Kính thưa quý thính giả, mặc dù có đầy đủ từ tiền bạc tới các chương trình đối phó với thiên tai nhưng khi thiên tai xảy ra thì người dân không hề thấy có bất cứ biện pháp nào được áp dụng, còn tiền thì dường như là “cho không, biếu không” các ông bà quan tham. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Chính phủ giỡn mặt với nhân dân?” của Nguyễn Thùy Dương sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Công tác phòng chống lụt bão cho đến hôm nay giống như công tác “Đụng”. Đụng đâu làm đó, đụng đâu dọn đó, sập đâu moi móc đó. Tôi không hề nhìn thấy đề án Phòng chống thiên tai lụt bão suốt từ đầu mùa bão đến bây giờ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường, người có trách nhiệm chính với công tác phòng chống lụt bão có thể cho tôi và nhân dân cả nước thấy cái đề án phải công khai nhưng không thấy đâu này, được không? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có làm đề án Phòng chống thiên tai lụt bão hay quên mất rồi?
Bão vần vũ Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình không hề có phương án di dân, không áo phao, không xuồng cứu nạn, không máy phát sóng ngắn. Dân tay không chống bão, quân è lưng đào đất moi móc tìm sự sống lẫn xác chết. Cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong phòng chống lụt bão xuất hiện mờ nhạt? Cho đến khi bão bạt tai miền Trung lần nữa ông Cường cũng xuất hiện không sáng sủa hơn là mấy?
Đáng ra với vai trò chính trong công tác phòng chống lụt bão, người tiếp cận địa bàn trực tiếp, chỉ đạo trực tiếp phải là ông Nguyễn Xuân Cường và ông Trần Quang Hoài – Bí thư Đảng ủy – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Ủy viên thường trực, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai, chứ không phải là ông Trịnh Đình Dũng. Ông Dũng biết gì mà chỉ đạo? Ông Cường phải là người nắm rõ phương án, biết rõ nơi nào sẽ sạt lở, đưa ra cảnh báo truyền thông liên tục, chỉ đạo theo kịch bản đề ra.
Rồi kịch bản đâu? Có xây dựng kịch bản không? Chính Phủ quản lý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểu gì mà ra nông nỗi này? Chính phủ đùa với dân hay xem thường dân?
Các dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng từ ngân sách T.Ư hằng năm nhằm khắc phục khẩn cấp hậu quả do thiên tai gây ra, trung bình khoảng 4.000 tỷ đồng/năm; luỹ kế cả giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 20.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách Trung ương đã cho trên 113 ngàn tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực Phòng chống thiên tai.
Trong đó:
– 14 ngàn 882 tỷ cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Phòng Chống Thiên Tai và ổn định đời sống dân cư.
– 4 ngàn 350 tỷ cho Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững.
– 3 ngàn 589 tỷ cho Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
– 5 ngàn tỷ cho Chương trình chống hạn và xâm nhập mặn vùng Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.
– 15 ngàn 866 tỷ cho Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
– Các dự án thủy lợi do Bộ NN&PTNT quản lý dùng 36 ngàn 800 tỷ ngân sách và 35 ngàn 823 tỷ vốn vay ODA.
Bây giờ đi đếm xác! Các vị muốn tôi nói cái gì với các vị đây?
Mặc dù có đầy đủ từ tiền bạc tới các chương trình đối phó với thiên tai nhưng khi thiên tai xảy ra thì người dân không hề thấy có bất cứ biện pháp nào được áp dụng, còn tiền thì dường như là “cho không, biếu không” các ông bà quan tham.
Nguyễn Thùy Dương
No comments:
Post a Comment