Friday, January 31, 2020

Trách Nhiệm Khi Làm Chủ Tịch Một Định Chế Quốc Tế

Quan Điểm

Đầu năm  mới 2020, Việt Nam được làm Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng làm Chủ Tịch Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, tức ASEAN. Đây là một vinh dự trên mặt ngoại giao, nhưng qua vị trí này, những người được giao nhiệm vụ sẽ làm được gì ích lợi cho người dân Việt Nam?. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Trách Nhiệm Khi Làm Chủ Tịch Một Định Chế Quốc Tế” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thưa quí thinh giả,
Vào những tháng cuối năm 2019, nếu ai theo dõi thời sự thế giới và Việt Nam, đều biết rằng vào đầu năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (CT/HDBALHQ), đồng thời cũng làm Chủ Tịch Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (CT/ASEAN), gọi tắt là ASEAN. Cả hai vị trí này đều là chủ tịch luân phiên.
Về Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có 15 thành viên, gồm 5 thành viên thường trực là Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, và 10 thành viên không trường trực, trong ấy có Việt Nam, với nhiệm kỳ 2 năm (2020-2021). Mỗi thành viên sẽ luân phiên làm chủ tịch trong 1 tháng, theo thứ tự tên gọi quốc gia, do đó, Việt Nam đảm nhiệm chủ tịch tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Tuy nhiệm vụ chủ tịch HĐ là luân phiên, và chỉ kéo dài một tháng, nhưng mỗi tháng, HĐBA có rất nhiều vần đề được thảo luận và quyết định. Những đề tài gồm các diễn biến về an ninh trên toàn thế giới. Cũng có những vấn đề do một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc nêu ra, hoặc những biến động bất thường đòi hỏi HĐ phải giải quyết. Những đề tài cần thảo luận, sẽ được Tổng Thư Ký HĐBALHQ xem xét và thiết lập lịch trình, rồi Chủ Tịch Hội Đồng sẽ chủ trì các cuộc họp.
Theo dõi cuộc họp báo đầu tiên, ngày 02/01/2020 của HĐBA do đại sứ Đặng Đình Quý chủ tọa, ông cũng là trưởng phái đoàn của Việt Nam tại LHQ. Nghị trình làm việc trong tháng 1/2020 gồm có 12 cuộc họp công khai và 15 cuộc họp kín. Căn cứ vào lịch trình được phân phát cho các ký giả, họ đã đặt ra nhiều câu hỏi để tìm hiểu thêm về mỗi chủ đề.
Điều chúng tôi mong đợi là vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được nhắc đến trong nghị trình, nhưng chúng tôi đã thất vọng, ngay khi có một ký giả nêu ra vấn đề này.  Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Việt Nam với vai trò là CT/HĐBA LHQ trong tháng 1/2020 có nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông ra trước Hội đồng để xem xét hay không, ông Qúy trả lời là “không,” nhưng nói thêm rằng Việt Nam sẽ “đảm bảo rằng phái đoàn của ông đang theo dõi tình hình (Biển Đông) một cách cẩn thận”.
Điều làm cho chúng tôi càng ngạc nhiên hơn là phái đoàn VN đã đưa ra những ưu tiên trong nhiệm kỳ 2 năm (2020-2021) là thành viên không thường trực của HĐBALHQ, bao gồm những điểm sau đây:
  • Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương Liên hiệp quốc.
  • Cải tiến cách thức làm việc của Hội Đồng Bảo An, tăng cường hợp tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương Liên hợp quốc.
  • Vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột.
  • Phụ nữ, hòa bình và an ninh, và trẻ em trong xung đột vũ trang.
  • Khắc phục hậu quả xung đột, bao gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột.
  • Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc.
  • Tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.
Nhìn vào những điểm mà phía VN xem là ưu tiên, chúng tôi không thấy có những tương quan trực tiếp đến hoàn cảnh của VN hiện nay!
Hôm nay cũng là ngày chấm dứt một tháng làm CT/HĐBALHQ, kết quả như chúng ta đã biết trước, ngoài cái danh dự được nêu ra, thì chẳng đem đến một lợi ích cụ thể nào cho VN!.
Sang đến vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN, thì đây là đất nhà, là nơi dụng võ của VN, là cơ hội 10 năm mới có một lần, chắc chắn những người nắm vị trí quan trọng này, phải biết rõ đâu nguyện vọng thiết thực của người dân nước mình. Căn cứ vào các tài liệu và những ngôn từ của ông Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 18/11/2019, thì chủ đề mà VN nêu ra cho năm làm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.? Nghe sao có vẻ rất mơ hồ!
Còn vấn đề tranh chấp Biển Đông, theo ông Dũng thì Biển Đông là vấn đề được các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm, gồm 5 nội dung chính là hòa bình, ổn định; tự do hàng hải và hàng không; tuân thủ luật lệ, tuân thủ Tuyên bố của các bên về Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy Tắc Ưng Xử ở Biển Đông (COC); tình hình thực địa và hoạt động của ngư dân. Ông Dũng còn cho biết: “Nếu có các vấn đề liên quan đến 5 nội dung nói trên, chúng sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị, ở cả ASEAN và Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”.
Dự kiến, trong năm 2020, VN làm chủ tịch ASEAN, sẽ có khoảng 300 cuộc họp lớn nhỏ, trong đó có hai hội nghị thượng đỉnh, một  vào tháng 4 và và một vào tháng 11/2020. Theo dõi những cuộc họp này, chúng ta sẽ biết được VN hành sử vai trò chủ tịch này như thế nào?
Khi VN được ngồi vào vị trí chủ tịch các định chế quốc tế như nói trên, họ phải ý thức rằng: dưới con mắt của cộng đồng quốc tế, họ đang đại diện cho 97 triệu công dân của quốc gia Việt Nam, chứ không phải đại diện hay liên quan gì đến đảng CSVN. Nhất là vai trò cầm quyền của đảng CSVN hiện nay không hề do người dân ủy nhiệm qua bất cứ một cuộc bầu cử dân chủ nào! Vì vậy họ phải phục vụ cho quyền lợi của người dân VN, thay vì cho quyền lợi của đảng CS, nhất là đảng này hiện đang bị Trung Cộng chi phối. Chính TC đã, đang và sẽ tạo áp lực để vô hiệu hóa mọi động thái gây bất lợi cho quyền lợi của TC, khi VN làm chủ tịch ASEAN, trong ấy vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề quan trọng nhất hiện nay.
Chúng ta hãy cùng theo dõi và chờ xem.
Cám ơn quí thính giả đã hteo dõi bài QĐ của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment