Wednesday, January 22, 2020

Tin Tức: Thứ Tư, ngày 22/01/2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được  Hoàng Ân Miên Dương trình bày sau đây:
le="text-align: justify;">
1)  NẠP ĐƠN KIỆN VỀ VỤ GIẾT HẠI DÃ MAN ÔNG LÊ ĐÌNH KÌNH Ở XÃ ĐỒNG TÂM.
Một nhóm đấu tranh cho dân chủ đã đệ đơn tố cáo việc công an sát hại dã man ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, trong cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1.
Đơn kiện do 12 nhà trí thức đấu tranh mang đến trụ sở viện kiểm sát Hà Nội để đệ nạp vào hôm qua thứ Ba. Trong số người ký tên có Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Lá đơn viết rõ là dựa trên các thông tin và hình ảnh mà chính công an công bố, dư luận đều nhận thấy rõ là ông Kình bị bắn chết ở cự ly rất gần với nhiều vết đạn chí mạng. Chính vì thế, đơn kiện khẳng định đây là một vụ cố sát mà thủ phạm cần phải bị trừng trị theo đúng pháp luật.
Trong thông điệp đưa lên mạng vào hôm qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A tuyên bố: cần phải tìm ra những kẻ giết chết cụ Kình. Trong khi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diệu kêu gọi phải truy tố những kẻ chủ mưu giết hại cụ Kình.
Mặc dù một nữ nhân viên của viện kiểm sát đã nhận đơn kiện vào hôm qua, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A không tin tưởng là bạo quyền Hà Nội sẽ tiến hành vụ kiện, vì hơn một tuần qua, bộ công an Việt Nam vẫn tiếp tục vu cáo người dân Đồng Tâm là có hành vi khủng bố.
2)  BÀ NGUYỄN THÚY HẠNH BỊ THẨM VẤN VỀ SỐ TIỀN PHÚNG ĐIẾU ÔNG LÊ ĐÌNH KÌNH.
Vào chiều thứ Hai ngày 20/1, cơ quan an ninh VN đã ép bà Nguyễn Thúy Hạnh đến trụ sở để thẩm vấn về số tiền 500 triệu đồng mà bà Hạnh mở trương mục Vietcombank để phúng điếu cho gia đình ông Lê Đình Kình, người bị công an bắn chết dã man trong vụ tấn công xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1.
Theo lời kể của bà Hạnh, trước đó bà đã đến chi nhánh Vietcombank ở quận Ba Đình – Hà Nội để chất vấn lý do tại sao phong tỏa trương mục nói trên và nhận được câu trả lời là theo lệnh của công an. Khi bà và ông Huỳnh Ngọc Chênh rời chi nhánh thì bị một nhóm an ninh mật vụ ép buộc về trụ sở an ninh để thẩm vấn về khoản tiền nói trên.
Bà Hạnh cho biết là đám an ninh còn chất vấn về lý do tại sao quen biết cụ Kình, và cảm nhận của bà đối với cái chết của 3 công an trong vụ tấn công giết người ở xã Đồng Tâm vào sáng ngày 9/1. Sau một tiếng đồng hồ bị chất vấn, bà Hạnh dứt khoát từ chối ký vào biên bản hỏi cung nhưng vẫn được cho ra về.
Tuy nhiên ngay sau đó, bộ công an ra thông cáo giải thích lý do phong tỏa trương mục của bà Hạnh là để ngăn chận cái mà họ gọi là “tài trợ cho bọn khủng bố”.
3)  ĐỀ NGHỊ ÂU CHÂU GIA TĂNG SỨC ÉP TRƯỚC KHI KÝ THƯƠNG ƯỚC VỚI VN.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) vừa ra thông báo kêu gọi nghị viện Âu châu hãy đặt thêm điều kiện đối với bạo quyền VN trước khi thông qua thỏa ước mậu dịch tự do với Việt Nam.
Thông cáo cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để các nghị viên Âu châu có tiếng nói chung trong việc đề ra các mốc điểm, ép buộc Hà Nội phải cải thiện một cách cụ thể về nhân quyền tại VN nếu muốn thông qua thương ước EVFTA.
Ủy ban Thương mại Âu châu đang lâm vào thế khó xử vì các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Trong thời gian qua, rất nhiều thành viên của ủy ban này ủng hộ việc thông qua thương ước càng sớm càng tốt, nhưng bây giờ thì rất nhiều nghị viên nhận thấy được bản chất dối trá của bạo quyền CSVN nên muốn tận dụng cơ hội hiếm hoi này để ép buộc Hà Nội phải có những cải thiện rõ  ràng chắc chắn về nhân quyền.
