Mở đầu chương trình, mời quý vị cùng theo dõi phần Tin Tức với Tâm Anh và Bá Cơ.
1) BÃO SỐ 10 SẼ GIA TĂNG NGẬP LỤT VÀ SẠT LỞ Ở MIỀN TRUNG
Mặc dù đã suy yếu nhiều khi tiến vào Biển Đông nhưng bão Goni, tức bão số 10 tại Việt Nam, sẽ mang theo mưa lớn trút xuống các tỉnh miền trung, gia tăng tình trạng ngập lụt và sạt lở đồi núi trong vài ngày tới.
Sau khi tàn phá nặng nề miền trung Philippines vào hôm Chủ nhật 1/11, siêu bão Goni đã giảm cấp độ vào hôm qua khi tiến vào Biển Đông, với sức gió chỉ còn khoảng 95 cây số giờ. Giới khí tượng tiên đoán là bão Goni sẽ suy yếu thêm khi đổ bộ vào miền trung vào ngày mai.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là bão số 10 sẽ gây mưa lớn ở các tỉnh miền trung từ tỉnh Thừa Thiên đến tỉnh Phú Yên và trên tây nguyên, gia tăng nguy cơ sạt lở vì nhiều nơi đã hứng nhận một vũ lượng hơn 1500 mm trong các cơn mưa kéo dài suốt một tháng qua.
2) CHỦ NHÂN CÁC BOT LỘ PHÍ LẠI ĐỀ NGHỊ TĂNG PHÍ
Chủ nhân các trạm thu phí vừa gửi thư đề nghị nhà cầm quyền CSVN cho phép tăng thêm lộ phí để bù đắp chi phí sau một thời gian bị sụt giảm doanh thu vì đại dịch Vũ Hán.
Theo thống kê mới nhất của bộ Giao thông – Vận thải, chủ nhân các trạm thu phí đã thu về hơn 1 ngàn tỷ đồng trong 3 tháng vừa qua. Tuy nhiên bộ này cho rằng đây là mức quá thấp, chỉ vào khoảng 50% doanh thu so với năm ngoái. Chỉ trong năm nay, bộ Giao thông đã hai lần đề nghị tăng thêm lộ phí với lý do là các công ty này có nguy cơ vỡ nợ.
Tuy nhiên, phía người dân một lần nữa đã phản đối đề nghị của chủ nhân các trạm thu phí. Hầu hết đều cho rằng các công ty này có “ăn chia” với bộ Giao thông nên liên tục được bộ này nâng đỡ mà không quan tâm tới những khó khăn của các công ty vận tải do bị mất thu nhập vì đại dịch Vũ Hán.
Cần nhắc lại, trong hội nghị cắt giảm chi phí vận chuyển vào tháng 7 vừa qua, một chuyên gia cho biết là cước phí vận chuyển nông sản từ Sài Gòn ra Hà Nội cao gấp đôi cước phí gửi hàng sang Mỹ. Nguyên nhân chính yếu là có quá nhiều trạm thu phí trên tuyến đường này.
3) MỖI ĐẦU NGƯỜI TẠI VIỆT NAM ĐANG GÁNH GẦN 2 NGÀN MỸ KIM NỢ CÔNG
Theo tính toán của Uỷ ban Tài chánh Quốc hội, vào năm tới tổng số nợ công của Việt Nam sẽ vào khoảng 180 tỷ Mỹ kim, có nghĩa là mỗi người dân, từ già đến trẻ, đang chịu nợ gần 2 ngàn Mỹ kim.
Cũng theo báo cáo nói trên, chỉ riêng trong năm nay, khoản nợ phải chi trả là hơn 15 tỷ Mỹ kim, chiếm hơn 27% mức chi tiêu trong ngân sách. Ông Bùi Đặng Dũng, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chánh Quốc hội, cho biết là nhà nước thu vào 100 đồng mà phải trả nợ đến 27 đồng, thì không thể bảo đảm mức an toàn về tài chánh.
Điều đáng nói là theo dự toán của ủy ban nói trên, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 chỉ vào khoảng 6% nhưng nguồn thu vào lại sụt giảm đến 11%. Nếu dựa theo tỷ lệ bội chi hiện nay thì tổng số tiền nợ công sẽ tăng mạnh trong năm tới.
