Saturday, November 14, 2020

Tin Tức: Thứ Bảy 14.11.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Bảo Trân & Đồng Tâm trình bày sau đây.

CỰU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM TRẦN HỮU ĐỨC TỴ NẠN TẠI HOA KỲ

Cựu tù nhân lương tâm Trần Hữu Đức, người từng bị nhà cầm quyền CSVN kết án 3 ăn tù giam năm 2011 về tội danh Tuyên truyền chống nhà nước,” đã đến phi trường Los Angeles ở tiểu bang California vào thứ Năm ngày 12.11 theo diện tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ.

Ông Đức là một trong 3 thành viên trong nhóm đấu tranh của linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông cùng Đậu Văn Dương và Chu Mạnh Sơn bị bắt sau khi rải truyền đơn chống chế độ cộng sản. Sau khi mãn hạn tù, ông vẫn bị cộng sản Việt Nam sách nhiễu. Vào đầu tháng 12 năm 2015, ông tham gia tổ chức buổi học về nhân quyền cho 70 giáo dân Công giáo tại huyện Nam Đàn, Nghệ An. Công an Nghệ An bắt cóc và đánh đập giảng viên của lớp học là luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Đức và gia đình cũng bị sách nhiễu rất nhiều sau đó.

Trang mạng Thanh niên Công giáo cho biết ông Đức là người thường xuyên tham gia nhiều công việc bác ái xã hội và các công việc liên quan tới bảo vệ môi trường ở thành phố Vinh.

CỘNG SẢN VIỆT NAM VẪN CHƯA BỎ SỔ HỘ KHẨU

Quốc hội CS Việt Nam vừa bỏ phiếu thuận theo đề xuất của Bộ Công an để tiếp tục duy trì việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu cho đến hết năm 2022.

Truyền thông lề đảng đưa tin đa số đại biểu của quốc hội bù nhìn tán thành việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp trước đây vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31.12.2022.

Quốc hội CSVN cũng thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã định danh cá nhân. Luật này có hiệu lực từ ngày 01.07 năm tới.

Nhiều người cho rằng phương pháp quản lý việc cư trú của công dân thông qua sổ hộ khẩu đã tồn tại khoảng 70 năm qua là cách làm “lạc hậu” và “gây phiền hà” cho người dân.

Năm 2016, Ngân hàng Thế giới đưa ra báo cáo nói rằng chính sách hộ khẩu của Việt Nam đã  hạn chế quyền tiếp cận các dịch vụ công ích của người dân, cũng như hạn chế các quyền căn bản khác như quyền tự do đi lại, quyền cư trú, quyền được sở hữu đất đai…

DÂN Ở MIỀN TRUNG DI TẢN TRƯỚC BÃO VAMCO

Hàng triệu cư dân ở các tỉnh miền Trung vừa được yêu cầu nghỉ làm việc và không được ra khỏi nhà kể từ trưa thứ Bảy ngày 14.11 khi cơn bão Vamco dự báo sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Nhà chức trách địa phương cũng có kế hoạch di dời hơn 300.000 cư dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất.

Lực lượng phòng vệ biển khu vực miền Trung gần đây bắt đầu thực hiện bắn pháo hiệu để cảnh báo cho ngư dân và tàu thuyền trên biển khi bão tiến vào gần bờ. Các tỉnh có thể bị ảnh hưởng nặng bởi bão Vamco là các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An. Dự báo có gió lớn và mưa to.

Trong vòng 1 tháng rưỡi qua, miền Trung liên tục hứng chịu 8 cơn bão liên tiếp, khiến 243 người chết và mất tích. Khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy, ước tính gây thiệt hại về kinh tế lên tới 29.300 tỷ đồng (1,3 tỷ Mỹ kim), theo báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào ngày 13/11.

CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG SẮP KÝ THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Mười lăm nền kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sắp sửa kết thúc đàm phán vào Chủ nhật ngày 15.11 để ký một thỏa thuận có thể trở thành thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm gần 1/3 dân số toàn cầu, và chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới.

Các quốc gia tham gia RCEP bao gồm Trung quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, New Zealand, và 10 nước ASEAN. 

RCEP được khởi xướng vào năm 2012 và được coi là một cách để Trung Cộng kiềm chế ảnh hưởng đang tăng của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama. 

RCEP tập trung cắt giảm thuế quan và tăng tiếp cận thị trường, ít đòi hỏi các nhượng bộ về chính trị hay kinh tế. Đồng thời, RCEP không nhấn mạnh tới việc bảo vệ các quyền của người lao động, môi trường và quyền sở hữu sản phẩm trí tuệ cũng như các cơ chế để giải quyết tranh chấp. Do đó, RCEP được đánh giá là không toàn diện và hài hòa bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, viết tắt là CPTTPP.    

ANH QUỐC CÓ KẾ HOẠCH ĐƯA HÀNG KHÔNG MẪU HẠM ĐẾN ẤN ĐỘ-THÁI BÌNH DƯƠNG

Theo chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore cho biết Hải quân Hoàng gia Anh có kế hoạch hoạt động tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương trong thời gian tới.

Hải Quân Anh sẽ thành lập nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, chiến hạm lớn nhất trong lịch sử quân đội Hoàng gia Anh. Nhóm mẫu hạm tác chiến gồm: Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth,  một phi đội máy bay chiến đấu F-35B của Không quân Hoàng gia, một phi đội F-35B của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Hàng không mẫu hạm này sẽ được từ 9 đến 10 chiến hạm khác tháp tùng, bao gồm tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu tiếp liệu và tàu ngầm, có thể bao gồm cả chiến hạm của một đồng minh NATO.

Trên tuyến đường xuyên qua Biển Đông, Hạm đội Anh ghé Đông Nam Á, và có thể tham gia các cuộc tập trận kết hợp với chiến hạm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, điều chắc chắn sẽ khiến Trung Cộng giận dữ.

Sau đó, nhóm tàu Anh Quốc có thể đi ngược lên Nhật Bản, ghé thăm một số cảng trên đường đi. Sau chiến dịch dự trù kéo dài từ 5 đến 6 tháng, đội tàu sẽ quay trở lại Vương Quốc Anh.

HOA KỲ BAN SẮC LỆNH CẤM ĐẦU TƯ VÀO CÁC CÔNG TY CÓ DÍNH LÍU ĐẾN QUÂN ĐỘI TRUNG CỘNG

Vào thứ Năm ngày 12.11, Tổng thống Donald Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp để cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Cộng mà Washington xác định là thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Cộng.

Theo Reuters, sắc lệnh này có thể tác động tới một số công ty lớn nhất Trung Cộng đã lên sàn chứng khoán, kể cả China Telecom, China Mobile và công ty sản xuất thiết bị giám sát Hikvision.

Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 11.01.2021 cấm các công ty đầu tư của Mỹ, các quỹ hưu trí và các công ty khác của Mỹ, mua cổ phần của 31 công ty Trung Cộng mà đầu năm nay bị Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác định là do quân đội Trung Cộng hậu thuẫn.

No comments:

Post a Comment