Đối với Hà Nội, việc thông qua thương ước này là rất quan trọng đề phát triển kinh tế sau nhiều năm thương thuyết. Ngược lại, đối với khối Âu châu thì không mang lại ích lợi gì nhiều từ thương ước này, thậm chí còn lo sợ là Việt Nam sẽ trở thành tấm bình phong xuất cảng hàng hóa của Trung Cộng sang Âu châu.
4)  VN TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA DU KHÁCH TÀU ĐỂ ĐỐI PHÓ DỊCH VIÊM PHỔI CORONA.
Giới hữu trách VN đang gia tăng kiểm soát các chuyến bay đến từ Trung Cộng, Đài Loan, Ma Cao và Hồng Kông để ngăn ngừa dịch viêm phổi corona lan nhiễm sang VN. Không chỉ có du khách Tàu mà công dân các nước mới phát giác nhiễm dịch như Thái Lan, Nam Hàn và Nhật Bản cũng bị kiểm tra thân nhiệt tại các phi trường VN.
Cần biết là tính đến hôm qua, thứ Ba ngày 21/1, đã có 6 công dân Hoa Lục thiệt mạng vì bệnh viêm phối do vi khuẩn corona gây ra. Giới chuyên viên y tế Trung Cộng vào hôm qua xác định là có một số trường hợp được xác nhận là lan nhiễm từ người này sang người khác.
Giới hữu trách VN cho biết là hai phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất mỗi ngày đều có từ 11 đến 16 chuyến bay đến từ Hoa Lục. Ngoài ra còn có hàng chục chuyến bay đến từ Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan.
Tuy nhiên, các quan sát viên thế giới tin rằng, bất chấp các nỗ lực kiểm tra, VN có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao vì có chung biên giới với Trung Cộng, với hàng trăm ngàn du khách Hoa Lục lui tới bằng đường bộ mỗi tuần. Bằng chứng mà họ nêu ra là dịch tả heo Phi châu đã tràn sang VN chỉ vài tháng sau khi dịch này bộc phát ở Hoa Lục.
5)  TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI HỌP KHẨN VỀ DỊCH VIÊM PHỔI Ở HOA LỤC.
Tổ chức Y tế Thế giới (gọi tắt là WHO) đã mở phiên họp khẩn vào hôm nay, thứ Tư ngày 22/1, nhằm tìm ra biện pháp chặn đứng dịch bệnh viêm phổi cấp tính corona đang có nguy cơ lan rộng tại Á châu, với sự di chuyển của hàng tỷ người trong dịp Tết Âm lịch.
Trong khi đó, hầu hết các nước Á châu đều báo động đỏ sau khi nhận khuyến cáo từ tổ chức WHO về dịch bệnh này. Từ Hồng Kông cho đến Sydney, kể cả các đảo quốc lớn nhỏ ở Thái Bình Dương, đều tăng cường biện pháp kiểm soát biên giới.
Tại Hồng Kông, nơi bộc phát dịch viêm phổi SARS khiến hàng trăm người chết vào năm 2003, nhà cầm quyền đã đưa ra mức báo động tối cao. Tất cả hành khách đi máy bay xuất phát từ thành phố Vũ Hán bị buộc phải khai rõ tình trạng sức khỏe và nếu che giấu sẽ bị phạt vạ đến 6 tháng tù.  Tại biên giới Hoa Lục, giới chức y tế được tăng cường để kiểm tra thân nhiệt những người qua lại.
Chính phủ Đài Loan cũng vội vã tăng cường kiểm soát vào hôm qua, sau khi phát giác một du khách Hoa Lục nhiễm bệnh khi đo thân nhiệt tại phi trường Đài Bắc.
6)  CỰU TỔNG GIÁM ĐỐC INTERPOL BỊ TRUNG CỘNG TUYÊN ÁN 13 NĂM RƯỠI TÙ.
Ông Mạnh Hoàng Vĩ, một công dân Hoa Lục giữ chức Tổng giám đốc cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol), vào hôm qua đã bị Trung Cộng tuyên án 13 năm rưỡi tù về tội ăn hối lộ. Ông Vĩ còn bị tuyên phạt 2 triệu Hoa tệ, tức khoảng 290 ngàn Mỹ kim.
Tòa án cao cấp ở thành phố Thiên Tân cho biết ông Vĩ 65 tuổi đã “thành khẩn thú nhận mọi tội danh” và sẽ không kháng cáo. Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2017, ông Vĩ đã lạm dụng chức thứ trưởng công an Trung Cộng để ăn hối lộ hơn 2 triệu Mỹ kim.
Cần nhắc lại, ông Vĩ bị Trung Cộng bắt giam tại Hoa Lục vào tháng 10 năm 2018 khi đang là Tổng giám đốc cơ quan Interpol. Vài ngày sau đó, cơ quan này nhận được lá thư xin từ chức của ông.

No comments:

Post a Comment