Kinh tế, Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc. Cáo trạng tiết lộ rằng các bí mật nói trên có liên quan đến vụ án công ty Nhật Cường bị cáo buộc tội buôn lậu và rửa tiền.
Theo cáo trạng, hai vợ chồng ông Nguyễn Đức Chung có hùn vốn trong công ty viễn thông Nhật Cường bị niêm phong vào năm ngoái, với hàng chục nhân viên bị bắt giam. Tổng giám đốc công ty, ông Bùi Quang Huy, đã kịp thời trốn ra nước ngoài và hiện đang bị truy nã.
VIETNAM AIRLINES THUA LỖ HƠN 600 TRIỆU MỸ KIM VÌ DỊCH VŨ HÁN
Theo phân tích của các chuyên gia hàng không, công ty Vietnam Airlines bị thua lỗ từ 14 đến 15 ngàn tỷ đồng, tức hơn 600 triệu Mỹ kim trong năm nay vì đại dịch Vũ Hán.
Trích dẫn các phát biểu của quan chức lãnh đạo Việt Nam, thông tấn xã Reuters ước tính là phải cần đến 3 năm hãng hàng không này mới có thể khôi phục mức kinh doanh của năm 2019.
Vào tuần trước, Quốc hội VN đã chấp nhận kế hoạch giải cứu Vietnam Airlines, với mức hỗ trợ là 200 triệu Mỹ kim qua hình thức bán thêm cổ phần.
Vào hôm qua, các hãng máy bay như Bamboo và Pacific Airline cũng lên tiếng kêu gọi nhà nước hỗ trợ vì họ cũng lỗ nặng trong đại dịch Vũ Hán.
3) TỈNH NGHỆ AN NGỪNG XÂY DỰNG CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN
Nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An vào hôm qua quyết định ngừng cấp giấy phép để xây dựng thêm các đập thủy điện, sau khi có một số bằng chứng cho thấy tình trạng phá rừng bừa bãi và các đập thủy điện xả lũ đã dẫn đến các đợt lũ lụt mỗi năm mỗi tàn khốc hơn.
Hiện tỉnh Nghệ An có 21 đập thủy điện đang hoạt động, với công suất phát điện toàn năm là 930 MW. Ngoài ra, có 11 dự án thủy điện đang chờ cấp giấy phép xây dựng. Các huyện có nhiều đập thủy điện là Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, tức các nơi bị ngập lụt nặng nề nhất trong trận lũ lụt lịch sử vừa qua.
Trong cuộc họp vào hôm thứ Năm 26/11, ngoài các ý kiến cho rằng các đập thủy điện đã góp phần gây ngập lụt, các quan chức Nghệ An cho rằng các dự án thủy điện đều tiến hành chậm chạp, không đền bù thỏa đáng cho người dân. Chính vì thế, nhà cầm quyền tỉnh này quyết định ngưng xây dựng các đập thủy điện.
HÃNG APPLE DỜI XƯỞNG LẮP RÁP IPAD TỪ HOA LỤC SANG VIỆT NAM
Tổng công ty Foxconn của Đài Loan, một nhà thầu của Apple, đang chuyển cơ xưởng sản xuất máy tính MacBook và Ipad từ Hoa Lục sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple, nhằm đề phòng sự leo thang trong cuộc thương chiến Mỹ – Tàu.
Tin này do một nhân viên cao cấp, người cầm đầu công ty Foxconn tiết lộ với truyền thông vào đầu tuần này. Việc dời cơ xưởng sản xuất diễn ra trong bối cảnh chính phủ Donald Trump đang khuyến khích các công ty Mỹ di dời các nhà máy ra khỏi Hoa Lục.
Trong mấy tháng qua, công ty Foxconn đã chuyển một phần hay toàn bộ cơ xưởng ở Hoa Lục đến các nước như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ. Hiện Foxconn đang xây dựng cơ xưởng sản xuất Ipad và MacBook ở tỉnh Bắc Giang. Theo dự trù, xưởng này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tới.
HẢI QUÂN MÃ LAI DÀN TRẬN ĐỐI ĐẦU VỚI HẢI CẢNH TRUNG CỘNG
Gần 10 ngày qua, các chiến hạm Mã Lai và các tàu Hải cảnh Trung Cộng đã dàn trận đối đầu tại một khu mỏ dầu ở ngoài khơi Mã Lai thuộc vùng Biển Đông.
Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, trong mấy ngày qua, một tàu hải cảnh Trung Cộng đã quấy nhiễu một giàn khoan và đội tàu tiếp tế của Mã Lai tại một khu vực cách bờ biển thuộc tiểu bang Sarawak khoảng 81 cây số. Hải quân Mã Lai đã điều động một chiến hạm đến nơi để đối phó với hải quan Trung Cộng.
Vụ quấy nhiễu giàn khoan nói trên diễn ra sau hai tuần lễ căng thẳng giữa lực lượng hải cảnh Trung Cộng và hải quân Mã Lai trong vùng biển nói trên. Theo ghi nhận, chiếc tàu Trung Cộng rời đảo Hải Nam vào ngày 30/10, và đến ngày 10/11 thì xuất hiện tại khu dầu khí ở phía tây bãi cạn Luconia của Mã Lai. Đây là khu vực cũng nằm trong đường “lưỡi bò” chủ quyền mà Trung Cộng áp đặt ở Biển Đông.
Sau khi bị hải quân Mã Lai xua đuổi, vào ngày 19/11 chiếc tàu hải cảnh Trung Cộng quay trở lại và tiến sát vào giàn khoan chỉ cách khoảng 3 cây số. Ngay lập tức, chiến hạm Mã Lai kéo đến và hai bên đã gườm nhau hơn một tuần qua.
TRUNG CỘNG RA SỨC PHỦ NHẬN ĐẠI DỊCH VIÊM PHỔI BẮT NGUỒN TỪ VŨ HÁN
Guồng máy tuyên truyền của Trung Cộng đang ra sức phủ nhận đại dịch viêm phổi Covid-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, mà cho là xuất phát ở nước ngoài trước khi bộc phát ở Hoa Lục vào cuối năm ngoái.
Chiến dịch “thay đen đổi trắng” nói trên được dẫn chứng bằng các kết quả nghiên cứu của giới chuyên gia Trung Cộng, theo đó thì siêu vi khuẩn Vũ Hán đã xuất hiện ở Âu châu trước, sau đó mới lan đến Hoa Lục. Tờ báo Nhân dân của Trung Cộng tuyên bố là siêu vi khuẩn Vũ Hán đến từ các thực phẩm đông lạnh và bao bì nhập cảng từ nước ngoài.
Trung Cộng luôn khẳng định là các bao bì của thực phẩm đông lạnh là nguồn gốc của đại dịch. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều nước vẫn không tìm thấy một con siêu vi khuẩn nào trên bao bì các sản phẩm này.
Điều đáng nói là mặc dù phủ nhận đại dịch xuất phát từ Hoa Lục, nhưng Trung Cộng lại cương quyết phản đối lời kêu gọi mở cuộc điều tra tại Hoa lục về nguồn gốc của đại dịch đang hoành hành trên thế giới, khiến cho hơn 60 triệu người nhiễm bệnh và gần 1,5 triệu người thiệt mạng.
No comments:
Post a Comment