Monday, July 16, 2018

Không được nhân danh luật pháp để giết Hiến

Đất Nước Đứng Lên

Tôi đã định không viết về vụ Đặng Văn Hiến bởi các bạn đã viết quá nhiều nhưng rồi tôi bắt buộc phải viết bởi có mấy ý cần phải bổ túc.
Hãy tự đặt mình vào địa vị của Đặng Văn Hiến, của Đoàn Văn Vươn hay của bao nhiêu nông dân mất đất các bạn sẽ làm gì?

Trước khi Đặng Văn Hiến hay Đoàn Văn Vươn trở thành tội phạm đứng trước toà, họ là những nông dân lương thiện, chăm chỉ lao động, họ đã yêu mảnh đất của họ, yêu công việc của họ và bao giọt mồ hôi của họ đã đổ xuống trên mảnh đất ấy. Rồi một ngày, công sức lao động của họ bị cướp đi. Đối với Đặng Văn Hiến thì đấy là 8 năm đằng đẵng chịu áp bức, quấy phá của công ty Long Sơn. Người nào đã phải chịu đựng căng thẳng thời gian dài như vậy mà vẫn giữ được bình tĩnh mới là lạ. Chưa kể, trên mảnh đất ấy vợ con của Hiến, những người yêu quý nhất của anh cũng đang sống. Rồi một ngày cả mấy chục người mang vũ khí đến đe doạ, ném đá để cướp đi thành quả lao động bao năm của Hiến.
Toà án ở Việt Nam vốn bị “cận thị” nên chỉ nhìn hay cố tình nhìn sự việc ở khúc gần, mà quên đi căn nguyên ban đầu của sự việc. Tôi đã phải tự hỏi mình rất nhiều là nếu mình là Hiến, mình sẽ làm gì? Bản tính quyết liệt mạnh mẽ vốn có sẽ không cho phép tôi cúi đầu ngoan ngoãn mà từ bỏ dễ dàng thành quả lao động của mình, nhưng nếu tôi hành động như Hiến, tôi cũng sẽ thành tội nhân và sự thiệt thòi sẽ càng thiệt thòi hơn. Như vậy để sống tiếp, tôi bắt buộc phải cúi đầu, rạp mình sát đất như một loài bò sát khi quyền lực và những kẻ có tiền áp bức. Làm như vậy tôi sẽ sống tiếp nhưng nỗi hận sẽ đốt cháy tâm can tôi và là người nông dân, sống mà mất đất thì sự sống ấy cũng gần với cái chết. Như vậy là người nông dân không có đường sống, đằng nào cũng chết.
Những người quan tâm tới những vụ dân oan, chắc hẳn sẽ đồng ý khi tôi nói rằng chính quyền địa phương của nhiều nơi là một lũ khốn nạn, một lũ dùng cường quyền để áp bức, để cướp trắng trợn tài sản của người dân.
Cướp là một hành động có tính truyền thống của chính quyền. Cướp trong cải cách ruộng đất, cướp trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cướp sau năm 75 với tư sản miền Nam, cướp vào năm 1982 ở một số tỉnh thành với những gia đình nhà 2 tầng có vẻ giàu có. Do vậy, việc để xảy ra sự việc đau lòng kia, lỗi đầu tiền là do kẻ cầm quyền địa phương.
Tại sao thằng chủ công ty Long Sơn, thằng gây ra toàn bộ sự việc này lại được giảm án từ 6 năm thành 4 năm mà Đặng Văn Hiến vẫn bị xử tử, mặc dù hành động ấy được làm trong khi kích động cao độ, là hành động tự vệ, được làm trong cơn phẫn uất bảo vệ gia đình, tài sản. Phải chăng toà án cũng như chính quyền nơi Hiến ở bênh vực kẻ có tiền như công ty Long Sơn mà cố tình khép Hiến vào tội chết, việc này giống như một hành động trả thù chứ không phải là công lý.
Tôi đề nghị báo chí, mạng xã hội hãy quan tâm để Hiến thoát khỏi tội chết. Bởi nếu điều ấy xảy ra, nó sẽ là một cái nhát đâm vào tim của lương tri, vào công lý, là một sự thắng thế của cái ác, của quyền lực thiên vị, của sự câu kết giữa quyền lực và tiền bạc chống lại người nông dân thân cô thế cô, là tiếng kêu thắng thế đầy ngạo mạn và man rợ của những kẻ đạo đức giả mang bộ mặt luật pháp và chính quyền đối với người lao động.
Kêu gọi ra đầu thú để hưởng khoan hồng rồi lừa người ta vào chỗ chết? Lần sau lời kêu gọi của các vị sẽ có ai hưởng ứng? Khép Hiến vào tội chết không chỉ là một sự ngu xuẩn chống lại lương tri của công luận mà còn là một hành động làm rơi cái mặt nạ để lộ bản chất man rợ, dối trá, lừa đảo của các vị. Không được nhân danh luật pháp để giết Hiến, bởi đấy là một nạn nhân đáng thương của sự điều hành xã hội của chính các vị.
Nếu các vị cố tình đẩy Hiến vào chỗ chết, tôi e rằng phản ứng của những người nông dân mất đất những lần sau sẽ còn khốc liệt hơn nữa, bởi khi họ đã xác định không còn gì để mất, không còn đường để sống thì họ sẽ chọn hành động phản kháng có thể rửa nỗi hận của họ một cách tốt nhất.
Châu Đoàn

No comments:

Post a Comment