Monday, September 10, 2018

Nguy cơ lệ thuộc về tài chính khi mậu biên được sử dụng đồng Nhân dân tệ

Bình Luân

Thưa quý thính giả, Sự kiện chính phủ VN hợp thức hóa sử dụng đồng Nhân Dân Tệ trong giao thương mậu dịch với TQ thay vì đồng Mỹ Kim nằm trong âm mưu bán nước của CSVN. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Thảo Vy với tựa đề: “Nguy cơ lệ thuộc về tài chính khi mậu biên được sử dụng đồng Nhân dân tệ” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

“Trung Quốc vẫn sử dụng chính sách thanh toán với đồng nhân dân tệ, còn doanh nghiệp tụi tui khi đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu, luôn yêu cầu thanh toán bằng đồng USD, hoặc những ngoại tệ có tính chất chuyển đổi trên thị trường, vì đồng nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền có tính chất chuyển đổi”.

Một thương nhân ngành dừa ở tỉnh Bến Tre, nói như vậy.
Doanh nghiệp Việt Nam thường muốn bán sản phẩm theo đường chính ngạch, nhưng do quy định về thuế của Trung Quốc có sự chênh lệch nhau, nên doanh nghiệp phía Trung Quốc thường sử dụng phương thức buôn bán tiểu ngạch là chính; còn gọi là buôn bán biên mậu.
Đơn cử, nếu một doanh nghiệp Trung Quốc mua mủ cao su của Việt Nam theo đường chính ngạch thì phải chịu thuế từ 18-20% trên giá trị lô hàng, còn mua theo tiểu ngạch thì thuế chỉ còn 9-10%, giảm gần phân nửa so với chính ngạch.
Hệ lụy của phương thức mua bán này là có khi giá bán rất cao mà nguyên nhân do doanh nghiệp đóng thuế thấp, nên họ chấp nhận mua giá cao hơn giá chung của thị trường, nhưng nếu gặp lúc Hải quan phía Trung Quốc đóng cửa để kiểm tra các doanh nghiệp buôn bán, kinh doanh thì một lượng hàng không chỉ là cao su, mà các hàng nông sản khác bị ứ đọng tại các cửa khẩu, lúc này, giá bán lại hạ xuống.
Đối với thanh toán biên mậu, các doanh nghiệp từ miền Trung trở vào Nam có chủ trương là hạn chế thanh toán bằng tiền đồng của Trung Quốc. Nếu đối tác thanh toán bằng tiền của họ, thì thương nhân Việt cũng thanh toán lại bằng tiền đồng Việt Nam; đương nhiên, hình thức thanh toán như thế chứa đựng nhiều rủi ro.
Ở mặt hàng gạo, khi bán sang Trung Quốc, các doanh nghiệp khu vực chợ gạo cầu Bà Đắc (tỉnh Tiền Giang) vẫn phải chấp nhận thanh toán theo hình thức biên mậu trả chậm. Sau khi giao hết hàng, phía đối tác Trung Quốc mới dần dần trả tiền, thời gian chậm trung bình từ nửa tháng tới 1 tháng.
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cho phép giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ song song với đồng Việt Nam từ ngày 12-10 tới đây, được cho là nhằm “Thực hiện Hiệp định thương mại biên giới ký ngày 12 tháng 9 năm 2016 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hiệp định thanh toán và hợp tác ký ngày 26 tháng 5 năm 1993, sửa đổi ngày 16 tháng 10 năm 2003 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc”.
Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC, phân tích: “Cái gọi là thanh toán trực tiếp ở đây không có nghĩa là các doanh nghiệp sử dụng tiền mặt Nhân Dân Tệ (NDT) để mua bán hàng hóa với Trung Quốc, mà là việc doanh nghiệp phải mua NDT (thay vì mua USD) của các ngân hàng thương mại để thanh toán hàng nhập khẩu cho Trung Quốc. Đồng thời sẽ bán NDT (thay vì bán USD) cho các ngân hàng thương mại khi thu được tiền bán hàng cho Trung Quốc.
Như vậy, khác nhau ở chỗ thay vì thanh toán qua ngân hàng bằng đồng USD thì có thể thanh toán bằng đồng NDT. Đối với nền kinh tế nói chung, cái hại là việc bị phụ thuộc nhiều hơn vào đồng tiền Trung Quốc. Tức là hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ rủi ro cao hơn vì phải phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và kinh tế của Trung Quốc”.
Các thương nhân nói rằng việc hợp thức hóa NDT trong các giao dịch ở biên giới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là khó hiểu, vì thực tế, sức mạnh và độ tin cậy của đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế vẫn chưa được đánh giá cao và vẫn chưa là đồng vốn chính của các định chế tài chính lớn trên thế giới như WB, ADB, IMF…
“Mặc dù Việt Nam chưa ký Hiệp định Hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, tuy nhiên việc Nhân dân tệ hóa sẽ nguy hiểm hơn đô la hóa rất nhiều, bởi chúng ta liền biên giới với Trung Quốc. Theo đó, trước tiên, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ thâm nhập các tỉnh biên giới và lan dần vào nội địa Việt Nam, sau đó trở thành thế lực tài chính thực sự.
Thế lực này dịch chuyển trong sự dịch chuyển của tỷ giá hối đoái và theo lãi suất, sẽ chi phối mọi hoạt động tiêu dùng hàng ngày của dân cư”. Ông Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang, nhận xét.
Nói thêm, ông Lê Xuân Nghĩa từng là Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia.
Một vấn đề khác mà phía chuyên gia cũng chỉ ra là hiện nay Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc rất nặng. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Mỹ, sang Nhật… Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (mặc dù là giao dịch tại biên giới đường bộ) thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc.
Trước đó, trong một hội thảo về tài chính, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ 2016-2021, khuyến cáo:
“Nếu ai từng đến các chợ ở khu Chợ Lớn (TP.HCM) sẽ thấy sự khủng khiếp của hàng hóa biên mậu. Biên mậu là chính sách mà có lẽ chỉ Việt Nam có với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Các nước trên thế giới chỉ tồn tại chính ngạch với buôn lậu chứ không có biên mậu. Biên mậu là loại “nửa dơi nửa chuột”, là nhập nhèm giữa chính ngạch với buôn lậu.
15 tỉ USD biên mậu với Trung Quốc đã đè kinh tế Việt Nam không vươn lên nổi. Chúng ta không thể có công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ bởi chính sách biên mậu với Trung Quốc”./.
Thảo Vy

No comments:

Post a Comment