Friday, January 3, 2020

Sức Mạnh Của Truyền Thông

Quan Điểm

Một sức mạnh vô cùng quan trọng là sức mạnh từ tự do báo chí và truyền thông. 
Việc chính phủ Úc cho cảnh sát đột kích tòa soạn, nhà phóng viên là ví dụ điển hình về việc bịt miệng truyền thông báo chí, gây bất mãn cho các ký giả, khi họ nỗ lực phát hiện ra những sai trái và sự việc này liên quan đến các quan chức trong chính phủ.  Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Sức Mạnh Của Truyền Thông” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thưa quý thính giả,
Vừa qua các cuộc tấn công của cảnh sát liên bang Úc vào cơ quan truyền thông báo chí đã bị dư luận Úc lên án là quá nặng tay. Việc này gây ảnh hưởng không tốt đến quyền tự do báo chí, vốn được hợp pháp hóa tại Úc.
Chủ tịch điều hành của tập đoàn tin tức News Corp, Michael Miller đã nhấn mạnh việc các chính trị gia Úc cố tình vùi dập các tài liệu mật, rồi nhân danh luật pháp để giấu giếm công chúng, khiến người dân Úc bị che mắt hoặc bị chìm trong bóng tối.
Sự tồn tại các luật lệ hiện hành đang bịt miệng các cơ quan truyền thông báo chí, đồng thời xói mòn sức mạnh của nền dân chủ tại Úc. Quan trọng hơn nữa là công chúng sẽ không được biết sự thật, bởi vì báo chí không thể thông tin cho họ và đây là thảm kịch thực sự.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc Hội liên bang, ông Andrew Hastie cho biết, Ủy ban đã nhận được nhiều thư phản đối từ nhiều cơ quan truyền thông báo chí, cùng các nhà bảo vệ nhân quyền và pháp lý, cũng như các cơ quan thực thi pháp luật.
Một số giám đốc cao cấp chịu trách nhiệm quản lý các trung tâm tin tức thuộc giới truyền thông báo chí của Úc đã khẩn cấp họp mặt, sau khi Cảnh sát Liên bang Úc đột kích vào nhà của một nhà báo làm việc cho News Corp và văn phòng của đài ABC tại Sydney, liên quan đến các cuộc điều tra độc lập về các vụ bê bối của chính phủ.
Việc các giám đốc cao cấp từ những cơ quan truyền thông báo chí lớn nhất của Úc đã thể hiện “sức mạnh của truyền thông” khi cùng xuất hiện trước Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc Hội liên bang.
Trong một xã hội pháp trị, việc cảnh sát đột kích vào nhà hoặc văn phòng tư nhân là phạm pháp. Sự việc này đang nổ lớn tại Úc. Trong khi đó Việt cộng lại cho rằng, họ không cần sức mạnh của báo chí như Úc và các quốc gia Tây phương mà VN vẫn tồn tại vì họ có Tự do. Họ nói rằng, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”. Nhưng mọi người dân Việt đều biết Tự do mà Việt cộng huênh hoang là Tự do trong khuôn khổ do đảng đề ra.
Tự Do Báo Chí đã tạo một sức mạnh trong xã hội Mỹ. Nước Mỹ không thể văn minh và giàu mạnh như ngày nay nếu không có “sức mạnh của truyền thông”. Năm 1789, hiến pháp Mỹ quy định tam quyền độc lập: hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Ngày 15/12/1791, Tự do Báo chí được quy định trong Tu chính Án thứ Nhất của Hiến Pháp Mỹ. Đã hơn 200 năm trôi qua, nhiều luật lệ được Quốc hội Mỹ thông qua, quy định chi tiết hơn về Tự do Báo Chí…
Tại Úc, tập đoàn truyền thông, báo chí thường là công ty tư nhân như công ty Nine Entertainment Company, News Corp… Các tờ báo, các đài phát thanh, đài truyền hình trực thuộc các công ty này thường hoạt động độc lập. Tin tức, bài viết, chương trình đều do chủ bút hoặc giám đốc đài chịu trách nhiệm.
Hầu hết các trường đại học ở Úc đều đào tạo chuyên ngành Truyền thông Báo chí. Tùy theo quy mô và thế mạnh của từng trường, các khóa học này được trải dài từ bậc cử nhân cho đến tiến sĩ. Các khóa học về báo chí truyền thông tại Úc thường được cân bằng giữa lý luận và thực tiễn. Sinh viên được cung cấp những kiến thức nền tảng về truyền thông báo chí cũng như áp dụng kiến thức thực tế từ các môn học, từ đó sinh viên có thể lựa chọn các chuyên ngành phù hợp và đúng với khả năng của mình. Yếu tố trở thành phóng viên giỏi là kiến thức, yêu nghề, trung thực, can đảm và tài năng nhận định sự việc.
Trong khi đó tại các nước cộng sản như Trung cộng và Việt Nam thì ngược lại, muốn trở thành nhà báo chuyên nghiệp, có thể hoạt động lâu dài phải là đảng viên hoặc được đảng viên cấp cao bảo đảm và chỉ phổ biến tin một chiều do đảng đưa ra hay chỉ được tô son làm đẹp chế độ. Còn những nhà báo chân chính đưa tin sự thật thì bị trù dập, điển hình như 12 nhà báo trong nước đang bị tù tội vì dám nói lên sự thật. Họ là những nhà báo can đảm, thà chịu ở tù vẫn một lòng kiên định cho Tự do Báo chí tại Việt Nam.
Năm 2017, trong Đại hội Báo chí tại Hà Nội, Tổng bí thư đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: “báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với báo chí”.
Lời tuyên bố sặc mùi độc tài này cho thấy trong tương lai người dân trong nước, nhất là các cơ quan truyền thông sẽ bị “bịt miệng” nhiều hơn trước. Điều này chẳng những đi ngược lại với trào lưu dân chủ trên thế giới, mà còn làm cho nền văn hóa Việt ngày càng thêm suy đồi, gây ra hậu quả là Việt Nam ngày nay trở thành một nước nghèo đói, sẽ không bao giờ theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
ĐLSN

No comments:

Post a Comment