Thursday, September 7, 2017

Lê Thương – NỖI LÒNG CÔ PHỤ

Thi Ca Yêu Nước

Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh quán, tại Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ là nghệ sĩ cổ nhạc. Một bài viết khác cho rằng Lê Thương sinh tại Nam Định. Năm 1935, Lê Thương hành nghề dạy học ở Hà Nội, sau đó ông chuyển về dạy ở Hải Phòng.

Năm 1941, Lê Thương vào miền Nam, sống tại Sài Gòn..Tuy là một nhạc sĩ tài danh, nhưng nghề chính của ông là dạy học. Lê Thương cũng từng làm công chức ở Trung tâm Học liệu, bộ Quốc gia Giáo dục và là giảng viên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ thời Việt Nam Cộng hòa.
Mang tên Lê Thương như một định mệnh, từ đó, dòng nhạc Lê Thương đã chan chứa một mối sầu thương dành cho những người đàn bà mang số phận hẩm hiu như một thiếu nữ khuê các nơi cô phòng, một cô sơn nữ nơi rừng núi, hay một chinh phụ mòn mỏi chờ chồng từ chiến địa xa xăm.
Trước hết, Lê Thương đã biểu tỏ mối cảm thương sâu xa đối với những người thiếu nữ khuê các, vì hoàn cảnh, phải giam mình cô đơn trong bốn bức tường vắng lạnh, đành muợn dây tơ, tiếng đàn để giải bày tâm sự u uất:
Đàn xuân tủi lòng
Nảy cung đợi mong
Reo ai oán trong khuê phòng
Tình tang tang tính, tình tang tang tính tính tình
Lạnh lùng cơn gió ngoài đông
Ngồi se chỉ hồng
Hỏi ai hiểu không
Hỏi ai hiểu không? Không nói thì ai cũng hiểu rằng, bao lần lòng tan nát như dây tơ đứt đoạn vì tình duyên lỡ làng”
Đàn bao tuổi rồi, đàn ca chẳng ngơi
Bao dây đứt trong quãng đời
Tình tang tang tính tính tình
Tình tang tang tính tính tình
Của tình duyên số mạng người
Đàn ca nửa lời
Để cung nhẹ lơi
Tiếp đến, Lê Thương đã trải rộng con tim đến những cô gái miền sơn cước, bông hoa rừng chân chất, tình cờ gặp gỡ bén duyện rồi cũng chia xa, đã để lại trong lòng tác giả một kỷ niệm khó quên:
Trèo lên đỉnh non cao, lên đỉnh non cao
Bỗng đâu gặp gỡ tình cờ
Một nàng sơn nữ hững hờ trong mây
Tóc cô trong gió lẳng lơ
Trong nắng vàng rỡn cặp má hồng tươi
Mắt như nước lặng in trời
Cánh đào thắm nét miệng cười như mơ
Nhưng đời là thế! Hợp rồi tan. Gặp rồi chia tay. Trời tình đắm đuối, cũng đành xa nhau, chỉ còn ấp ủ hình bóng người tình sơn cước trong mộng :
Làn sóng xuân vờn mắt say
Tình xuân nồng đượm đôi mày thanh thanh
Cười Xuân đắm đuốí trời tình
Lòng ta như muốn tan thành hư không
Ta ôm thiếu nữ trong lòng
Người yêu thoát biến thành bông hoa rừng
Đậm nét nhất trong dòng nhạc Lê Thương là nỗi lòng cô phụ qua trường ca Hòn Vọng Phu. Có thể nói Hòn Vọng Phu là trường ca phổ thông nhất và truyền cảm nhất trong dòng nhạc Việt, mỗi lần cất lên đều làm cho khán thính giả nức nở thổn thức.
Cảnh xuất quân xem thật hùng tráng. Hình ảnh chinh phu hớn hở theo lệnh vua lên đường chống ngoại xâm:
Ngựa phi ngoài xa hí vang trời,
Chiêng trống khua trăm hồi,
Ngần ngại trên núi đồi,
Rồi vọng ra khắp nơi..
Phía cách quan sa trường,
quan với quân lên đường,
hàng cờ theo trống dồn
ngoài sườn non cuối thôn,
phất phơ ngậm ngùi bay .
Oai hùng thật đó, nhưng vẫn ngầm chứa một chút gì ngậm ngùi, vì tiễn chàng ra đi, nào ai có biết sẽ hẹn ngày về? Số phận người trai thời chiến như treo trên ngọn chỉ mành:
Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về,
Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề.
Nhìn chân trời xanh biếc bao la,
Người mong chờ vẫn nhớ nơi xa
Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về,
Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề,
Người tung hoành bên núi xa xăm,
Người mong chồng còn đứng muôn năm
Thế rồi những lo âu buổi tiễn đưa đã biến thành hiện thực. Người đi đi mãi không về. Thiên nhiên đã thay đổi, cây rừng đã già cội, nhưng người đi vẫn biền biệt. Nàng mỏi mòn chờ đợi như xác lá:
Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ,
Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ,
cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già
Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa,
Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?
Hỏi để mà hỏi, chứ người chiến sĩ lên đường đâu dám hẹn ngày về? Chờ mong trong tuyệt vọng, nàng đã khô héo, hoá đá. Ngậm ngùi thay! Cảm thương cho người vợ chung thủy, hóa đá chờ mong. Thật đẹp mà cũng thật buồn!!
Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng,
Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng.
Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ
Những người mang mệnh biệt ly
Tuy không đậm nét bằng nỗi buồn chinh phụ, nhưng dòng nhạc lê Thương cũng phản ảnh lòng yêu nước và dân tộc rất đậm đà. Ông đã dùng nốt nhạc để chuyên chở nỗi lòng tha thiết với quê hương:
Tang tính tịch tình tang, tang tính tịch tình tang
Đàn kia tiếng âm vang kêu cố quốc sa trường
Núi cao đứng tựa cửa ngàn
tang tính tịch tình tang tang
tang tính tịch tình tang tình
Nhiều khi gió táp phũ phàng, phũ phàng non sông
tang tình sông
cũng nuôi biết bao chờ mong..
Từ lòng yêu non sông, Lê Thương đã muốn đầu tư tim óc vào tuổi trẻ Việt Nam. Ông đã coi học sinh là tương lai Tổ Quốc”
Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao.
Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập.
Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu.
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên!
Tác giả đã nhắn nhủ học sinh phải rèn tâm luyện chí, chờ ngày phục vụ dân nước:
Học Sinh là mầm sống của ngày mai.
Nung đúc tâm hồn để nối chí lớn.
Theo các thanh niên sống vì giống nòi.
Liều thân vì nước, vì dân mà thôi
Yêu người, yêu nước tin vào tuổi trẻ. Lê Thương đã gói trọn niềm tin trong tay bé thơ rời tay mẹ xuống núi với lưỡi kiếm Kinh Kha diệt trừ bạo tặc:
Đời mong đợi thằng con
Ngày nào nó xuống núi non
Xuất chinh với cả mối thù
Nối lại giống nòi chinh phu
Nối lại giống nòi chinh phu….
NQS, MN, HS tạm biệt, xin hẹn gặp lại quí thinh giả trong mục TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment