Monday, September 24, 2018

Tin tức ngày thứ Hai, 24/09/2018

Tin Tức

NỀN KINH TẾ VIỆT NAM VẪN DỰA VÀO VIỆC GIA CÔNG SẢN PHẨM
Dựa trên các số liệu thu thập được từ nhà nước Việt Nam, giới chuyên gia thế giới khẳng định là mặc dù có mức tăng trưởng khá, nhưng nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào sức lao động rẻ mạt để gia công sản phẩm cho các công ty nước ngoài.

Vào hôm 19/9, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố báo cáo, cho thấy đa số các công ty Việt Nam đều dựa vào việc gia công hàng hóa cho nước ngoài với lệ phí rất thấp. Theo báo cáo, tổng lệ phí thu được trong năm 2016 là 8 tỷ 600 triệu Mỹ kim. Các ngành gia công là những ngành nghề chỉ lắp ráp hoặc chế biến nhỏ các loại hàng hoá gia dụng như: may dệt quần áo, làm giày dép, ráp máy tính, điện thoại… với giá lương lao động thấp.
Điều nghịch lý, là các công ty nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề khác tại Việt Nam đều có lợi nhuận lớn. Theo lời biện bạch của giới kinh tế gia Việt Nam, thì các công ty Việt Nam không thể cạnh tranh được vì thiếu chuyên gia, thiếu vốn đầu tư và thiếu kỹ thuật sản xuất.

HƠN TRĂM NGÀN SINH VIÊN TẠI VN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC KHÔNG CÓ VIỆC LÀM
Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho biết trong quý II năm nay, cả nước có số người thất nghiệp có trình độ đại học là 126,900 người, chiếm 2.47%, giảm 15,400 người so với quý I.
Ngoài ra, còn có thêm 70,800 người có trình độ cao đẳng vẫn chưa có việc làm. Tình trạng dân lao động có trình độ đại học nhưng thất nghiệp, đến nay vẫn được đánh giá là quá cao, ở mức báo động.
Theo một người tốt nghiệp đại học trên 10 năm nay, hiện đang kinh doanh nhỏ tại Hà Nội, cho biết vì không xin được việc làm đúng ngành học nên phải chọn một nghề phổ thông khác để sinh sống. Đó cũng là số phận của nhiều người có bằng đại học nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng, đành phải chấp nhận ở nhà hay làm các công việc khác để trang trải cuộc sống. Tình trạng có bằng cấp nhưng không có việc làm hiện nay rất phổ biến trong xã hội Việt Nam CS.

BINH SĨ HOA KỲ LÀM CÔNG TÁC THIỆN NGUYỆN Ở QUẢNG NAM

Binh sĩ Hoa Kỳ và một số nước đồng minh đã mở các cuộc cứu trợ nhân đạo và làm việc thiện nguyện tại tỉnh Quảng Nam vừa qua, dưới chương trình có tên là “Các thiên thần Thái Bình Dương” [PAC ANGEL: Pacific Angel 2018].
Từ ngày 10/9 đến ngày 15/9 vừa qua, nhóm thiện nguyện gồm các binh sĩ đến từ Mỹ – Úc – Singapore, để giúp tu bổ nhà cửa, trường học, bệnh viện. Đồng thời khám bệnh và chữa bệnh ở một số khu vực ở tỉnh Quảng Nam.
Được biết, trong nhóm nhân viên thiện nguyện này có Trung tá Không quân Trịnh Gia Vinh, một công dân Mỹ gốc Việt. Chương trình thiện nguyện “Các thiên thần Thái Bình Dương” do Hoa Kỳ khởi xướng vào năm 2007. Không riêng gì Việt Nam mà một số quốc gia khác ở khu vực cũng hưởng nhiều lợi ích từ chương trình này.

