Tuesday, September 4, 2018

Giáo dục hư hỏng vì Cộng Sản

Bình Luận

Thưa quý thính giả, sự thật oái ăm cho dân Việt là bao lâu còn một nhà cầm quyền bất lương như CSVN thì đất nước sẽ không thể có một nền giáo dục chân chính được.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Giáo dục hư hỏng vì Cộng Sản” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Vụ gian lận thi cử tại tỉnh Hà Giang lan qua các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn và toàn thể miền Bắc chỉ là một phần nổi cho thấy cảnh thối nát từ gốc rễ của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Bộ mặt trơ tráo của đảng bị vạch ra nhờ “truyền thông lề trái” khi các trang Facebook trưng bằng cớ những kết quả “bất ngờ” không ai tin được trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học ở Hà Giang. Một tỉnh heo hút phía Bắc mà số thí sinh có điểm cao chót vót lại chiếm tỷ lệ áp đảo trên cả nước! Trong khối A1 với 3 môn toán, vật lý và ngoại ngữ, cả nước có 76 thí sinh đạt tổng điểm 27/30 thì Hà Giang có 36 thí sinh đạt mức này, chiếm 47.37% tổng số trên toàn quốc. Điểm thi cao sẽ mở đường cho các thí sinh này được vào học đại học, được đi học ngoại quốc dễ dàng hơn.
Hà Giang có tới 57 thí sinh đạt điểm 9/10 trở lên với bài thi môn toán rất khó, trong khi những nơi đông thí sinh hơn như Sài Gòn chỉ có 32 người và Nam Định có 13 thí sinh được điểm như vậy. Những con số bất ngờ sửng sốt này khiến bộ máy thi cử phải điều tra.
Người ta tìm ra hơn 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang được sửa điểm. Tương tự, riêng tỉnh Hà Giang có 65 thí sinh được hơn 9 điểm trong môn vật lý.
Tuy đã bắt giam mấy người trực tiếp sửa bài thi nhưng kết quả điều tra của Bộ Giáo Dục đã đi đến kết luận có việc “nâng điểm nhầm”, “cộng điểm lộn.” Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ xuất hiện trên truyền hình giải thích nội vụ với bộ dạng tươi tỉnh như không hề xảy ra chuyện gì cả, khiến cho dư luận càng phẫn nộ.
Facebook LuanLe nói rõ nguyên nhân là con người trong chế độ Cộng Sản đã mất hết nhân cách: “Nhân cách không còn, còn chẳng quan trọng thì huống hồ gì bài thi?” Và kể thêm: “…tiền trong ngân hàng biến mất, bản đồ quy hoạch bị mất, công chức biến mất không một dấu vết, nay bài thi mất tích. Chẳng chuyện gì mà không thể xảy ra được ở xứ thiên đường này cả”.
Facebook Cuong Nguyen nhìn rộng ra các lãnh vực khác nhau: “Bộ trưởng Bộ Giáo Dục thì buôn điểm, bộ trưởng Bộ Y Tế thì buôn thuốc giả. Bộ trưởng Bộ Thông Tin thì buôn tin giả. Bộ Chính Trị thì buôn chính sách giả”.
Trước năm 1975 ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, người ta cũng lo ngăn chặn gian lận thi cử. Nhưng nếu có cũng chỉ phát hiện các vụ gian lận nho nhỏ. Điều quan trọng nhất là trong xã hội miền Nam còn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo” vai trò của các nhà giáo vẫn được mọi người kính trọng. Được kính trọng, những người lo việc coi thi, chấm thi, cộng điểm thi, v.v…, đều cố giữ lòng tự trọng. Việc coi thi, chấm thi được coi là những “sứ mạng” thiêng liêng. Thi cử công bằng, trong sạch là danh dự nghề nghiệp, bảo vệ cả danh dự của quốc gia. Cho nên các nhà giáo Việt Nam Cộng Hòa không để cho mình bị mua chuộc, không để ai dọa nạt lay chuyển.
Tình trạng giáo dục miền Bắc Việt Nam khác hẳn. Ông Vương Trí Nhàn đã viết bài “Mấy cảm nhận về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc” trước năm 1975, dưới hai chế độ tự do và cộng sản. Bài này đăng trên tạp chí “Nghiên Cứu và Phát Triển” số 7 và 8 năm 2014.
Ông Vương Trí Nhàn cũng mở đầu bằng chuyện thi cử: “Một trong những chuyện vui vui xảy ra với nền giáo dục hôm nay là chỉ thị của Bộ Giáo Dục, khoảng cuối 2013, cho các tỉnh, khuyên cơ quan chính quyền tỉnh nên cẩn thận và ráo riết trong việc kiểm soát các tin tức tiêu cực từ các cuộc thi. Nó là bằng chứng cho thấy giáo dục đã nát như thế nào và người ta cố tình che giấu như thế nào”.
Nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn đã nhắc lại lối văn che đậy của nhà nước: Thay vì nói “gian lận thi cử” thì người ta trừu tượng hóa thành “tin tức tiêu cực từ các cuộc thi”. Riêng việc sử dụng ngôn từ cũng cho thấy bộ mặt xảo trá của chế độ Cộng Sản. Tất cả những bê bối, tráo trở, gian ác, đều được cho đội cái mũ: “Hiện tượng tiêu cực!” Bàn chuyện tham nhũng, cường quyền, từ việc giết người trong đồn công an đến những tỷ đô la trong ngân hàng biến mất, tất cả đều được gọi là “hiện tượng tiêu cực”. Báo chí trong nước bị bắt buộc nói về những “hiện tượng tiêu cực” này như đang bàn luận triết học!
Ông Vương Trí Nhàn đã nói về “hiện tượng tiêu cực ở trường thi” một cách táo bạo: “Nhưng nó cũng tố cáo sự phụ thuộc hoàn toàn của nhà trường vào nhà cầm quyền. Giáo dục trở thành việc nhà của địa phương rồi, người ta cho biết cái gì, thì dân được biết cái đó”.
Ông đã “tiên đoán” phần nào những chuyện bê bối mới bị phanh phui ở Hà Giang, Sơn La, và ở hầu hết các tỉnh miền Bắc: “Giáo dục trở thành việc nhà của địa phương rồi!”
Hiện tượng này không khiến ai ngạc nhiên. Tự gốc rễ, Cộng Sản là một chế độ độc tài toàn trị. Tất cả đặt dưới bàn tay của một nhóm người. Họ cũng chủ trương xóa sạch các truyền thống của tổ tiên, mà họ gắn cho nhãn hiệu “phong kiến”.
Đối với Cộng Sản, giáo dục cũng chỉ là một dụng cụ để bảo vệ quyền chuyên chính. Khi nào còn chế độ Cộng Sản thì nền giáo dục nước ta chưa thể ngóc đầu lên được./.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment