Saturday, September 9, 2017

Tin tức ngày thứ Sáu, 08.09.2017

Tin Tức

VN BẮN PHI ĐẠN 3 NGÀY SAU KHI TRUNG CỘNG TẬP TRẬN Ở HOÀNG SA
Giới truyền thông lề đảng đồng loạt loan tin là quân đội VN đã bắn thử loại phi đạn mới nhất, mua của Do Thái, ngay trong ngày mà bộ ngoại giao VN ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Cộng ở quần đảo Hoàng Sa.

Các hình ảnh trên báo chí lề đảng đăng tải hình ảnh các giàn phi đạn Spyder được bắn thử nghiệm vào hôm 5/9, tức 3 ngày sau khi Trung Cộng kết thúc cuộc tập trận ở Biển Đông. Đây là loại phi đạn được Do Thái chuyển giao cho VN vào tháng 7 vừa qua, nhưng không rõ số lượng là bao nhiêu. Trên trang mạng của mỉnh, bộ quốc phòng VN khoe khoang là đây loại phi đạn đối không, có khả năng tiêu diệt nhiều máy bay cùng một lúc.
Theo tiết lộ của viện Nghiên Cứu Hòa Bình của Thụy Điển thì VN đặt mua 3 giàn phi đạn Spyder tầm ngắn của Do Thái, cùng với một số phi đạn khác như Python. Việc chuyển giao vào tháng 7 chỉ là bước đầu, có tính cách thử nghiệm, sau đó có thể sẽ đặt mua nhiều hơn. Cũng theo viện này thì vào năm ngoái, VN đã mua một lượng vũ khí trị giá 5 tỷ Mỹ kim để tăng cường khả năng quân sự.
HÀ NỘI ỦNG HỘ CHỦ TRƯƠNG GIA TĂNG TUẦN TRA BIỂN ĐÔNG CỦA MỸ
Sau khi Hoa Kỳ loan báo kế hoạch gia tăng các cuộc tuần tra ở Biển Đông trong thời gian tới, bộ ngoại giao VN đã bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch này.
Cần biết là vào ngày 1/9 vừa qua, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của Hoa Kỳ loan báo là họ đang lập lịch trình tuần tra ở Biển Đông nhằm bảo vệ quyền tự do lưu thông ở hải lộ trọng yếu này.
Trả lời câu hỏi của báo chí về kế hoạch nói trên vào hôm qua, phát ngôn nhân bộ ngoại giao VN, Lê Thị Thu Hằng tuyên bố là VN tôn trọng quyền bảo vệ tự do hàng hải của bất cứ quốc gia nào, đồng thời lặp lại lời cáo buộc là Trung Cộng đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN khi tiến hành cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa.
VN CÓ NHIỀU CƠ QUAN CHỐNG THAM NHŨNG NHƯNG VẪN KHÔNG CHỐNG NỔI
Một quan chức cao cấp của quốc hội VN thẳng thừng tuyên bố là VN có nhiều cơ quan bài trừ tham nhũng nhưng vẫn không có hiệu quả gì nhiều.
Quan chức này là ông Vũ Trọng Kim, một thành viên thuộc Ủy Ban Tư Pháp của quốc hội VN. Ông Kim đưa ra nhận định nói trên trong phiên họp của ủy ban này vào hôm thứ Tư vừa qua, và đưa ra bằng chứng là chỉ có 25 quan chức cầm đầu các cơ quan là bị kiểm điểm về các vụ tham nhũng tại các cơ quan của họ. Theo ông Kim thì con số này quá thấp so với làn sóng tham nhũng càng ngày càng gia tăng.
Một thành viên khác thì tuyên bố là rất khó diệt trừ tham nhũng tại VN vì không sao kiểm soát được tài sản của giới quan chức, và việc ép buộc kê khai tài sản chỉ có tính hình thức.
6 NGÀN CÔNG NHÂN THANH HÓA ĐÌNH CÔNG VÌ BỊ CÔNG TY XÚC PHẠM NHÂN PHẨM
