Sunday, February 18, 2024

Tin Tức: Chủ Nhật ngày 18.2.2024

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải

1. HÀ NỘI: MỘT SỐ NGƯỜI DÂN TỔ CHỨC TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ HY SINH TRONG CHIẾN TRANH CHỐNG TÀU XÂM LƯỢC NĂM 1979

Sáng ngày 17/2, một nhóm hơn mười người gồm cựu chiến binh, người hưu trí và người hoạt động xã hội đã đến dâng hương tại nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội để tưởng niệm 45 năm chiến tranh chống Trung cộng xâm lược.

Một trong những người tham gia buổi tưởng niệm nói với đài Đáp Lời Sông Núi với điều kiện ẩn danh rằng, ông phải trốn khỏi nhà trước đó để tránh sự ngăn cản của an ninh mật vụ. Tại nghĩa trang, nhiều công an mặc thường phục đã có mặt và họ dùng điện thoại, máy quay để ghi lại hình ảnh người dân đi thắp nhang tưởng niệm. Tuy nhiên, không có cuộc đàn áp hay bắt bớ nào như đã xảy ra vài năm trước. Bà Đặng Bích Phượng, một người hưu trí và cũng là một nhà hoạt động xã hội nói với BBC rằng, sở dĩ không bị đàn áp “là vì việc biểu tình, thắp hương mang tính phong trào rầm rộ như ngày xưa không còn nữa. Trước đây có đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, còn bây giờ chỉ có mấy ông bà về hưu, không bị o ép làm ăn thì mới đi viếng”.

Trong vài năm trở lại đây, nhà cầm quyền dập tắt mọi hoạt động tưởng niệm từ trong trứng nước. Tư gia của các nhà hoạt động, của những người được cho là sẽ tham gia tưởng niệm đều bị canh gác từ nhiều ngày trước. Nhiều người đã bị mời hoặc bị ép buộc lên trụ sở công an làm việc như một hình thức câu lưu cho đến khi kết thúc sự kiện. Tại những địa điểm tổ chức các buổi tưởng niệm, công an, mật vụ và dư luận viên được huy động với số đông để phá phách, đàn áp và bắt bớ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay dù không có lời kêu gọi nào tham gia biểu tình nay tưởng niệm nhưng tư gia của những người hoạt động nhân quyền tại Hà Nội, Sài Gòn vẫn bị công an đặt chốt canh gác.

2.ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG THĂM VIẾNG NGHĨA TRANG LIỆT SỸ HY SINH TRONG CHIẾN TRANH CHỐNG TÀU

Ngày 17/2, ông Trương Tấn Sang, nguyên chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã đến nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang) thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân Trung cộng xâm lược năm 1979.

Tham gia lễ dâng hương tửng niệm với ông Trương Tấn Sang, còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cùng các lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang…

Ngày 17/2/2017, khi còn giữ cương vị Chủ tịch nước, ông Trương Tấn cũng đã thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

Rất hiếm những cuộc thăm viếng của giới lãnh đạo đến các nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh chống Tàu vì được xem là hành động mếch lòng Bắc Kinh. Trong khi đó, các cuộc tưởng niệm do người dân và giới hoạt động nhân quyền tổ chức thường bị đàn áp thẳng tay.

3. VỤ ÁN TẠI TẬP ĐOÀN VẠN THỊNH PHÁT SẼ ĐƯỢC ĐƯA RA XÉT XỬ VÀO NGÀY 5/3

Toà án cộng sản tại Thành Hồ dự kiến sẽ đưa bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập doàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm ra xét xử, bắt đầu từ  ngày 5/3 đến 29/4. Nhóm bị can trên bị xác định đã có hành vi sai phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) hơn 400.000 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan bị xét xử các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Bà Trương Mỹ Lan đồng thời là bị hại của ông Nguyễn Cao Trí- Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella. Ông này bị xét xử tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" vì có hành vi chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỷ đồng.

85 bị cáo còn lại trong vụ án là những lãnh đạo cấp cao của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về các tội: tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Có năm cựu lãnh đạo cấp cao của SCB bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố, gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB), Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị), Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó tổng giám đốc), Trầm Thích Tồn (nguyên thành viên Hội đồng quản trị) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (nguyên Phó giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB), sẽ bị xét xử vắng mặt. Hiện cả năm người này đang bị Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã.

Trương Mỹ Lan được biết đến là một nhân vật thân tín của Lê Thanh Hải- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành Hồ. Nhờ sự cấu kết với Lê Thanh Hải, bà Lan trở thành một trong những người giàu có và quyền lực nhất trong giới doanh nhân. Công luận tin rằng việc bắt bà Trương Mỹ Lan nằm trong chiến dịch thanh trừng nội bộ của đảng cộng sản.

4. HÀNG TRĂM NGƯỜI DÂN NGA BỊ BẮT VÌ TƯỞNG NIỆM NHÀ ĐỐI LẬP NAVALNY

Bất chấp lệnh cấm “tập hợp” vào buổi tối của chính quyền Moscow, người dân vẫn xếp hàng dài để đặt hoa bên tượng đài tưởng niệm những nạn nhân của các đợt đàn áp chính trị thời Liên Xô, đặc biệt là nhà lãnh đạo đối lập Navalny, người vừa qua đời trong tù.

Tính đến sáng 17/2/2024, đã có hơn 200 người bị bắt ở 21 thành phố, chủ yếu là các trung tâm đô thị lớn, do tham gia các hoạt động tưởng niệm nhà đối lập Alexei Navalny vừa chết trong tù- theo số liệu mới nhất của tổ chức nhân quyền OVD-Info.

Ở Nga, bất kỳ hình thức phản kháng công khai nào, cho dù đặt hoa tưởng niệm đều có thể bị phạt tù. Truyền thông Nga im lặng trước cái chết của ông Navalny. Chỉ có một bản tin dành 28 giây nói về thông báo của nhà tù về cái chết của nhà lãnh đạo đối lập này. Moscow xem gọi những cáo buộc của phương Tây về trách nhiệm của Nga về cái chết của Alexeï Navalny là « không thể chấp nhận được ».

 

No comments:

Post a Comment