Saturday, September 23, 2017

Học giả Trương Vĩnh Ký

Danh Nhân Nước Việt

Trương Vĩnh Ký tên thật là Trương Chánh Ký, về sau đổi chữ lót Chánh thành Vĩnh nên tên được gọi là Trương Vĩnh Ký. Ông là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và khảo cứu văn hóa Việt Nam.
Trương Vĩnh Ký có tri thức uyên bác, am tường văn hóa cổ kim Đông Tây, nên được phong làm Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và là một trong 18 văn hào hàng đầu thế giới ở thế kỷ 19.

Ngoài ra, nhờ thông thạo 27 ngoại ngữ, ông trở thành nhà ngôn ngữ học biết nhiều thứ tiếng nhất ở Việt Nam, và cũng được xem như là một trong những người biết nhiều ngoại ngữ nhất thế giới.
Nhà thông thái Trương Vĩnh Ký đã để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật. Riêng đối với nền báo chí Việt Nam, ông cũng được xem là “ông tổ nghề báo” vì là sáng lập viên kiêm chủ nhiệm tờ “Gia Định báo”, tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Ông là con thứ ba của Lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu.
Năm ông 8 tuổi, thân phụ ông được triều đình cử làm phụ tá trưởng đoàn sứ thần sang Miên, bị nhiễm bệnh và qua đời trong chuyến đi sứ này.
Thấy ông ngoan hiền và siêng năng, Cố Tám (một tu sĩ Công giáo) đã khuyên mẹ ông cho ông đi học chữ quốc ngữ, cải theo đạo Công giáo, và đặt tên là Jean Baptiste Pétrus Trương Chánh Ký, về sau đổi thành Pétrus Trương Vĩnh Ký, gọi tắt là Pétrus Ký.
Linh mục Long từ Pháp sang thấy ông thông minh và ham học, nên đã tận tình truyền dạy chữ La tinh. Năm 1851, ông lại được gửi vào trường đạo Dulalma ở Penang (Mã Lai). Trong thời gian này, ông học thêm các thứ tiếng khác như Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Mã Lai, Nhật Bản, Hy Lạp, Thái Lan…
Năm 21 tuổi, ông tốt nghiệp và về nước đúng vào lúc mẹ ông qua đời. Sau đó, ông lên Sài Gòn tá túc tại nhà vị Giám mục người Pháp Dominique Lefèbre, bắt đầu làm thông ngôn vào ngày 20 tháng 12 năm 1860.
Hay tin Trương Vĩnh Ký ra làm việc với Pháp, một số quan lại nhà Nguyễn đố kỵ ông. Nhưng ông nghĩ rằng, phải làm việc để giúp đỡ đồng bào, nhất là lúc ấy, Pháp và Nam triều chưa hiểu nhau. Ông đã mượn câu cách ngôn Latinh “Ở với họ mà không theo họ”, để biện minh về việc làm thông ngôn. Mặc dù làm việc cho Pháp, nhưng khi sưu tầm và chú thích bản “Gia Định Thất Thủ Vịnh”, ông vẫn gọi Pháp là “giặc”.
Ngày 8 tháng 5 năm 1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn, ông được nhận vào dạy sinh ngữ cho trường này.
Năm 1863, ông làm thông ngôn cho phái đoàn của cụ Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Ngày 1 tháng 4 năm 1865, ông được chấp thuận cho phát hành tờ “Gia Định báo”. Nhưng mãi đến ngày 16 tháng 5 năm 1869 mới có nghị định của Phó đô đốc Ohier ký cho Trương Vĩnh Ký làm chủ nhiệm, và Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút tờ báo này.
Năm 1872, ông được bổ nhiệm làm Đốc học trường Sư phạm dạy người Pháp học tiếng Đông Dương.
Năm 1874, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên thượng Hội đồng Giáo dục và được bình chọn là một trong “Thế giới Thập Bát Văn Hào”.
Ngày 17 tháng 5 năm 1883, ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong danh hiệu Viện sĩ.
Năm 1887, ông về hưu sau chuyến đi công tác ở Bangkok.
Năm 1888, trường Thông ngôn đóng cửa, ông thất nghiệp và sau thời gian dài sống trong hoàn cảnh đơn chiếc, buồn bã, túng quẫn và bệnh hoạn, ông qua đời vào ngày 1 tháng 9 năm 1898.
Mộ phần của ông hiện tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng thuộc quận 5, Sài Gòn.
Ở cuối thế kỷ 19, học giả Pháp tên là Jean Bouchot đã gọi Trương Vĩnh Ký là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và Trung Hoa”.
Vũ Ngọc Phan, trong tập Nhà văn hiện đại, đã viết: “Còn Trương Vĩnh Ký thì thiệt là một nhà bác học. Ông không những là một nhà văn, một nhà viết sử, một nhà dịch thuật mà còn là một người giỏi về ngôn ngữ”.
Công tâm mà nói thì cụ Trương Vĩnh Ký không chỉ được xem là ông tổ nghành báo chí VN mà còn là một người có công đóng góp rất lớn vào việc phát triển hệ thống chữ quốc ngữ của Việt Nam trong thời kỳ phôi thai. Điều đáng trân trọng và hãnh diện hơn nữa là trong thời kỳ đen tối nhất của dân tộc, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, cụ đã là một người VN duy nhất, đứng trong hàng ngũ những nhà bác học lỗi lạc nhất thế giới vào thế kỷ 19.
Điều đáng nói hơn nữa là thực dân Pháp trong gần 100 năm đô hộ VN, ít nhất cũng đào tạo ra được những công dân Việt có tầm vóc lớn trên thế giới, được chính dân Pháp ngưỡng mộ về tài năng của họ. Trong khi đó, cái chế độ ra rả tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ” suốt 70 năm qua, chẳng những không có được một ai xuất sắc như cụ Trương Vĩnh Ký, mà còn nhận chìm cả một nền giáo dục và trí thông minh của người dân Việt xuống mức thấp nhất. Bằng chứng là tại Việt Nam ngày nay, ra đường là gặp rất nhiều “giáo sư” hay “tiến sĩ” nhưng không có một học giả hay công trình nghiên cứu nào mang tầm vóc quốc tế. Điều này cho chúng ta thấy rằng chế độ độc tài Cộng sản đã đưa đất nước ngày càng tụt hậu, thua cả thời thực dân Pháp./.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment