Monday, September 10, 2018

Tin tức ngày Chủ Nhật, 09.09.2018

Tin Tức

DU KHÁCH TRUNG QUỐC SANG VIỆT NAM BỊ CÁO BUỘC TRỐN THUẾ
Việt Nam News loan tin rằng nhiều khách du lịch người Trung Quốc tới Việt Nam luôn tìm cách trốn thuế, với sự hỗ trợ ‘đắc lực’ của các công ty du lịch.
Vụ việc nầy được phát hiện sau khi có tin nhiều tiệm buôn lẻ của người Tàu buôn bán ở Việt Nam đã sử dụng các máy điện tử chưa được cấp phép hoạt động để thanh toán hoá đơn mua bán. Điều đó khiến cho giới hữu trách Việt Nam lo ngại tình trạng dùng ngoại tệ bất hợp pháp và trốn thuế dễ dàng. Ở những tụ điểm du lịch có nhiều khách TQ tới viếng như Quảng Ninh, Nha Trang, Khánh Hoà đều liên tục xảy ra tình trạng mua bán được thanh toán không qua hệ thống NHNNVN và phần lớn khối lượng tiền đó chảy ngược về TQ, đã làm thiệt hại cho ngân sách của nhà nước Việt Nam ngày càng gia tăng.

THÀNH HỒ BỊ QUY TRÁCH NHIỆM VI PHẠM TRONG VỤ QUY HOẠCH THỦ THIÊM

Ngày thứ sáu 7/9, theo thông báo của Bản báo cáo 10 trang của Thanh Tra Chính Phủ, Cơ quan Đặc trách giải quyết khiếu nại của người dân đã nêu ra những vi phạm và sơ sót của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình phê duyệt qui hoạch, điều chỉnh qui hoạch, thu hồi đất, đến bù, tái định cư và lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ …trong dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng qui trách nhiệm trực tiếp cho nhà chức trách địa phương và Ủy ban Nhân dân Thành Hồ.
Tình trạng tranh chấp bắt đầu từ năm 2000, giữa người dân và chính quyền về ranh qui hoạch và chính sách bồi thường bị coi là vô lí và không công bằng. Hằng ngàn người dân Thủ Thiêm trở thành dân oan vì mất đất, mất nhà đã liên tục khiếu kiện dai dẳng và gay gắt hơn 10 năm qua, từ các cấp địa phương cho tới trung ương ở Hà Nội.
Tuy nhiên, một số cư dân bị ảnh hưởng vẫn còn dè dặt về kết luận của thanh tra. Họ chỉ ra rằng còn “nhiều” diện tích đất nằm ngoài ranh qui hoạch đã bị thu hồi, nhưng không thấy nhắc tới trong bản báo cáo.

BA QUAN CHỨC THANH HOÁ ĐI MỸ LÀM ‘ NGOẠI GIAO’
Ngày 6/9 vừa qua, bà Lê thị Thìn, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tuyên bố đã duyệt xét cho 3 quan chức tỉnh đi Mỹ làm công tác ngoại giao với chi phí từ ngân sách nhà nước dự trù cho chuyến đi lên đến 1,7 tỷ đồng, tương đương với 72,868 đô la Mỹ.
Theo báo Lao Động đăng tải, chi phí của ba vị quan chức tốn hàng trăm triệu đồng cho mỗi khoản thuê xe, cũng như “các buổi làm việc,” thuê phiên dịch tiếng Anh… Chỉ riêng khoản chi cho in ấn tài liệu và tặng phẩm đã là 200 triệu đồng (hơn $8,571).
Giữa lúc người dân Thanh Hóa đang sống với lũ do nước sông Mã, sông Bưởi dâng cao khiến nhà dân ở các huyện miền núi Thanh Hóa bị ngập đến nóc nhà, ba người mất tích do sạt lở đất và lũ cuốn trôi. Thì quan đầu tỉnh dùng tiền thuế của dân để đi du hí nườc ngoài.
Ba quan chức có tên trong danh sách là: bà Lê Thị Thìn, ông Nguyễn Văn Biện – giám đốc Sở Ngoại Vụ, và bà Trần Thị Thu Hằng – giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Đầu Tư Thương Mại và Du Lịch.
HOA KỲ CÓ THỂ ÁP THUẾ THÊM 267 TỈ MỸ KIM LÊN HÀNG HÓA TRUNG QUỐC
Thứ sáu 7/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: ngoài 200 tỉ Mỹ kim hàng hóa của nước này vốn đang đối mặt với nguy cơ bị đánh thuế, ông sẵn sàng áp thuế quan thêm 267 tỉ nữa lên giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Cả hai đợt thuế này gần như áp dụng lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để buộc Trung Quốc phải thực hiện những thay đổi chính sách kinh tế lớn.
Ông Trump đã áp thuế quan 25 phần trăm lên 50 tỉ Mỹ kim giá trị hàng hóa của Trung Quốc, chủ yếu là máy móc công nghiệp và các linh kiện điện tử trung gian, bao gồm các chất bán dẫn. Một giai đoạn lấy ý kiến công chúng đã kết thúc vào cuối ngày thứ Năm với một danh sách 200 tỉ Mỹ kim hàng tiêu dùng và các mặt hàng khác của Trung Quốc có thể sẽ chịu mức thuế từ 10 đến 25 phần trăm.

