Wednesday, September 19, 2018

Trung Quốc đã muốn thì phải chiều

Bình Luận

Chính sách cho phép sử dụng đồng Nhân Dân Tệ trên lãnh thổ Việt Nam là một bằng chứng không thể chối cãi rằng đảng CSVN chỉ là công cụ của đảng CSTQ và đảng CSVN đang tiến hành công cuộc bán nước cho CSTQ.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trân Văn với tựa đề: “Trung Quốc đã muốn thì phải chiều” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại 7 tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên) là bằng chứng mới nhất, rõ nhất về việc Trung Quốc đã muốn thì phải chiều, bất kể chuyện chiều theo ý muốn của Trung Quốc nguy hại như thế nào cho vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, độc lập – tự chủ về kinh tế – xã hội và xa hơn nữa là chính trị…

Tháng 1 năm 2015, ngay sau khi Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân dân tệ của Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam, thông qua báo giới, mạng xã hội, doanh giới, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam đã đồng loạt phân tích – cảnh báo hàng loạt hậu quả theo sau việc chấp nhận đề nghị này.
Lúc ấy, một trong những người khuyến cáo chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không nên gật đầu với đề nghị cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam là ông Cao Sỹ Kiêm – cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Kiêm nhấn mạnh: “Cho dù mối quan hệ giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc rất rộng, nhưng vì sức cạnh tranh và khả năng quản lý thị trường của Việt Nam còn kém, việc từ chối hay cho phép sử dụng Yuan ở Việt Nam sẽ dẫn tới hệ quả là kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc ít hay nhiều”.
Khi được đề nghị bình luận về nhận định của ông Lê Đăng Doanh (một chuyên gia kinh tế – người cho rằng đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC, vi phạm chủ quyền của Việt Nam), ông Kiêm cho rằng: “Chủ quyền của Việt Nam có bị xâm hại hay không là do Việt Nam. Nếu sức cạnh tranh đã đủ lớn, hợp thức hóa việc sử dụng Yuan bằng các quy định mà có thể kiểm soát chặt chẽ thì sẽ bảo vệ được chủ quyền. Ngược lại, không giữ được độc lập về kinh tế, độc lập trong việc quản lý chính sách thì chủ quyền sẽ bị xâm hại”.
Không chỉ có ông Doanh, ông Kiêm, ông Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội, cũng tin rằng: “Chấp nhận sử dụng Yuan để thanh toán các giao dịch thương mại tại Việt Nam sẽ đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ đối mặt với 2 nguy cơ: Gia tăng rủi ro đối với doanh nghiệp Việt Nam vì Yuan chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Mặt khác, nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn, ở vị thế yếu hơn về thương mại, doanh giới Việt Nam sẽ phải vay Yuan từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ không chỉ lệ thuộc Trung Quốc về hàng hóa mà còn lệ thuộc cả về tài chính”.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), khẳng định: “Nguyên tắc thanh toán cho các giao dịch trên lãnh thổ của quốc gia nào phải sử dụng tiền tệ của quốc gia đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng làm đủ cách để loại bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa, tại sao lại có thể chấp nhận cho sử dụng Yuan trên lãnh thổ Việt Nam?”
Tương tự, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế khác – ví von: “Nội tệ cũng như quốc kỳ, cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cũng như cho phép treo cờ Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam”.
Bên ngoài Việt Nam, sau khi phân tích lợi – hại nếu chấp nhận đề nghị cho phép dùng Yuan thanh toán trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam mà phần bất lợi Việt Nam gánh hết, ông Vũ Quang Việt – một chuyên gia kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc – nhận định: “Không quốc gia nào muốn có nền kinh tế độc lập, lại xóa bỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ của mình bằng cách cho phép sử dụng rộng rãi vàng hay ngoại tệ trong thanh toán nội địa, dù nó là đồng Yuan hay Mỹ kim. Sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi chứng tỏ rằng người dân không còn tin nội tệ và muốn giữ nó, đưa đến việc nội tệ mất giá”.
Cách nay 3 năm rưỡi, đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC – cho phép sử dụng Yuan trong các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam – từng làm dư luận Việt Nam dậy sóng. Giờ, khi đề nghị đó trở thành hiện thực, tại sao phản ứng của báo giới, của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh giới Việt Nam lại khẽ khàng, nhẹ nhàng như đó là chuyện tất nhiên của thực trạng Trung Quốc đã muốn thì Việt Nam phải chiều?
Trân Văn

No comments:

Post a Comment