Wednesday, July 11, 2018

Đặc khu bán nước hại dân

Bình Luận

Trong những giờ phút cuối cùng của chế độ, Bộ Chính Trị đảng CSVN đã quyết tâm bán từng phần đất nước cho Tàu Cộng, hầu gia đình con cái có một sống xa hoa tại các đế quốc tư bản.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Trần với tựa đề: “Đặc Khu bán nước hại dân” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Làn sóng chống Dự luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc của hàng chục ngàn người ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam trong hai ngày 10 và 11 tháng 06 năm 2018 đã lôi ra ánh sáng âm mưu của đảng Cộng sản Việt Nam, muốn cong lưng bắc cầu cho Trung Cộng leo xuống Đông Nam Á và ra Biển Đông để thực hiện chiến lược “Một vành đai – Một con đường” (hay “Nhất đới – Nhất lộ”).
Trước hết hãy nói về âm mưu của Dự án Vân Đồn (Tỉnh Quảng Ninh), đã bị tác giả Hoàng Dũng phát giác và phổ biến trên Internet và báo điện tử Bauxite Việt Nam từ ngày 20/06/2018, chứng minh đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã cam tâm làm nô lệ cho Tầu Bắc Kinh.
Cũng cần nhắc lại Vân Đồn (Tỉnh Quảng Ninh) là cửa ngõ ra Vịnh Bắc Bộ, là chặng dừng chân đầu tiên của tầu bè Trung Hoa đi xuống Việt Nam, nhưng cũng là tuyến phòng ngự ở vùng biển Đông Bắc của Việt Nam từ thời các vua chúa Việt. Hơn nữa Vân Đồn chỉ cách đảo Hải Nam, căn cứ Tầu ngầm của Trung Hoa, chừng 200 hải lý (mỗi hải lý dài 1,852 mét).
Từ Vân Đồn, nơi có sân bay mới hoàn thành dài nhất Việt Nam (theo Sohanews, 13/06/2018) sẽ nối kết với các thành phố ven biển Đông Á của Trung Cộng, trong đó có Thượng Hải và đảo Hải Nam. Máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Vân Đồn cũng sẽ dễ dàng và mau chóng tới các nước trong khối ASEAN (Hiện hội các nước Đông Nam Á) trong vùng Biển Đông gồm Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Nam Dương, Brunei và Phi Luật Tân.
Ngoài ra, Nhật Bản, Nam-Bắc Hàn và Nga cũng nằm trong tầm với của sân bay Vân Đồn.
Ngoài hàng không, Vân Đồn cũng có dự án sẽ xây dựng hải cảng cấp quốc tế để các tầu quân sự, thương mại và du lịch tới lui. Huyện đảo Vân Đồn còn có vịnh Hạ Long, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Với những lợi điểm kinh tế, giao thông, du lịch và chiến lược quốc phòng quan trọng này, hèn chi mà Trung Cộng không tìm mọi mánh lới để lùa Việt Nam chui vào cái bẫy “Con Đường Tơ Lụa” trên đất liền và trên biển, hay “Một vành đai – Một Con đường”, có tên Trung Hoa là “Nhất đới – Nhất lộ” của họ.
Điều quan trọng là Quốc hội, mang tiếng là đại diện của dân mà không được Bộ Chính trị cho thảo luận chủ trương hợp tác kinh tế quan trọng này. Giống hệt như Dự án Bauxite Tây nguyên đang thua lỗ nghiêm trọng và Formosa Hà Tĩnh đã gây ra thảm trạng môi trường biển miền Trung năm 2016 cũng không hề được trình ra Quốc hội thảo luận.
Vậy mà, thương hại và nhục nhã thay, cái Quốc hội đảng cử dân bầu này lại không dám ho he thì có còn xứng đáng là đại diện của dân nữa không?
Như vậy, xem ra chuyện tưởng như đùa “hai nước là một, một nước là hai” giữa Việt Nam và Trung Cộng đã thành hình qua chủ trương “Một vành đai – Một con đường” (Trung Cộng) và “Hai hành lang, một vành đai” (Việt Nam).
Căn cứ vào những chuyện giấu diếm đã bị bại lộ thì đây là những bằng chứng cụ thể:
1.- Trong Thông cáo chung nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10 đến 12 tháng 11 năm 2017 và tham dự Hội nghị APEC của Chủ tịch nhà nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình ở Đà Nẵng, phía Việt Nam cam kết: “Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường“… tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”.
2.- Trong chuyến thăm Trung Hoa từ ngày 12 – 15/1/2017 của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên tuyên bố: “Khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”; luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài; luôn nắm chắc phương hướng lớn của tình hữu nghị Việt – Trung”.
Đây là các tuyến đường sắt phần lớn do Trung Hoa tài trợ và thực hiện hầu giúp xuất nhập khẩu hàng hóa cho Trung Hoa qua cảng Hải Phòng.
3.- Trong chuyến thăm Việt Nam từ 5 đến 6/11/2015, Tập Cận Bình phát biểu tại Quốc hội Việt Nam: “Trung Quốc đánh giá rất cao sự kết nối, phát triển chiến lược giữa hai quốc gia, đồng ý tăng cường hợp tác đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, cung ứng năng lượng trong phạm vi bộ khung “một con đường, một vành đai”, “hai hành lang, một vùng kinh tế” nhằm tạo động lực thúc đẩy mới cho quá trình hợp tác đối tác quan hệ toàn diện Trung Quốc Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới”.
4.- Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm cấp Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6 năm 2013.
Trong tuyên bố chung có đoạn viết: “Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam;… thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển”.
Sau cùng cũng nên đọc một đoạn trong Thông cáo chung, nhân chuyến thăm Trung Cộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 10 đến 15/09/2016.
Sau các cuộc thảo luận với Thủ tướng Trung Hoa Lý Khắc Cường thì hai bên đồng ý: “Thúc đẩy hợp tác đầu tư và kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước. Phát huy vai trò Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng, tích cực nghiên cứu và thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối trong khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” và “một vành đai, một con đường”
Như vậy thì sao mà nhân dân không căm phẫn, trí thức không bất bình và nhiều lão thành cách mạng, cựu đảng viên có tâm huyết không căm giận những kẻ đang lăm le rước voi về dày mồ?
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giỏi thì trả lời đi.
Phạm Trần

No comments:

Post a Comment