Sunday, July 8, 2018

TRẢ LỜI THƯ TÍN

Trả Lời Thư Tín


Thưa quí thính giả, trong 2 tuần qua, thư các thính giả gửi cho Đài chúng tôi đề cập đến nhiều sự kiện, nhưng rất đặc biệt là các sự kiện liên quan đến những người đối kháng trong nước nói chung và các tù nhân chính trị nói riêng, đã chiếm một phần lớn.

Trước hết là về vụ sinh mạng nữ tù nhân Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như đang bị đe doạ nghiêm trọng. Như Đài chúng tôi đã loan tin, bà Nguyễn thị Tuyết Lan, thân mẫu của Mẹ Nấm, sau chuyến đi thăm MN ở trại tù Thanh Hoá về, đã báo động là nhà cầm quyền CSVN đang áp dụng nhiều biện pháp đê tiện để ám hại MN như giam chung với những tội phạm hình sự để dùng tay các tên này hành hạ Mẹ Nấm, hoặc nếu giam riêng thì phá ổ khoá phòng giam để MN không thể ra khỏi phòng. Trước sự kiện này, nhiều thính giả đã nêu câu hỏi tại sao một nhà nước nắm mọi quyền lực và phương tiện mà lại có những hành động đê tiện như vậy, tiêu biểu như thư bà Mỹ Lý ở Nha Trang, xin trích, “… Thật tôi không thể ngờ được nhà cầm quyền lại dở những thủ đoạn hèn mạt như vậy để đối phó với một người phụ nữ như Mẹ Nấm. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy đảng CSVN đang lâm vào tình trạng ‘bần cùng sinh đạo tặc’?”
Thưa bà Mỹ Lý và quý vị thính giả — Mặc dù đảng CSVN nắm giữ mọi quyền lực nhưng sự nắm giữ này lại không phải là do dân chúng uỷ thác mà là do sự áp đặt, đi ngược lại lòng dân. Vì vậy tập đoàn này đang tìm mọi cách, kể cả những phương cách đê hèn nhất, để trấn áp, quy phục những tiếng nói phản kháng. Mẹ Nấm là một tiếng nói phản kháng kiên cường, mạnh mẽ nhất mà chúng muốn khuất phục! Còn về nhận định cho rằng đảng CSVN “bần cùng” nên “sinh đạo tặc”, chúng tôi nghĩ không chính xác lắm. Câu ngạn ngữ “bần cùng sinh đạo tặc” chỉ muốn nói hoàn cảnh “bần cùng” có thể khiến con người bình thường làm chuyện “đạo tặc”, tức là chuyện trái luân thường, đạo lý. Trong khi đó, với chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, đảng CSVN bất cứ lúc nào cũng có thể hành xử theo cung cách “đạo tặc”, dù đang ở thời kỳ hưng thịnh hay lúc suy vong!
Cũng liên quan đến hành động “đạo tặc”, một số thính giả đã lên án đảng CSVN về việc sai côn đồ ném đá vào nhà của cựu tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh ở Di Linh, Đồng Nai liên tục nhiều ngày qua. Như quý thính giả đã biết, Cô Minh Hạnh là một người tranh đấu cho quyền công nhân và vận động thành lập công đoàn độc lập. Vì các hoạt động này, cô bị bắt và xử tù 7 năm vào đầu năm 2010; sau khi được thả cuối tháng 10 năm 2014, cô tiếp tục theo đuổi con đường tranh đấu.
Trong số thư này có của thư của cô Vũ thị Minh ở Quảng Trị nêu ý kiến, xin trích, “Cháu càng ngưỡng phục sự dấn than hy sinh của những người như chị Minh Hạnh bao nhiêu thì càng khinh bỉ những tên đàn ông ném đá vào nhà cô bấy nhiêu. Tuy nhiên, cháu nghĩ đây có lẽ là chủ trương của một số cán bộ, nhân viên an ninh của địa phương muốn lấy điểm với cấp trên, chứ không phải của nhà nước. Bởi vì nếu muốn trừng phạt chị Minh Hạnh thì nhà nước đã giam giữ chị trọn 7 năm như án tù, chứ không thả chị sớm gần 2 năm!”
Thưa cô Minh – việc côn đồ ném đá, cũng như các đồ vật gây đổ vỡ, dơ bẩn -như sơn, mắm tôm, kể cả phân người- vào nhà những cự tù nhân chính trị, hoặc những người bất đồng chính kiến, đã xẩy ra từ bao nhiêu năm nay, và xẩy ra ở nhiều nơi, từ Bắc chí Nam, chứ không phải chỉ mới xẩy ra đối với nhà cô Minh Hạnh. Vì vậy, dứt khoát đây là một chủ trương phát xuất từ trung ương của Đảng CS. Đây chính là chủ trương “côn đồ” như chúng tôi vừa góp ý liên quan đến Mẹ Nấm kể trên. Còn việc thả sớm cô Minh Hạnh không nhất thiết là do khoan hồng. Đảng CSVN thường dùng các tù nhân chính trị như là một món hàng để đổi chác, ra giá trong việc thương lượng với các nước Tây phương!
Trường hợp vợ chồng LS Nguyễn văn Đài và cô Lê thị Thu Hà qua Đức tỵ nạn cũng là một đề tài được nhiều thính giả quan tâm góp ý.
Thư ông Lê Văn Cường ở Toronto, Canada trình bày một nhận định được một số thính giả khác cũng chia sẻ, xin trích, “… Nghe tin LS Nguyễn Văn Đài đến Đức, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì ông thoát cảnh ngục tù và gia đình ông được sống an toàn, thoải mái. Nhưng lo vì công cuộc đấu tranh mất đi một điểm tựa, một ngôi sao dẫn đường…”
Thưa ông Cường và quý thính giả — Chúng tôi chủ trương cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ của đất nước phải đặt trên căn bản của toàn dân, mỗi người đều có trách nhiệm đóng góp, không phải chỉ trông cạy vào một số cá nhân. Thêm nữa, công cuộc đấu tranh của chúng ta cũng không nên trông chờ một vị lãnh tụ, một đấng minh quân dẫn dắt, soi đượng. Trên các căn bản đó, đối với trường hợp LS Nguyễn Văn Đài qua Đức, chúng tôi nghĩ là sự hy sinh của Ông và gia đình Ông cho công cuộc chung đã quá đủ. Thêm nữa, không phải chỉ có một môi trường đấu tranh là nội địa, hải ngoại cũng là địa bàn rất quan trọng, và nếu quyết tâm, làm việc có kế hoạch, việc đóng góp vào công cuộc chung cũng vẫn cần thiết và vẫn có kết quả.
Vì thời giờ có hạn, chúng tôi xin chấm dứt phần Trả Lời Thư Tín tại đây.
Kính chào tạm biệt quí thính giả và hẹn gặp lại kỳ sau.
Đằng Giang

No comments:

Post a Comment