VATICAN SẼ HY SINH ĐÀI LOAN ĐỂ TÁI LẬP GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Ở HOA LỤC
Chính phủ Đài Loan đang chuẩn bị tinh thần về việc Tòa thánh Vatican có thể đoạn giao với đảo quốc này, để được nhà nước Trung Quốc cho phép giáo hội Công giáo được sinh hoạt ở Hoa lục.
Cần biết là ở Hoa Lục có hai giáo hội Công giáo, một cái thuộc nhà nước, không thuần phục Vatican, trong khi giáo hội kia thì sinh hoạt không chính thức. Theo ước tính, tại Hoa Lục có khoảng 10 triệu người theo đạo Công giáo.
Theo kết quả đàm phán mới nhất, Trung Quốc đã đồng ý cho giáo hội quốc doanh công nhận Tòa thánh Vatican và Giáo hoàng Francis. Đổi lại, Vatican phải chấp nhận các giám mục mà Trung Quốc chỉ định. Thỏa ước này sẽ mở đường cho việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai bên, sau khi bị cắt đứt vào năm 1951.

HOA KỲ ĐE DỌA TRỪNG PHẠT BẤT CỨ AI BÁN XĂNG DẦU CHO BẮC HÀN

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vào hôm qua tuyên bố sẽ trừng phạt nặng bất cứ công ty hay quốc gia nào vi phạm lệnh cấm cung cấp xăng dầu hay khí đốt cho Bắc Hàn.
Theo nhận định từ giới quan sát viên thì tuyên bố trên có vẻ nhắm vào nước Nga, vì đang có bằng chứng cho thấy nước này đã lén lút cung cấp khí đốt cho Bắc Hàn. Vào tuần trước, bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, mạnh mẽ tố cáo Nga đã nhiều lần vi phạm lệnh trừng phạt Bắc Hàn mà LHQ đưa ra.
Lời tuyên bố nói trên cho thấy chính phủ Donald Trump muốn duy trì sức ép đối với Bắc Hàn, để giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

HOA KỲ BÁC BỎ CÁO BUỘC CỦA IRAN VỀ VỤ THẢM SÁT TRONG LỄ DUYỆT BINH

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, vào hôm qua lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Iran là Hoa Kỳ và các nước đồng minh đã tiếp tay gây ra vụ tấn công trong buổi lễ duyệt binh ở Iran, khiến 25 binh sĩ Vệ binh Quốc gia và thường dân bị thiệt mạng vào hôm thứ Bảy 22/9.
Cáo buộc nói trên do Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani đưa ra trên đài truyền hình quốc gia, sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu nói trên tại buổi lễ kỷ niệm cuộc chiến Iran – Iraq vào 20 năm trước. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Iran cũng tuyên bố sẽ trả thù vụ tấn công này.
Trong khi đó, tại buổi gặp gỡ các nhóm đối lập Iran tại Mỹ, ông Rudy Giuliani, một cố vấn của Tổng thống Donald Trump, tuyên bố là các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang gây khốn đốn cho nền kinh tế của Iran và có thể dẫn đến sự sụp đỗ chế độ hiện tại. Tuy nhiên, bộ ngoại giao Mỹ cho biết đó chỉ là nhận định riêng của ông Giuliani, chứ không phải của chính phủ Donald Trump.

TRUNG QUỐC PHẢN ĐỐI VIỆC HOA KỲ ĐƯA RA LỆNH TRỪNG PHẠT VÌ MUA VŨ KHÍ CỦA NGA
Theo tin Reuters hôm 23/9, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và bãi bỏ các thảo luận về quân sự với Mỹ, nhằm phản đối việc Hoa Kỳ đưa ra lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì nước này mua hỏa tiễn và chiến đấu cơ của Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng, Zheng Zeguang đã triệu tập Đại sứ Mỹ, Terry Branstad để lên tiếng phản đối vào ngày 22/9.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ rút ngắn chuyến công du Mỹ của Tư lệnh Hải quân TQ là Thẩm Kim Long, và tạm ngưng các cuộc thảo luận giữa các quan chức quốc phòng hai nước dự định diễn ra vào tuần tới. Cũng theo thông báo này thì quân đội Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp phản đối khác mà không cho biết cụ thể đó là gì. Và việc Trung Quốc mua máy bay và hệ thống hỏa tiễn của Nga là sự hợp tác bình thường giữa hai nước mà Mỹ không có quyền can thiệp vào.

No comments:

Post a Comment