Khoảng 6 ngàn công nhân của công ty may Vina Thạch Thành ở tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt đình công phản đối công ty có những hành động thiếu tình người và xúc phạm nhân phẩm công nhân.
Vụ đình công khai diễn sau khi công ty không cho phép công nhân trải vải bố lên sàn nhà để nghỉ ngơi sau bữa cơm trưa. Sang ngày hôm sau thì số người tham gia đình công từ 2 ngàn đã lên đến 6 ngàn công nhân, với yêu cầu thay đổi một số quy định có tính cách xúc phạm nhân phẩm, điển hình như quy định buộc công nhân phải thông báo trước 3 ngày khi bị đau ốm hay có thân nhân qua đời.
Ngoài ra các công nhân cũng đề nghị tăng lương bổng cho phù hợp với mức sinh hoạt hiện tại, tăng trợ cấp chi phí gửi con ở nhà trẻ.
ĐỀ NGHỊ TƯỚC GIẢI NOBEL HÒA BÌNH CỦA NGUYÊN THỦ MIẾN ĐIỆN
Song song với lời kêu gọi trợ giúp cho 300 ngàn người Rohingya đào thoát sang Bangladesh để tránh bị đàn áp, nhiều tổ chức và cá nhân trên thế giới đang kêu gọi tước giải Nobel Hòa Bình của bà Aung San Suu Kyi, người được xem là nguyên thủ tối cao của Miến Điện mặc dù không nắm ghế tổng thống.
Tính đến hôm qua, bản kiến nghị đòi tước giải Nobel của bà Suu Kyi đã thu thập được khoảng 400 ngàn chữ ký với cáo buộc là bà này đã khoanh tay đứng nhìn người thiểu số Rohingya, một sắc dân Hồi giáo ở miền băc, bị quân đội Miến Điện thẳng tay tàn sát trong cuộc hành quân tiêu diệt các phiến quân Rohingya.
Trong khi đó thì các chuyên gia LHQ cho biết là khoảng 300 ngàn người Rohingya đang cần được cứu trợ khẩn cấp sau khi chạy sang Bangladesh để lánh nạn. Theo tính toán của LHQ thì cẩn phải chi gấp 20 triệu Mỹ kim để cung cấp lương thực trong vòng 4 tháng nhằm tránh tình trạng hỗn loạn trong các trại tỵ nạn vì tranh giành thức ăn.
NHIỀU NƯỚC ĐỒNG Ý GIA TĂNG MỨC ĐỘ TRỪNG PHẠT KINH TẾ BẮC HÀN
Rất nhiều thành viên của LHQ, trong đó có Trung Cộng và khối Âu châu, đã ngỏ ý ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới đối với Bắc Hàn, do Hoa Kỳ soạn thảo và đệ trình lên Hội Đồng Bảo An LHQ vào hôm qua.
Trong số các biện pháp trừng phạt mới, có lệnh cấm mua dầu khí của Bắc Hàn, có nghĩa là trong thời gian tới hầu như toàn bộ tài nguyên khoáng sản của Bắc Hàn sẽ không sao có thể xuất cảng được.
Phát biểu tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị lên tiếng yêu cầu LHQ phải mạnh tay hơn nữa trong việc cấm vận Bắc Hàn. Thế nhưng họ Vương cho rằng việc trừng phạt kinh tế chỉ là một nửa giải pháp, nửa còn lại là phải thông qua đàm phán mới có thể giải quyết dứt điểm vấn đề Bắc Hàn.
Trong khi đó thì tại Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu, đang nhóm họp ở thành phố Vladivostok của Nga, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi phải “gây sức ép tối đa” đối với Bắc Hàn nhằm ép buộc bạo quyền cộng sản nước này phải từ bỏ hoàn toàn tham vọng sản xuất vũ khí nguyên tử và phi đạn tầm xa.

No comments:

Post a Comment