4) SÀI GÒN CÀNG NGÀY CÀNG CÓ THÊM NHIỀU ĐIỂM NGẬP LỤT NGHIÊM TRỌNG
Trước những than phiến của dân chúng, hai quan chức cao cấp nhất của thành Hồ đã đích thân đến quan sát các khu ngập lụt của thành phố để tìm hiểu thêm về vấn nạn này.
Vào năm 2016, sở xây dựng báo cáo là 40 tuyến đường thường xuyên ngập lụt và đưa ra mục tiêu là đến cuối năm này, con số này sẽ giảm xuống còn 25 tuyến đường hết ngập, hay chỉ ngập chút ít. Nhưng tình trạng ngập lụt đã trở thành một vấn nạn lớn nhất của dân Sài Gòn trong mấy năm qua, với mức độ càng ngày càng lớn, có nơi ngập sâu hơn một thước nước chỉ sau một cơn mưa lớn.
Trong phiên họp vào hôm qua, ông Nguyễn Văn Nên, tân bí thư thành ủy thành Hồ, tuyên bố tiến trình chống ngập là một công việc lâu dài. Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch thành phố, lập lại luận điệu là cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và cần thêm đầu tư tài chánh để xây dựng hệ thống đê dọc sông Sài Gòn.
5) CAMPUCHIA XUẤT SANG VIỆT NAM GẦN 1.5 TRIỆU TẤN THÓC
Là một nước luôn nói xuất cảng gạo đứng đầu thế giới, nhưng trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã nhập cảng từ Campuchia gần 1.5 triệu tấn thóc.
Con số nói trên do ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia, công bố vào hôm thứ Bảy 31/10. Điều đáng nói hơn là việc nhập cảng thóc từ Campuchia đã diễn ra trong vài năm qua, với số lượng trung bình là 2 triệu tấn thóc mỗi năm.
Một quan chức Campuchia cho biết hầu hết số thóc xuất cảng sang Việt Nam là loại giống ngắn ngày, có thể thu hoạch trong vòng 3 tháng, và không nằm trong mục tiêu chế biến thành gạo xuất cảng của Campuchia.
6) KHỦNG BỐ TẠI MỘT ĐẠI HỌC Ở AFGHANISTAN: 22 SINH VIÊN THIỆT MẠNG
Ít nhất 22 sinh viên đã bị thiệt mạng vào hôm qua khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công vào 1 trường Đại học quốc gia Kabul ở Afghanistan.
Vụ tấn công xảy ra khi các quan chức đến khai mạc hội chợ Sách báo Iran, được tổ chức tại khuôn viên đại học Kabul. Ít nhất là 3 tay súng đã xông vào khuôn viên trường, với một tên cho nổ khối mìn trên người trước khi bắt giữ một số con tin. Tuy nhiên, hai tên khủng bố sau đó bị lực lượng an ninh bắn chết.
Ngoài 22 sinh viên bị thiệt mạng, còn có hàng chục người khác bị thương. Vài giờ sau đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ thảm sát man rợ nói trên.
7) TRUNG CỘNG LẤN CHIẾM HƠN 300 CÂY SỐ VUÔNG LÃNH THỔ ẤN ĐỘ
Sau vụ giao chiến đẫm máu vào 6 tháng trước, Trung Cộng đã lấn chiếm hơn 300 cây số vuông đất đai ở biên giới Ấn Độ khiến cho tình hình chiến sự giữa hai nước có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Như tin đã loan, trong cuộc giao chiến ở biên giới vào 6 tháng trước, phía Ấn có 20 binh sĩ thiệt mạng, trong khi phía Trung Cộng nhất quyết không công bố con số thương vong của mình. Lợi dụng mùa đông giá lạnh, dưới 40 độ âm, quân đội Trung Cộng đã ngăn cản các cuộc tuần tra của biên phòng Ấn ở hai khu vực rộng hơn 300 cây số.
Theo tiết lộ của giới chức Ấn Độ, Trung Cộng đang tấn chiếm 250 cây số vuông ở bình nguyên Depsang, nơi có tuyến đường chiến lược dẫn đến đèo Karakoram. Đèo Karakoram nằm trên đường tơ lụa cũ, nối liền Ấn độ và Tân cương.
Ngoài ra, ngốn tin cho biết thêm là Trung Cộng còn tấn chiếm 50 cây số vuông ở thung lũng Pangong Tso.
No comments:
Post a Comment