Friday, February 23, 2024

Lễ Hội Mùa Xuân ở Việt Nam

Bàn Ngang Tán Dọc

Ở Việt Nam có hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn lễ hội quanh năm ở khắp các miền đất nước, nhân dịp xuân về, chúng ta thử lược qua một vài Lễ Hội Mùa Xuân tiêu biểu....

 

Kịch Bản

ML- Chào anh TH, sang năm mới Giáp Thìn, anh chị và gia đình đã thấy phát tài phát lộc gì chưa? 

TH- Chào chị ML. Cảm ơn chị, chị vẫn khỏe luôn chứ? Qua năm mới gia đình chúng tôi vẫn bình thường, vì mình sống ở nước ngoài, nên năm mới không giống như ở VN, ngoài việc chung vui với bà con mấy sinh hoạt của cộng đồng thôi. Sao chưa thấy anh HD đến? 

ML- Anh HD đã thông báo vắng mặt hôm nay, thế anh không nhận được lời nhắn của anh ấy sao? 

TH- Tôi xin lỗi, mấy hôm nay lu bu quá, nên không đọc hết các lời nhắn, chắc anh HD và gia đình đi du xuân, năm nào anh chị ấy cũng có thói quen đó mà, sướng thật! 

ML- Chắc thế, mỗi năm anh ấy lại đi thăm một nơi. À, anh nói đến du xuân, ML sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nên chưa có dịp ra Bắc, nghe đâu ngoài ấy có nhiều Lễ Hội Mùa Xuân rất đặc biệt, anh có thể cho ML biết sơ qua một vài sinh hoạt ở ngoải, được không? 

TH- Ồ, nói đến Lễ Hội thì ở VN có đến hàng trăm hàng ngàn lễ hội diễn ra ở trên khắp các miền đất nước. TH đã đọc một tài liệu nghiên cứu về sinh hoạt văn hóa và tâm linh của VN, người ta tổng kết có đến gần 8,000 lễ hội lớn nhỏ quanh năm. Dĩ nhiên Mùa Xuân thì có nhiều lễ hội hơn. Ờ ngoài Bắc thì có Lễ hội Chùa Hương hay trẩy hội Chùa Hương là lễ hội lớn nhất và kéo dài từ ngày mồng 6 Tết cho đến hết tháng 3 Âm lịch. Lễ  được tổ chức tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là Lễ Hội dài ngày nhất ở VN, thu hút hàng trăm ngàn khách hành hương đến tứ khắp miền đất nước đầy.

ML- Chà, nghe là thấy hấp dẫn rồi, chắc vì thế mà đã tạo hứng cho nhạc nhẩm “Em Đi Chùa Hương” rất hay ra đới chăng?  Ước gì đất nước mình hết CS để ML được đi trẩy Hội Chùa Hương một lần cho biết, thì vui biết mấy!

TH- TH cũng nghĩ vậy. Ai cũng mong như thế đấy. Nhà nước CSVN họ cũng khai thác triệt để các lễ hội để thu hút khách du lịch, nhưng ngoài sinh hoạt văn hóa và tâm linh ra, họ còn có mục đích tuyên truyền và kiếm lời cho đảng nữa chứ.

ML- Ngoài lễ hội Chùa Hương ra, còn lễ hội nào lớn nữa không?

TH- Có chứ, sau Tết là Giỗ Đống Đa, diễn ra vào ngày mùng 5 Tết, nhắc lại trận chiến lẫy lừng của hoàng đế Quang Trung, đã tiêu diệt mấy chục vạn quân Thanh năm 1789 đấy.

ML- Sự kiện này thì ML đã biết khi học môn sử thời VNCH, nhưng sau này, nhà nước CSVN đã viết lại sách lịch sử, cố làm giảm nhẹ tội ác của Tàu khi đô hộ và xâm chiếm nước ta.

TH- Chị nói đúng, vì hiện nay CSVN đang lệ thuộc rất nặng vào CS Tàu, nên họ không dám làm mất lòng quan thầy đâu. Đó là lý do khiến nhiều học sinh không muốn học môn lịch sử nữa. Ngoài ra còn có lễ hội Khai Ấn Đền Trần, từ giữa đêm 14, mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vương, TP Nam Định. Tiếp đến là lễ hội Yên Tử, từ mồng 10 tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch. Yên Tử là nơi bắt nguồn Trúc Lâm Yên Tử của Phật Giáo Việt Nam. Đối với TH thì Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương là lễ hội quan trọng nhất, để ghi nhớ công ơn dựng nước của Vua Hùng. Lễ được tổ chức trong  6 ngày từ mùng 5 đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch, không chỉ tổ chức tại Đền Hùng ở Việt Trí, Phú Thọ, mà ở khắp nơi trong nước. Có câu thơ nhắc rằng:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Ngoài ra ở Miến Bắc còn có Lễ hội Gióng, Hội Lim, Lễ hội chùa Keo nữa. 

ML- Không chỉ ở VN đâu, mà ở hải ngoại nơi nào có người Việt sinh sống thì hàng năm vẫn tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đấy. Còn ở Miền Nam thì ML ghi nhận có lễ hội rất quen thuộc là Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, diễn ra trong 3 ngày từ 13 tháng Giêng. Rồi cò có lễ hội Núi Bà Đen ở Tây Ninh từ mùng 4 Tết cho đến hết tháng Giêng. Ngay tại Sài Gòn thì có lễ hội Đền Đức Thánh Trần, tức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. 

TH- Trở ra Miền Trung thì TH thấy có lễ hội Đền Vua Mai, tức là Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, diễn ra từ Mùng 3 đến mùng 5 Tết. Ngoài ra còn có lễ hội Làng Sình mang đậm nét Huế, vào ngày 10 tháng Giêng Âm Lịch. Rồi có Lễ hội Cầu Ngư còn gọi là Lễ hội Cá Ông mang nét văn hóa của ngư dân ven biển Miển Trung VN.  Dó là những lễ hội mang tầm quốc gia, bên cạnh đó, như TH nói, có hàng ngàn lễ hội khác ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền nữa, chúng ta không thể nói hết được hôm nay đâu. 

ML- Theo ML hiểu thì có những lễ hội mang truyền thống văn hóa rất tốt, cũng có những lễ hội duy trì các truyền thống không còn phù hợp với văn minh thời nay nữa, anh TH có nghĩ vậy không? 

TH- Chị nói đúng, có những lễ hội duy trì truyền thống gây phảm cảm như lễ hội chém lợn, chém trâu. Lại có lễ hội mang tính mê tín dị đoan nữa, không nên duy trì những sinh hoạt ấy. 

ML- ML có một nhận xét về việc tổ chức lễ hội ở VN; là vì lợi nhuận và mang tính ganh đua, nên mỗi nơi đều cố gắng tổ chức sao cho linh đình hầp dẫn hơn nơi khác, để thu hút du khách, nên đã thêm thắt nhiều chi tiết mới vào, làm biến chất ý nghĩa đích thực của nguồn gốc thật. 

TH- Chị nói đúng, những điều ấy đã gây ra biết bao nhiêu phiền toái khác, đặc biệt là cảnh xô đẩy, chen lấn diễn ra trong các lễ hội lớn mấy năm gần đây. Còn nhiều chuyện, nhưng chúng ta không thể bàn hết hôm nay. Lần sau có anh HD về, mình sẽ bàn tiếp vậy. 

ML- Cảm ơn anh TH....

No comments:

Post a Comment