DỊCH CÚM HEO CHÂU PHI HOÀNH HÀNH ĐE DỌA KINH TẾ TRUNG QUỐC

Dịch cúm heo châu Phi đang hoành hành ở nhiều trang trại chăn nuôi của Trung Quốc. Sau khi phát hiện nhiều trường hợp nhiễm cúm heo châu Phi vào tháng 8, truyền thông Trung Quốc cho biết số lượng heo bị tiêu hủy đã lên đến 38.000 con. Bệnh cúm heo châu Phi không ảnh hưởng đến con người, nhưng hầu như con heo nào bị nhiễm cũng đều chết. Trận dịch này đã gây ra sự đảo lộn trong ngành công nghiệp sản xuất thịt heo của Trung Quốc và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của nước này. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết: đến nay, giá thịt heo tại Trung Quốc đã tăng hơn 7%.
Tình hình càng thêm phức tạp khi Trung Quốc phải đối phó với cuộc chiến thương mại đang leo thang với Mỹ. Trung Quốc đã áp thuế quan bổ sung 25% lên các sản phẩm thịt heo Mỹ để trả đũa việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc càng gặp khó khăn trong việc tăng nhập khẩu thịt heo để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung trong nước. Chưa kể, đồng Nhân dân tệ đang giảm giá so với USD cũng khiến việc nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.
Trận dịch hiện nay chưa kiểm soát được nên vẫn tiếp tục lan rộng vì chưa có loại vaccine nào để ngừa căn bệnh này cho heo. Tốc độ lây lan về mặt địa lý của dịch cúm heo này tại Trung Quốc có nguy cơ sẽ vượt biên sang Đông Nam Á hoặc bán đảo Triều Tiên.

MỸ TRIỆU HỒI CÁC NHÀ NGOẠI GIAO Ở TRUNG MỸ VỀ CHUYỆN ĐÀI LOAN

Thứ Sáu 7/9, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: Hoa Kỳ đã triệu hồi các đại sứ của Mỹ tại Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama vì những nước này đang cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ngả về Trung Quốc. Đảo Đài Loan tự trị hiện nay chỉ còn quan hệ chính thức với 17 nước, hầu hết trong số này là các quốc gia nhỏ bé và kém phát triển ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương, bao gồm Belize và Nauru. Nói chung, Trung Quốc đang dẫn dụ các nước khác bằng những khích lệ kinh tế nhưng khiến những nước này bị phụ thuộc và bị Trung Quốc thống trị kinh tế.
Riêng Hoa Kỳ, tuy không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng là nước cung cấp vũ khí chính và là nước hậu thuẫn Đài Loan mạnh mẽ nhất trên thế giới. Còn Trung Quốc luôn luôn coi Đài Loan là một tỉnh li khai của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để buộc hòn đảo này qui phục.

No comments:

Post a Comment